July 18, 2023
Vấn đề đặc biệt nhức nhối trong đại án “chuyến bay giải cứu” là không có nạn nhân trong khi tất cả mọi người đều biết là có đến hơn 200.000 người bị móc túi trong thời điểm cực kỳ khốn quẫn.
Lý do là cấu thành tội phạm mà các bị cáo bị truy tố phần lớn là về tội đưa và nhận hối lộ (23 và 21 người). Chỉ có một đối tượng là Hoàng Văn Hưng, cựu cán bộ công an bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 174.
Tội lừa đảo thì luôn có nạn nhân. Đối tượng Hưng đã dùng “thủ đoạn gian dối” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân là bà Hằng. Tiền đó cũng là tiền của các nạn nhân tham gia chuyến bay.
Vậy còn số tiền hơn 200.000 người đã đi trên hơn 2.000 chuyến bay giải cứu đã bị cáo đã chiếm giữ và chia nhau. Số tiền đó đang bị truy thu lại một phần và sẽ bị sung công quỹ.
Xét về mặt logic tư duy, những nạn nhân bị các cá nhân ép lấy tiền, xong giờ lại đưa vào “công quỹ”. Điều đó là sai.
Bởi vậy hơn 200.000 nạn nhân phải tiến hành một vụ kiện tập thể, chống lại Chính phủ Việt Nam theo một chùm tội danh liên quan đến tài sản như sau:
1. Tội: “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ luật Hình sự
2. Tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự
3. Tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự
Lý do là Chính phủ đã ra quyết định thành lập “Tổ công tác 5 bộ” gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Công An, Bộ Quốc phòng…) để tiến hành việc tiếp nhận hồ sơ, phê duyệt và cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước.
Và 54 bị cáo đã được “sử dụng quyền lực”, “nhân danh quyền lực nhà nước” để thực hiện các hành vi gian dối, lừa gạt, ép buộc, thậm chí dùng “vũ lực” – theo góc độ “quyền lực Nhà nước” để chiếm đoạt tài sản của đồng bào trong đại dịch.
Chỉ khi khởi kiện và bị truy tố bởi những điều khoản trên thì mới có nạn nhân và những nạn nhân mới được bồi thường.
Lê Quốc Quân