Thái Lan: Ứng viên cải cách Pita không trở thành thủ tướng

\"EPA\"/

  • Tác giả,Joel Guinto & Kelly Ng
  • Vai trò,BBC News
  • 13 tháng 7 2023

Người theo chủ nghĩa cải cách chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Thái Lan vào tháng Năm đã không giành đủ số phiếu trong quốc hội để trở thành thủ tướng.

Pita Limjaroenrat đã giành chiến thắng áp đảo từ các cử tri quay lưng với chế độ quân sự bảo thủ, nắm quyền kể từ cuộc đảo chính năm 2014.

Ông và đồng minh giành đa số phiếu tại hạ viện nhưng không chiến thắng tại thượng viện gồm 249 ghế, tất cả đều do chính phủ quân sự cũ bổ nhiệm.

Ông Pita cũng đối mặt với các thách thức pháp lý vào phút chót, điều khiến ông có thể bị loại khỏi cuộc đua. Ông phủ nhận đã vi phạm quy định bầu cử.

Ông nói với báo giới ông chấp nhận kết quả bỏ phiếu vòng đầu, nhưng nói thêm: “Tôi sẽ không bỏ cuộc”.

Trước cuộc bầu cử quốc hội, ông Pita, lãnh đạo đảng Move Forward có quan điểm tiến bộ, cho biết ông thấy tự tin.

“Tôi sẽ cố gắng hết sức để thể hiện tầm nhìn của tôi và giải thích cho tất cả các thượng nghị sỹ,” ông nói.

Ông Pita cũng nói có nhưng nỗ lực để “ngăn cản chính phủ với đa số phiếu bầu từ người dân điều hành đất nước theo nhiều cách”.

“Đây là điều khá bình thường trên con đường lên nắm quyền ở đất nước chúng ta…Tôi thấy khích lệ và hy vọng sẽ thay đổi các cản trở cho tới khi giấc mơ của tôi và người dân có thể đạt được,” ông nói với kênh truyền hình Rath TV của Thái Lan.

Ngoài việc không giành đủ số ghế cần thiết tại quốc hội, ông Pita dường như phải đối mặt với một đòn giáng khác vào tham vọng của mình khi vào thứ Tư, Tòa án Hiến pháp nổi tiếng bảo thủ của Thái Lan chấp nhận đề nghị từ Ủy ban Bầu cử (EC), cơ quan yêu cầu đình chỉ tư cách nghị sĩ của ông.

Tòa án cho biết họ hiện đang đánh giá hai khiếu nại nhắm vào nhà lãnh đạo của đảng Move Forward; một vụ là việc Pita nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông – dù công ty đó đã ngưng hoạt động trong 15 năm.

Một vụ khác là đề xuất của đảng Move Forward – nhằm sửa đổi luật khi quân hà khắc, vốn đã bỏ tù hàng trăm người chỉ trích chế độ quân chủ, bị coi là nỗ lực lật đổ toàn bộ trật tự chính trị của Thái Lan.

Không rõ khi nào Tòa án Hiến pháp sẽ cân nhắc về vụ việc, nhưng về mặt kỹ thuật, theo luật của Thái Lan, ông Pita vẫn có thể trở thành thủ tướng ngay cả khi ông bị loại khỏi quốc hội.

Người đàn ông 42 tuổi tốt nghiệp Harvard và là cựu giám đốc điều hành công ty công nghệ đã dẫn đầu đám đông người ủng hộ trong màu áo cam trong các cuộc tuần hành lớn trên khắp cả nước, trước cuộc bỏ phiếu quốc hội hôm thứ Năm này.

“Tôi không biết chúng ta sẽ phải chờ bao lâu trước khi cơ hội vàng 13/7 lại đến,” ông Pita nói tại một cuộc biểu tình hôm Chủ nhật bên ngoài một trung tâm mua sắm lớn nhất ở thủ đô Bangkok.

Trước phiên họp quốc hội hôm thứ Năm, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Prayuth Chan-ocha tuyên bố giã từ chính trường sau chín năm lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này.

Ông Prayuth là chỉ huy quân đội, người đã thực hiện cuộc đảo chính năm 2014 để lật đổ các nhà lãnh đạo dân sự của Thái Lan, những người bị cáo buộc tham nhũng nghiêm trọng.

Đây là cuộc nổi dậy quân sự lần thứ hai của Thái Lan kể từ năm 2006 và trong cả hai lần, thành viên của dòng họ chính trị quyền lực Shinawatra đã bị phế truất.

Thực tế, một trong những lực lượng lớn nhất trong liên minh của ông Pita là do Paetongtarn Shinawatra, con gái của cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra dẫn dắt.

Luật khi quân đã tồn tại hàng chục năm, theo đó ai cũng có thể phải ngồi tù vì phát ngôn chống lại chế độ quân chủ. Luật này được thực thi nghiêm ngặt dưới sự thời ông Prayuth cầm quyền và những người chỉ trích cho rằng luật này được sử dụng để bóp chết tự do ngôn luận.

Trong nhiệm kỳ của ông Prayuth, nhiều người đã bị bỏ tù vì bán lịch có hình vịt vàng ăn mặc giống Hoàng hậu Thái Lan, hàm ý châm biếm.

Ông Pita mô tả nhiệm kỳ của ông Prayuth là “thập kỷ bị đánh mất” của Thái Lan và đã hứa sẽ chấm dứt vòng lẩn quẩn tham nhũng và các cuộc nổi dậy của quân đội. Ông hứa thực hiện cải cách theo hướng “phi quân sự hóa, phá bỏ độc quyền và phi tập trung hóa” đất nước.

Một trong những lời hứa tranh cử gây tranh cãi nhất của ông là sửa đổi luật khi quân, điều này có vẻ sẽ khó khăn vì chế độ quân chủ được người Thái coi trọng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment