Trong lịch sử của Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, có lẽ chưa bao giờ tổ chức này lại đứng trước một vấn đề nan giải như vậy: Nên hay không nên khởi động ngay từ bây giờ tiến trình thâu nhận Ukraina, một quốc gia đang có chiến tranh với Nga ?
Đăng ngày: 10/07/2023
Trước cuộc họp thượng đỉnh của khối NATO khai mạc ngày mai tại Vilnius, thủ đô Litva, đây là một vấn đề đang gây chia rẽ nặng nề các nước đồng minh, nhất là kể từ cuối tháng 6, tổng thống Zelensky đã liên tục hối thúc NATO chính thức có lời mời Ukraina gia nhập khối này.
Thật ra thì vào năm 2008, trong cuộc họp thượng đỉnh tại Bucarest, NATO đã chấp nhận là trong tương lai Ukraina sẽ được gia nhập khối này. Nhưng lúc đó lãnh đạo các nước thành viên đã không phê chuẩn “Kế hoạch Hành động để trở thành Thành viên” (Membership Action Plan – MAP), một kiểu lộ trình để đưa Ukraina tiến gần đến NATO.
Trong khuôn khổ kế hoạch MAP, các nước ứng viên phải chứng minh đáp ứng được những tiêu chuẩn về kinh tế, chính trị và quân sự, đồng thời chứng minh là có đủ khả năng đóng góp về mặt quân sự cho Liên minh. Kể từ năm 1999, nhiều nước xin gia nhập NATO, nhất là các nước thuộc khối Cộng Sản cũ ở Đông Âu, đã thực thi kế hoạch đó, cho dù đây không phải là điều bắt buộc. Riêng Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia trung lập nhưng đã hợp tác với NATO từ lâu, thì đã được mời gia nhập Liên minh mà không cần phải theo đúng kế hoạch MAP.
Ngày càng có nhiều nước thành viên như Anh Quốc đang vận động để Ukraina được kết nạp vào NATO mà không cần thực thi kế hoạch MAP. Làm như vậy, khối NATO không cần phải khởi động ngay tiến trình kết nạp chính thức, hoặc công bố một lộ trình cụ thể cho Ukraina. Hơn nữa, kể từ khi bị Nga xâm lược, quân đội Ukraina được xem là đã vượt qua những giai đoạn quan trọng để đáp ứng các tiêu chuẩn của Liên minh. Phương Tây thì cũng đang huấn luyện binh lính Ukraina theo các chuẩn mực của NATO, đồng thời viện trợ cho Kiev ngày càng nhiều vũ khí tối tân, số vũ khí thời Liên Xô của Ukraina ngày càng ít đi.
Một số thành viên Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan, muốn là một lộ trình cho việc kết nạp Ukraina được công bố ngay từ thượng đỉnh của Liên minh lần này. Ngay cả nước Pháp cũng đã thay đổi ý kiến. Cho đến tháng 12 năm ngoái, tổng thống Emmanuel Macron vẫn còn loại trừ khả năng kết nạp Ukraina. Nhưng hôm 28/06 vừa qua, cũng chính ông Macron đã kêu gọi “xác định một con đường để cụ thể hóa việc Ukraina gia nhập NATO”.
Nhưng một số thành viên khác như Hoa Kỳ và Đức sợ rằng quyết định như vậy sẽ đẩy khối NATO tiến gần đến một cuộc chiến tranh với Nga. Tổng thống Joe Biden khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Mỹ CNN hôm qua đã tuyên bố: “Tôi không nghĩ là nước này sẵn sàng để gia nhập NATO. Tôi không nghĩ là có một sự nhất trí trong NATO để thâu nhận Ukraina giữa lúc đang có xung đột. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ có chiến tranh với Nga”.
Tổng thống Vladimir Putin đã từng lấy cớ khối NATO mở rộng đến biên giới nước Nga để biện minh cho việc phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina. Điện Kremlin vẫn cho rằng việc mở rộng khối NATO đến biên giới nước Nga là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Tuy các nước phương Tây khẳng định Liên minh Bắc Đại Tây Dương chỉ là một tổ chức mang tính phòng thủ, Matxcơva vẫn dọa sẽ có phản ứng để bảo đảm an ninh cho nước Nga trong trường hợp Ukraina được gia nhập NATO. Hôm nay, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov cũng vừa tuyên bố là việc Ukraina gia nhập NATO sẽ có những hậu quả “rất tiêu cực” cho an ninh châu Âu. Phát ngôn viên này một lần nữa nhấn mạnh : “Đây sẽ là một mối đe dọa tuyệt đối đối với nước chúng tôi, buộc chúng tôi phải có một phản ứng rõ ràng và cứng rắn”.
Trong chuyến thăm Kiev vào tháng 4 vừa qua, tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg tuy công nhận “vị trí chính đáng” của Ukraina chính là trong khối NATO, nhưng nói thêm là không thể nào kết nạp Kiev khi nào mà xung đột với Nga chưa chấm dứt. Lãnh đạo NATO cũng đã loại trừ khả năng là thượng đỉnh lần này sẽ chính thức có lời mời Ukraina gia nhập. Thật ra thì bản thân tổng thống Zelensky cuối cùng cũng nhận thấy là Ukraina không thể nào được kết nạp vào NATO khi chiến tranh chưa chấm dứt, nhưng ông vẫn hy vọng thượng đỉnh Vilnius sẽ bắn “một tín hiệu rõ ràng” đến Kiev.