Đức hết \”ngây thơ\”, muốn giảm rủi ro phụ thuộc Trung Quốc

Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên Hiệp Châu Âu, đã điều chỉnh chiến lược với Trung Quốc. Tài liệu dài 64 trang, được ngoại trưởng Annalena Baerbock công bố ngày 13/07/2023, cho thấy một nước Đức thực dụng, « không muốn tách khỏi » Trung Quốc, nhưng tìm cách « giảm thiểu rủi ro »

Đăng ngày: 14/07/2023

\"Thủ
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (P) và thủ tướng Trung Quốc Lý Cường họp báo chung tại Berlin, Đức, ngày 20/06/2023. REUTERS – NADJA WOHLLEBEN

Thu Hằng

Theo tài liệu, « chiến lược kinh tế của Trung Quốc là nhằm làm cho nước này ít phụ thuộc vào những nước khác và đồng thời khiến cho chuỗi sản xuất thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc ». Nhật báo Pháp Le Figaro trích dẫn số liệu thâm hụt thương mại của Đức so với Trung Quốc từ năm 2010 đến 2022 đã tăng từ 23,5 tỉ lên thành 84 tỉ euro. Do đó, ngoại trưởng Đức nhấn mạnh phải khẩn trương « thay đổi cách chúng ta hành xử với Trung Quốc »

Từ bài học phụ thuộc vào năng lượng Nga, cũng như việc Matxcơva và Bắc Kinh xích lại gần nhau từ chiến tranh Ukraina, Berlin muốn « giảm nguy cơ » đơn phương lệ thuộc vào nền kinh tế, cũng như các chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh gần đây quyết định hạn chế xuất khẩu hai kim loại hiếm để sản xuất chip điện tử cho thấy phần nào sự phụ thuộc của các nước phương Tây. « Chiến lược về Trung Quốc » của Berlin nhấn mạnh đến việc gây dựng quan hệ với các nước ở châu Phi, Nam Mỹ và vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương để bảo đảm nguồn nguyên liệu quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng. 

Các doanh nghiệp Đức được khuyến cáo là « sẽ chịu nhiều rủi ro về tài chính hơn nếu phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc ». Nhà nước sẽ tiếp tục bảo hộ các khoản đầu tư của Đức tại Trung Quốc, nhưng sẽ rút lại những bảo đảm trong một số trường hợp đặc biệt. Tương tự, chính phủ Đức sẽ thắt chặt kiểm tra để chắc chắn rằng các dự án đầu tư đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường hoặc nhân quyền. Ngoài ra, Đức sẽ tăng cường kiểm tra các sản phẩm xuất khẩu bị « ép » chuyển giao công nghệ,hoặc bị buộc phụ thuộc vào Trung Quốc. 

Đức phối hợp với chiến lược của Liên Âu về Trung Quốc 

Trong thời gian dài, Đức bị chỉ trích « một mình một kiểu » trong quan hệ với Trung Quốc khi đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. « Chiến lược về Trung Quốc » lần này sẽ được Berlin phối hợp với các thành viên Liên Âu như « hai mặt của đồng tiền », vì theo bà Annalena Baerbock, « sẽ không có chiến lược của Đức về Trung Quốc nếu chiến lược đó không gắn kết với chiến lược chung của Liên Hiệp Châu Âu và một chiến lược của châu Âu về Trung Quốc sẽ không hiệu quả nếu không phối hợp với chiến lược của Đức »

Thị trường chung châu Âu, cũng như hợp tác giữa các nước Liên Hiệp Châu Âu, sẽ được coi là công cụ bảo vệ lợi ích của Đức, cũng như của khối. Berlin hứa mọi cuộc trao đổi song phương, ví dụ tham vấn giữa hai chính phủ Đức-Trung, sẽ được điều phối tốt hơn với những nước Liên Âu khác. Chỉ có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh để đối phó với Bắc Kinh, bởi vì « về chính sách đối ngoại, Trung Quốc theo đuổi ngày càng quyết liệt những lợi ích riêng và tìm mọi cách thay đổi trật tự thế giới dựa trên luật pháp. Điều này tác động đến an ninh của châu Âu và thế giới »

Khác với chiến lược an ninh quốc gia được công bố vào tháng 06/2023, đây là lần đâu tiên Đức có riêng một « Chiến lược về Trung Quốc », dù đây là kết quả của nhiều tháng tranh cãi, căng thẳng trong liên minh cầm quyền, giữa một bên chủ trương cứng rắn, đại diện là đảng Xanh của ngoại trưởng Baerbock, và một bên ưu tiên cho thương mại với Bắc Kinh, mà đại diện là đảng Xã hội-Dân chủ của thủ tướng Olaf Scholz. 

Điều quan trọng là « Chiến lược về Trung Quốc » được cả chính giới cũng như giới chủ Đức (BDI) hoan nghênh. Nhiều chính trị gia thở phào vì cuối cùng văn bản, dự kiến ban hành tháng 2, đã được công bố sau nhiều lần tưởng thất bại. Giới chủ hoan nghênh việc không cắt đứt với Trung Quốc, mà chỉ giảm rủi ro, thông qua việc đa dạng hóa và tăng khả năng cạnh tranh. 

Nhà nghiên cứu Katrin Kamin, Viện Kiel, nhận định : « Từ lâu, chúng ta (Đức) thiếu suy nghĩ chiến lược về mối quan hệ với Trung Quốc. Hiện giờ, chúng ta có một cơ sở để thảo luận nhắm đến rất nhiều mục tiêu nhưng lại không có gì là cụ thể ». Đây chính là thách thức cho những cuộc thảo luận sắp tới về công cụ, biện pháp triển khai chiến lược. Tuy nhiên, Berlin cũng cần khôn khéo trong đối sách với Bắc Kinh, bởi vì, như ngoại trưởng Đức lưu ý, « không có Trung Quốc, sẽ không thành công trong việc ngăn cản một cạc hiệu quả khủng hoảng khí hậu, cũng như bảo đảm thịnh vượng công bằng trên thế giới »

Bài Liên Quan

Leave a Comment