Biển Đông : Trung Quốc – ASEAN nhất trí đúc kết COC trong 3 năm tới

Ngày 13/07/2023, các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN đã họp với các đối tác tại Jakarta, Indonesia, nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, thảo luận về nhiều vấn đề trong khu vực. Trong cuộc họp với người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, hai bên nhất trí cố gắng đúc kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào năm 2026 để ngăn ngừa các cuộc xung đột do tranh chấp chủ quyền.

Đăng ngày: 13/07/2023

\"Hội
Hội nghị ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc ở Jakarta, Indonesia, ngày 13/07/2023. © REUTERS / Tatan Syuflana

Thu Hằng

Thông tin được một nhà ngoại giao Đông Nam Á xin ẩn danh, tham dự cuộc họp, cho hãng tin AP biết. Ngoài ra, theo văn bản mà hãng tin Mỹ tham khảo được, một nhóm làm việc chung ASEAN-Trung Quốc “sẽ nỗ lực kết thúc đàm phán một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả và thực chất, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật biển, trong thời hạn 3 năm hoặc sớm hơn”.

Văn bản kêu gọi hai bên phải họp nhiều hơn và bắt đầu thảo luận về những vấn đề gây tranh cãi nhất, trong đó có việc xem Bộ Quy tắc Ứng xử sẽ được áp dụng như thế nào về pháp lý và về khu vực địa lý. Trước đó, các nhà đàm phán Trung Quốc vẫn đề xuất là Bộ Quy tắc Ứng xử phải hạn chế sự hiện diện và hoạt động của các nước không nằm trong vùng biển tranh chấp, chủ yếu nhắm đến Mỹ, nước đóng vai trò đối trọng với Trung Quốc trong vùng.

Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký một tuyên bố không mang tính ràng buộc (gọi tắt là DOC) kêu gọi các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tránh mọi hành động gây hấn có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang, trong đó có việc chiếm đóng các thực thể nhân tạo, nhưng các vụ vi phạm vẫn tái diễn.

Ngoài tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc và ASEAN cũng thảo luận về hợp tác kinh tế. Theo ông Vương Nghị, chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, được Reuters trích dẫn, “hai bên tích cực thúc đẩy đàm phán về vùng tự do trao đổi mậu dịch phiên bản 3.0 và triển khai hoàn toàn RECEP”. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – RECEP, do Trung Quốc khởi xướng, bao gồm 15 nước (trong đó có 10 nước ASAN), có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc khẳng định “chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN”.

Ngoài đối tác Trung Quốc, ngoại trưởng các nước ASEAN cũng lần lượt họp với các đồng nhiệm Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Hoa Kỳ về hợp tác an ninh, kinh tế.

Bài Liên Quan

Leave a Comment