Chiến tranh Ukraina : Sử dụng bom đạn chùm, bước thụt lùi giải trừ vũ khí trên thế giới

Mỹ thông báo cung cấp đạn chùm cho Ukraina từ hôm 07/07 làm dấy lên nhiều phản ứng trong những nước ủng hộ Kiev, trong đó có nhiều nước đã cấm sử dụng loại vũ khí được đánh giá là quá nguy hiểm đối với thường dân này. Hệ lụy nào sau quyết định của Washington ?

Đăng ngày: 12/07/2023

\"Ảnh
Ảnh chụp ngày 10/05/2022: Xác một đầu đạn chùm trên một cánh đồng tại Lysychansk, phía đông Ukraina. AFP – YASUYOSHI CHIBA

Anh Vũ

Đây là một « quyết định rất khó khăn » nhưng cần thiết, theo tổng thống Mỹ. Với thông báo hôm 07/07 gửi các loại bom và đạn chùm để giúp quân đội Ukraina tiến hành phản công Nga, Hoa Kỳ đã vượt qua một ngưỡng mới trong hậu thuẫn cho Ukraina. 

Trước khi thượng đỉnh NATO diễn ra tại Vilnius (11- 12/07), thông báo của Mỹ đã gây rất nhiều phản ứng khó xử trong các đồng minh của Kiev. Nhiều nước trong số này đã cấm loại vũ khí được đánh giá là quá nguy hiểm cho thường dân. 

Nhưng theo tổng thống Mỹ Joe Biden, việc cung cấp loại vũ khí đó là cực kỳ cần thiết để giải tỏa tình hình bế tác trên chiến trường giữa lúc quân đội Ukraina gặp rất nhiều khó khăn để vượt qua các chiến hào của Nga ở miền đông. 

Vũ khí cấm ở 120 nước 

Bom hoặc đạn chùm được bắn đi từ mặt đất hoặc thả từ máy bay. Chúng phát nổ trong khi bay và làm tung ra hàng trăm quả đạn nhỏ trên một chu vi rộng. Nhưng vì các đầu đạn này không nổ hết khi được bắn ra và có thể nằm trong đất nhiều năm thậm chí nhiều thập kỷ như những trái mìn nhỏ. 

Vì lý do nguy hiểm đó, đã có khoảng 12 nước, trong đó nhiều nước ở châu Âu, tuân theo Công ước Oslo 2008, đã cấm sản xuất, cất giữ và thương mại loại vũ khí này. Hoa Kỳ, Ukraina cũng như Nga đều không tham gia Công ước trên.  

Những năm gần đây, các loại bom, đạn chùm như vậy vẫn tiếp tục được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột như ở Syria, Yemen, Soudan và giờ đây ở Ukraina. Đài quan sát các loại bom đạn chùm, cơ quan thẩm định việc triển khai thực thi Công ước Oslo, ước tính 97% các nạn nhân của bom chùm là thường dân. 

Phản ứng với thông báo trên của Washington, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen hôm Chủ nhật vừa qua đã lên tiếng báo động về tác động tàn phá của loại vũ khí này. Ông đã nhắc lại « trải nghiệm đau thương » của đất nước Cam Bốt với loại bom chùm của Mỹ trong những năm 1970. Trong chiến tranh Việt Nam từ thập niên 1960 đến 1970, quân đội Mỹ đã rải xuống Cam Bốt ; Lào và Việt nam hàng triệu quả bom chùm và đã gây  thương vong cho hàng chục nghìn người. Phải mất nhiều thập kỷ sau chiến tranh, những nước này vẫn vẫn chưa giải quyết hết hậu quả của bom chùm.

Trong khi đó, bộ trưởng Quốc Phòng Ukraina, Oleksii Reznikov đã khen ngợi quyết định của Hoa Kỳ. Ông khẳng định trên Twitter : «  Lập trường của chúng tôi đơn giản là chúng tôi phải giải phóng lãnh thổ của mình đang bị tạm chiếm và cứu sinh mạng của nhân dân mình », đồng thời cam kết không sử dụng các loại vũ khí này « trên lãnh thổ được thừa nhận chính thức của Nga .»  

Đồng minh châu Âu khó xử

Trong số các đồng minh của Kiev, vấn đề bom chùm này rõ ràng gây chịu. Tổng thống Đức Frank-Wallter Steinmeier đã khẳng định lại lập trường của Đức « chống  các loại bom đạn chùm », nhưng đồng thời ông cũng xác nhận không thể « ngăn chặn được Hoa Kỳ » và cố gắng lý giải rằng « nếu Ukraina không còn phương tiện để tự vệ nữa, hay nếu những nước giúp Ukraina tự vệ không hành động nữa, như thế sẽ là kết thúc cho Ukraina ».  

Thái độ lúng túng trước thông báo của Mỹ cung cấp bom chùm cho Ukraina một lần nữa làm nổi lên nhưng khó khăn của công nghiệp vũ khí của châu Âu trong việc cung cấp thiết bị quân sự cho Kiev.  

Hồi tháng Hai năm nay, tướng Dominique Trinquand, nguyên là trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc đã giải thích « Trong 30 năm, lợi ích của hòa bình đã trở thành câu thần chú của tất cả các nước châu Âu. Với sự sụp đổ của Liên Xô vào những năm 1990, chúng ta tin rằng sẽ không còn chiến tranh nữa và những vấn đề khác trở thành ưu tiên, như sức mua chẳng hạn … Từ hai năm nay những mối nguy hiểm tăng lên, chiến tranh cường độ cao đã trở lại và người ta nhận ra mình đang trong hoàn cảnh eo hẹp, tức là không có dự trữ (vũ khí) ». 

Để khắc phục những khó khăn này, một số quốc gia đã quyết định tăng đáng kể chi tiêu quân sự của họ. Như trường hợp của Đức, nước này đã dành một ngân sách đặc biệt 100 tỷ euro để hiện đại hóa quân đội, hay Pháp đã thông báo tổ chức lại và di dời dây chuyền sản xuất đạn dược về trong nước. Tuy nhiên, những khó khăn vẫn tồn tại. Vào đầu tháng 5, Ủy viên châu Âu về thị trường nội địa, ông Thierry Breton đã công bố kế hoạch tăng cường sản xuất đạn dược trị giá 500 triệu euro. Ông thừa nhận không có lựa chọn ngắn hạn nào ngoài việc \”tiếp tục lấy từ kho dự trữ của chúng ta để đem cho\”. 

Giải pháp sau cùng ? 

Về phía Mỹ, chính quyền Biden trình bày việc sử dụng bom, đạn chùm như một giải pháp thay thế không thể tránh được. \”Chúng tôi đã trì hoãn quyết định này lâu nhất có thể. Tuy nhiên rủi ro đối với dân thường cũng rất lớn nếu binh lính và xe tăng Nga tràn qua các vị trí của Ukraina và chiếm thêm lãnh thổ Ukraina\”, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, cho biết hôm thứ Sáu (07/07). 

Trên kênh CNN, Tổng thống Mỹ khẳng định đó chỉ là giải pháp tạm thời. \”Đây là một cuộc chiến đạn dược. Họ sắp hết đạn còn chúng ta cũng cạn. Đó là lý do tại sao cuối cùng tôi đã nghe theo khuyến nghị từ Bộ Quốc phòng và quyết định không sử dụng thường xuyên mà chỉ cho phép sử dụng chúng trong giai đoạn chuyển tiếp này\”. 

Theo chuyên gia quân sự Thụy Sĩ Alexandre Vautravers, lập luận của Joe Biden chỉ là tương đối cho dù nó phản những khó khăn thực sự.

Ông Vautravers giải thích :\”Người Mỹ còn lâu mới cạn kho, nhưng họ phải đưa ra những lựa chọn chiến lược.  Những loại đạn mà họ định thay thế liên quan đến các vũ khí cụ thể : Đó là các đầu đạn có điều khiển, mới , chế tạo khó và khả năng thì hạn chế. Người Mỹ tìm cách đưa ra một giải pháp tương tự nhanh chóng mà không cần phải điều chỉnh thiết bị đang dùng. Đó chính là các đầu đạn chùm có hiệu quả cao gấp bốn lần so với loại đạn hiện có ». Chuyên gia Vautravers khẳng định :  « Ông Joe Biden quyết định có dự tính trước. Thông báo cung cấp các vũ khí như vậy không nên hiểu là một động thái tuyệt vọng mà trái lại đó là cách để đi trước một bước ».

Bản thân Nga cũng bị tố cáo đã oanh tạc nhiều lần các khu dân cư của Ukraina bằng loại vũ khí này. Mỹ còn đánh giá những vụ tấn công như vậy chứng tỏ « sự yếu kém » của quân Nga trước cuộc phản công của Ukraina. Đầu tuần này, Trung Quốc đã cảnh cáo việc « chuyển giao vô trách nhiệm » bom chùm cho Ukraina có thể làm nảy sinh  những « vấn đề nhân đạo ».

Bản thân chuyên gia Alexandre Vautravers tỏ lo ngại về quyết định của Mỹ. Ông nhận định : « Việc sử dụng bom đạn chùm có đáp ứng được một số nhu cầu mang tính tình huống nhưng nó gửi đi một tín hiệu rất lo ngại vì việc dùng bom chùm phản ánh một bước thụt lùi về chính sách giải trừ vũ khí trên thế giới. Thế giới đã phải mất hàng chục năm mới triển khai được các thỏa thuận như đối với vũ khí bom chùm hay Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Giờ đây, Những thỏa thuận đó đang ngày càng bị vi phạm trong bối cảnh chiến tranh Ukraina. Đó là một xu hướng rất đáng lo ngại».

(Theo france24.com)

Bài Liên Quan

Leave a Comment