Vướng mắc thuế bất động sản của người giàu ở Việt Nam và Trung Quốc

\"Getty

  • Tác giả,Luật sư Ngô Ngọc Trai
  • Vai trò,Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội

Mới đây, tại kỳ họp Quốc hội Việt Nam diễn ra trong tháng 6 vừa rồi, Bộ Tài nguyên Môi trường đã có báo cáo về một số nội dung của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, trong đó đáng chú ý là vấn đề liên quan đến việc áp thuế bất động sản.

Báo điện tử VTC có bài ‘Chưa quy định đánh thuế cao đối với người sử dụng nhiều nhà, đất’, dẫn lời Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết:

\”Quá trình lấy ý kiến có một số vấn đề lớn mà nhân dân, các nhà quản lý, nhà khoa học kiến nghị hoặc phát sinh từ thực tiễn nhưng chưa được đề cập đến trong Nghị quyết 18-NQ/TW.

\”Chính vì thế, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, làm rõ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn. Trên cơ sở đó, Ban cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trước khi đưa vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

\”Cụ thể, một số nội dung, chủ trương liên quan chưa được thể hiện trong dự thảo luật vì không thuộc phạm vi điều chỉnh như: quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang trong pháp luật về thuế.\”

Điều khiến tôi băn khoăn là phía trên thì nói là cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ về cơ sở căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn, nhưng phía dưới thì lại cho biết nội dung rằng quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất nhiều nhà ở không thuộc phạm vi điều chỉnh.

Nếu thấy vấn đề khó phải cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ cơ sở chính trị thực tế pháp lý thì lại mâu thuẫn khi nói rằng nội dung này không thuộc phạm vi điều chỉnh.

Ngược lại, nếu đã có căn cứ nhận định rằng nội dung này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai, có thể quy định tại các văn bản pháp luật khác liên quan, thì chỉ cần nêu nội dung này là đủ mà không cần phải nêu ý kiến cần thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu nữa.

Tức là lý do chỉ có một mà thôi.

\"Getty

Là người quan tâm tới dự thảo Luật Đất đai, tôi thấy rằng vấn đề áp thuế bất động sản một lần nữa lại bị lần lữa, kéo dài, vấn đề chưa được coi trọng ưu tiên chứ cơ sở chính trị thực tế thì đã rõ.

Về cơ sở chính trị thì từ Nghị quyết 19 năm 2012 của Ban chấp hành Trung ương về đất đai khi ấy cũng đã đề cập tới việc áp thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhưng rồi nhiều năm qua đã không thực hiện được.

Đến năm 2018, Luật Thuế Tài sản đã được đưa vào chương trình làm luật, đã chuẩn bị xong về dự thảo nhưng cuối cùng lại không được trình ra Quốc hội.

Đến bây giờ Nghị quyết 18 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN về đất đai, một lần nữa nhắc lại yêu cầu áp thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều đất, như thế thì cơ sở chính trị cũng đã rõ.

Còn cơ sở thực tế thì thấy, việc thiếu quy định về áp thuế đối với người sử dụng nhiều diện tích đất là một trong các nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng đầu cơ lãng phí đất đai không đưa vào sử dụng.

Nếu có thuế bất động sản, áp cho bất động sản từ thứ hai trở lên, tức là chỉ nhằm đến tài sản tích lũy mục đích là để tạo công bằng, khi ấy việc sở hữu thêm một bất động sản sẽ khiến chủ sở hữu phải chịu những khoản chi phí, chỉ khi đó người ta sẽ có động lực sử dụng tài sản vào mục đích hữu ích để tạo ra lợi nhuận bù đắp cho chi phí.

Ở Việt Nam hiện nay, người sở hữu nhiều tài sản không bị áp thuế cao hơn mà chỉ phải đóng các thứ thuế như những người sở hữu ít tài sản.

Thị trường bất động sản chịu sự chi phối hoàn toàn bởi những người nhiều tiền. Giá bất động sản bị đẩy lên quá cao vượt quá tầm với của người có thu nhập trung bình.

Do không chịu thuế nên bất động sản là kênh đầu tư hấp dẫn, tạo ra lợi nhuận ít chịu chi phí, khiến cho một nguồn lực lớn tài chính quốc gia bị hút vào bất động sản thay vì vào các ngành sản xuất khoa học kỹ nghệ khác.

Như thế là căn cứ thực tế cũng đã rõ.

\"Getty

Nhìn sang Trung Quốc

Tìm hiểu thì được biết, dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có rất nhiều tỉ phú và triệu phú đô la, nhưng Trung Quốc mãi tới năm 2021 mới có chính sách áp thuế bất động sản đối với một số thành phố lớn, nhưng chưa rõ thực tế thi hành ra sao.

Lý do là những người giàu sở hữu nhiều tài sản của nước họ cũng đồng thời là những người thuộc giới tinh hoa nắm giữ quyền lực đã ảnh hưởng tới việc ban hành ra dự luật này.

Bởi vậy mà dù đã làm được nhiều việc khó như đưa phi thuyền lên vũ trụ, theo kịp các nước Mỹ u về mặt này, nhưng Trung Quốc lại khó thể ban ra một dự luật về thuế bất động sản như các nước kia.

Mở rộng ra thì bên Trung Quốc dường như cũng chưa có luật thuế về tài sản, thứ thuế áp dụng đối với người sở hữu nhiều tài sản, theo nghĩa rằng người nào sở hữu càng nhiều tài sản thì sẽ càng nộp thuế cao, bằng cách đó đảm bảo công bằng xã hội, giảm tránh chênh lệch giàu nghèo.

Đó là thứ thuế ở nhiều nước phát triển đã có từ lâu, trong khi đó Trung Quốc chưa có; phải chăng vì vậy nước họ đã là thiên đường cho tích lũy tài sản.

Người sở hữu nhiều tài sản cũng chỉ chịu các thứ thuế như những người sở hữu ít tài sản, phải chăng bởi vậy mà chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ở Trung Quốc đã có rất nhiều tỷ phú, triệu phú đô la?

Tác động của thuế

Những người ở trong lâu ngày thì bị mất đi ý niệm về sự đúng sai còn người bên ngoài nhìn vào sẽ thấy ngay điều bất ổn.

Bản thân tôi khi nhìn vào thị trường bất động sản thì thấy rất là kỳ quặc khi người này người kia mua đi bán lại một mảnh đất trống chờ lên giá; không nền kinh tế nào vận hành theo kiểu đó, lợi nhuận nếu có được thì cũng là sự hy sinh của điều gì đó khác mà thôi.

Nhưng một điều đáng nói là lâu nay những người có khả năng hiểu biết nhất về thị trường bất động sản, thì lại phần nhiều đang kiếm lợi từ thực tế đó, cho nên không có nhiều người có động lực chỉ ra những bất cập từ những sự việc như vậy.

Đứng trước những bất cập nổi cộm của thị trường bất động sản, mới đây Quốc hội VN đã ra nghị quyết lựa chọn nội dung chương trình giám sát tối cao năm 2024 là về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Việc lựa chọn nội dung chương trình giám sát như vậy tạo kỳ vọng cho việc nhận diện các vấn đề và đưa ra giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản.

Trong đó một giải pháp đã rõ, đó là luật thuế về bất động sản, nếu có sẽ giúp điều tiết giá cả hàng hóa, đưa giá bất động sản về với giá trị thực tế.

Từ đó làm lành mạnh thị trường bất động sản, đó cũng chính là môi trường có tính cách bảo hiểm mà nhà nước có thể tạo ra giúp ích cho các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản.

Bài thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ Hà Nội.

Bài Liên Quan

Leave a Comment