NATO “chĩa mũi dùi” vào Trung Quốc

Ngoài Ukraina, Trung Quốc cũng là một hồ sơ nổi bật tại thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva, trong hai ngày 11-12/07/2023. Thông cáo chung của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương trong ngày họp đầu tiên nêu đích danh Trung Quốc tổng cộng 14 lần, thẳng thừng lên án Bắc Kinh “thách thức trật tự thế giới” và xem Trung Quốc là một “mối đe dọa đối với an ninh” chung của khối này.

Đăng ngày: 13/07/2023

\"Tổng
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo tại thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva, ngày 11/07/2023. AP – Mindaugas Kulbis

Thanh Hà

Cách nay một năm, tại thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha, 31 nước thành viên trong thông cáo chung đã đề cập đến “thách thức Trung Quốc”, nhưng chỉ nêu đích danh quốc gia châu Á này có 1 lần. Điều gì đã thay đổi từ đó tới nay ? Ngoài những lời lẽ cứng rắn nhắm vào Bắc Kinh, liệu các thành viên trong Liên minh Bắc Đại Tây Dương có đủ đoàn kết và có được một chính sách chung đối phó với Trung Quốc hay không ?

Thông cáo chung của NATO hôm 11/7 ghi nhận “những tham vọng và chính sách hù dọa” của Bắc Kinh là một thách thức. Trung Quốc sử dụng các “công cụ chính trị, quân sự và kinh tế để tăng cường sự hiện diện trên toàn cầu, phô trương sức mạnh”. Đồng thời, Bắc Kinh đã liên tục “tăng cường khả năng quân sự, tiến hành các chiến dịch không thân thiện, tung tin sai lệch” nhắm vào các thành viên trong Liên minh, và qua đó làm “phương hại đến an ninh” của toàn khối.

Trong cuộc họp với thủ tướng Nhật Fumio Kishida hôm 12/07, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhắc lại kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Tokyo, văn phòng đầu tiên của Liên minh tại Châu Á, “vẫn còn tính thời sự”, bởi NATO quan ngại trước việc Trung Quốc “tăng cường sức mạnh quân sự và mở rộng khả năng hạt nhân (…) Các diễn tiến tình hình tại Ấn Độ -Thái Bình Dương tác động đến châu Âu, đến NATO (…) Cần phải nhìn nhận rằng khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức toàn diện” và một phần trong số những thách thức đó “xuất phát từ Trung Quốc”.

Nhiều yếu tố giải thích lập trường cứng rắn của lãnh đạo Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Đầu tiên là thái độ càng lúc càng quyết đoán và hung hăng của Bắc Kinh ở vùng eo biển Đài Loan và vùng Biển Đông. Thông cáo của NATO còn xem Trung Quốc là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh mạng, an ninh trên biển và trên không. Riêng về kinh tế, việc Trung Quốc thâu tóm tài nguyên, thao túng kim loại hiếm, nguyên liệu thiết yếu của những công nghệ tương lai, cũng là một hình thức đe dọa trực tiếp đến an ninh của NATO. Đó là lý do thứ nhì khiến Liên minh đặc biệt “chĩa mũi dùi” vào Trung Quốc.

Lý do thứ ba, như giải thích của Shannon Tiezzi, tổng biên tập báo The Diplomat của Nhật, là mối liên hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc với Nga trong bối cảnh chiến tranh Ukraina. Do đó, mục tiêu kềm tỏa tham vọng của Bắc Kinh càng thêm cấp bách.

Theo bà Tiezzi, việc NATO mời bốn nước Châu Á Thái Bình Dương (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand) đến Vilnius lần này đủ cho thấy quan tâm của Liên minh đối với khu vực để làm đối trọng với Bắc Kinh.

Có điều trong số bốn vị khách mời của tổng thư ký Stoltenberg, dường như chỉ có Tokyo là “hăng hái” và “thẳng thắn” hơn cả về “yếu tố” Trung Quốc. Ba quốc gia còn lại đang lấn cấn trong quan hệ về kinh tế thương mại với Bắc Kinh. Do vậy, nếu hỏi là liệu NATO có đồng lòng và có chiến lược nào để đối phó với mối “thách thức Trung Quốc” hay chưa, thì câu trả lời là chưa. Bằng chứng rõ rệt nhất là dự án mở văn phòng đại diện của Liên minh tại Nhật Bản đã vấp phải chống đối từ Pháp, một trong những thành viên quan trọng nhất của NATO.

Tổng thống Macron đánh giá đây không là một sáng kiến hay và ông đã lập lại điều đó tại thượng đỉnh Vilnius. Paris giải thích vai trò của NATO là ở “khu vực Bắc Đại Tây Dương”. Báo chí Nhật Bản lưu ý đây cũng là “quan điểm của Bắc Kinh”. Thậm chí một số tờ báo tại Tokyo còn đưa ra giả thuyết là Paris đã “phối hợp” với bộ Ngoại Giao Trung Quốc về điểm này. Một số báo khác nhìn nhận “không chỉ có Pháp, mà nhiều nước châu Âu tránh khiêu khích một đối tác thương mại lớn như Trung Quốc”.

Hơn thế nữa, như chính tổng thống Emmanuel Macron từng vụng về nhìn nhận, nếu như Hoa Kỳ chú trọng vào khu vực eo biển Đài Loan, thì trái lại, đấy không là một ưu tiên của Pháp. Kế hoạch mở văn phòng đại diện NATO tại Nhật Bản theo hãng tin Jiji là một sáng kiến mà “chính quyền Biden kín đáo yểm trợ”, nhưng trước mắt Washignton chưa lên tiếng về những tuyên bố của Jens Stoltenberg liên quan đến dự án này, một phần là cũng để thăm dò phản ứng của Trung Quốc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment