- Tác giả,James Langsdale
- Vai trò,Phóng viên Ngoại giao BBC
Volodymyr Zelensky có thể là hay không phải là fan của Rolling Stones – nhưng sau kỳ họp thượng đỉnh Nato tuần này, có lẽ ông sẽ biết tới bài hát You Can\’t Always Get What You Want (Bạn không thể luôn có được cái bạn muốn) của nhóm này.
Vị tổng thống Ukraine tới Vilnius, Lithuania, với nhiều kỳ vọng.
Ông tìm kiếm đảm bảo rằng đất nước ông có thể gia nhập Nato sau khi cuộc chiến với Nga kết thúc. Ông mong muốn việc trở thành thành viên của liên minh quân sự mạnh nhất thế giới là một tia hy vọng cho người dân Ukraine, và trên hết, sự đảm bảo hòa bình cao nhất để quân Nga sẽ không bao giờ đặt chân lên đất Ukraine một lần nữa.
Thay vào đó, ông Zelensky chỉ được thông báo rằng Ukraine sẽ được mời gia nhập Nato “khi các nước đồng minh nhất trí và các điều kiện được đáp ứng.” Cho tới giờ, không có cam kết nào.
Không ngạc nhiên khi ông Zelensky nổi đóa và nói rằng thật “kỳ cục” là lãnh đạo các nước Nato thậm chí không đưa ra một lộ trình thời gian. Các điều kiện gia nhập, ông nói, là “mơ hồ”.
Ông cũng giận dữ về ý tưởng rằng việc Ukraine trở thành thành viên Nato có thể sẽ được đặt lên bàn để ‘mặc cả’ với Nga sau cuộc chiến.
Nhưng khi Tổng thống Zelensky gặp mặt các lãnh đạo Nato trực tiếp, những lo lắng về ngoại giao đã lắng xuống. Các lãnh đạo hôm thứ Tư ra sức trấn an ông Zelensky rằng mọi chuyện đã thay đổi, và Ukraine sẽ gia nhập Nato.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói Ukraine thuộc về liên minh này.
Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg nói hai bên gặp nhau với tư cách bình đẳng hôm thứ Tư, và sẽ là đồng minh của nhau trong tương lai.
Và Tổng thống Mỹ Joe Biden – người đã kiềm chế những gì Nato chính thức tuyên bố về việc Ukraine trở thành thành viên – nói với ông Zelensky rằng chuyện này sẽ xảy ra. Ông nói Ukraine đang đi đúng hướng.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói tại thượng đỉnh đã có sự chấp nhận rằng Ukraine thuộc về Nato. Ông nói không còn quốc gia thành viên nào đặt câu hỏi “nếu” Ukraine có thể gia nhập, mà chỉ là “khi nào”.
Đó là rất nhiều lời lẽ nồng ấm cho ông Zelensky mang về Kyiv.
Thêm vào đó, ông còn thu được một số cam kết cụ thể: một lời hứa rằng quy trình xin gia nhập Nato sẽ được giảm nhẹ, một Hội đồng Nato-Ukraine mới sẽ được thành lập để Kyiv triệu tập các cuộc họp với các quốc gia Nato, và có lẽ đáng kể nhất, một lời hứa có sự đảm bảo an ninh dài hạn từ một số quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
Các lãnh đạo G7 nói họ sẽ đồng ý ra một gói hỗ trợ song phương về quân sự và kinh tế cho Ukraine, để ngăn cản sự xâm lược của Nga trước khi Ukraine gia nhập Nato.
Gói này sẽ gồm các hệ thống phòng không, tên lửa tầm xa và thâm chí cả phi cơ chiến đấu, cũng như tăng cường đào tạo, chia sẻ thông tin tình báo và trợ giúp về công nghệ an ninh mạng (cyber technology). Ông Zelensky gọi đây là một “thắng lợi an ninh đáng kể”.
Một bình luận nghịch tai tại thượng đỉnh này đến từ Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, người trong cuộc họp báo đưa ra cảnh báo rằng Ukraine cần tỏ ra biết ơn hơn cho sự ủng hộ họ đã nhận được.
Đây không phải là sự oán giận mà là lời khuyên thẳng thắn từ một đồng minh.
Ông nói Ukraine cần làm nhiều hơn nữa để hiểu rõ hơn áp lực chính trị làm hạn chế sự ủng hộ quân sự mà các nước giành cho Ukraine, nhất là Hoa Kỳ. Ông Wallance nói việc ông Zelensky sang Washington với một danh sách vũ khí khí tài, coi Hoa Kỳ như một chi nhánh của Amazon chắc chắn sẽ gây ra ít nhiều “càu nhàu”.
Không ngạc nhiên là lời lẽ của ông Wallace gây xôn xao ở Vilnius.
Bình luận của ông chắc chắn là không khéo léo tại một hội nghị thượng đỉnh được thiết kế để thể hiện sự đoàn kết của Nato. Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã công khai bác bỏ chúng và khẳng định rằng Ukraine luôn biết ơn.
Khi ông Zelensky bị hỏi về bình luận của ông Wallace tại cuộc họp báo của chính ông, ông có vẻ ngạc nhiên và yêu cầu bộ trưởng quốc phòng Ukraine gọi điện cho ông Wallace xem ông thực sự có ý ra sao.
Nhưng có lẽ ông Wallace đã tình cờ rọi đèn vào một khoảnh khắc thú vị trong cuộc chiến này.
Suốt gần một năm rưỡi, hầu hết các yêu cầu của Ukraine được các nước phương Tây lắng nghe và đáp ứng. Kyiv luôn luôn không thỏa mãn, và luôn luôn yêu cầu thêm nữa, và cuối cùng phương Tây cũng đáp ứng – từ tên lửa vác vai, tới xe bọc thép, tới xe tăng và giờ đây thậm chí cả bom chùm.
Thế nhưng tại Vilnius lần này, không có nghĩa là không. Nato – do Hoa Kỳ dẫn đầu – đã không nhượng bộ trước yêu cầu của Ukraine và đã chọn sự thận trọng chiến lược hơn là tự động cho Ukraine được sớm gia nhập vào liên minh này.
Thế nên với Tổng thống Zelensky, có lẽ đây là lúc kiểm tra thực tế, rằng áp lực chính trị trong nước đang gia tăng ở phương Tây và điều này sẽ định hình môi trường chính trị toàn cầu nơi ông Zelensky giờ đây phải hoạt động. Một bài học rằng bạn không phải lúc nào cũng được cái bạn muốn.