2023.07.12
Minh họa: Ông Trương Văn Dũng cầm biểu ngữ ở Hà Nội năm 2016.
FB Dũng Trương
Hai tổ chức gồm Giám sát Nhân quyền (HRW) và Ân xá Quốc tế (Amnesty International) vào ngày 12/7 ra kêu gọi Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động 65 tuổi Trương Văn Dũng (hay Trương Dũng), người dự kiến sẽ ra tòa phúc thẩm vào ngày 13/7.
Hồi ngày 28/3 vừa qua, Tòa án Thành phố Hà Nội tuyên ông Trương Văn Dũng sáu năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự năm 1999. Cáo trạng cho rằng ông Dũng trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài và tàng trữ sách lậu.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW, nhắc lại rằng nhà hoạt động Trương Văn Dũng chỉ thực hành các quyền tự do biểu đạt, lập hội và nhóm họp ôn hòa. Đơn cử, ông tham gia các cuộc biểu tình đông người về các vấn đề chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc; hành động công khai về các vấn đề môi trường và đất đai; kêu gọi chính phủ chấm dứt tham nhũng; tôn trọng các nguyên tắc nhân quyền căn bản.
Ông Trương Văn Dũng công khai tẩy chay những cuộc bầu cử cấp quốc gia vì cho rằng không hề được tự do đi bầu, cũng như không công bằng.
Ông cũng giúp đỡ về mặt tài chính và những hỗ trợ khác cho các tù chính trị, những người khiếu kiện đất đai và gia đình họ…
Bản thân ông Trương Văn Dũng từng phải trải qua nhiều sách nhiễu, đe dọa, thẩm vấn, câu lưu, bị cấm đi lại và bị hành hung thân thể nặng nề.
Bà Ming Yu Hah, Phó Giám đốc Khu vực của Ân xá Quốc tế, cho rằng cơ quan chức năng Việt Nam lại sử dụng sai trái hệ thống tư pháp để đàn áp tiếng nói bất đồng. Hoạt động trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài không thể bị án tù.
Bà Ming Yu Hah nói tiếp: “Những cáo buộc bất công và điều kiện vô nhân đạo của nhà tù Việt Nam cho thấy mong muốn bịt miệng đối lập một cách có hệ thống của cơ quan chức năng Việt Nam vi phạm trực tiếp luật nhân quyền quốc tế. Việc Việt Nam phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn và Các Hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm; cũng như chiếc ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc chỉ là những dấu chỉ rỗng tuếch”.
Nhà hoạt động Trương Văn Dũng bị bắt vào cuối tháng năm năm 2022. Ông là một người bất đồng chính kiến được biết nhiều từ các hoạt động ôn hòa trên đường phố, tích cực tham gia các phong trào biểu tình phản đối đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông, việc chặt hàng ngàn cây cổ thụ ở trung tâm thành phố Hà Nội, việc xả thải của Formosa gây ô nhiễm biển miền Trung năm 2016, vi phạm nhân quyền, và đòi tự do cho các tù nhân lương tâm…
Ông cũng tham gia nhiều hoạt động từ thiện trợ giúp dân oan và gia đình tù nhân lương tâm trong hai nhóm Bầu Bí Tương Thân và Quỹ 50K của nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, người cũng đang bị điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Trong phiên tòa sơ thẩm, ông bị kết tội theo cáo trạng đưa ra bởi Viện Kiểm sát cho dù ông và hai luật sư Ngô Anh Tuấn cùng Lê Đình Việt phản bác.
Cụ thể, ông bị cho là trả lời phỏng vấn của chương trình “Từ cánh đồng mây” của Radio Sài Gòn Dallas ở Hoa Kỳ với nội dung bị cho là tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; tuyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý thông qua các bài phỏng vấn, video clip đăng tải trên mạng xã hội trong thời gian từ năm 2015 đến khi bị bắt.
Ông cũng bị kết tội tàng trữ hai đầu sách mang tên “Những mảnh đời sau song sắt” của cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên và “Chính trị bình dân” của nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo nổi tiếng Phạm Đoan Trang. Theo đó, hai cuốn sách này bị cho là được in và phát hành bất hợp pháp với nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân và tuyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý.
Cả hai luật sư bào chữa cho rằng thân chủ của họ không có tội còn bản thân nhà hoạt động tố cáo công an Hà Nội đã tra tấn ông trong quá trình điều tra. Toà lờ đi tố cáo này của ông.
Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện của Liên Hiệp quốc cho rằng việc bắt giữ ông vi phạm các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết trong khi tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam phóng thích ông và huỷ bỏ mọi cáo buộc chống lại ông.