VN: Khi khủng hoảng làm tăng quyền lực người dùng mạng xã hội

\"Getty\"/

  • Tác giả,Lê Anh Tú
  • Vai trò,Giảng viên, nhà nghiên cứu Truyền thông tại Sài Gòn
  • Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

Những quan sát gần đây cho thấy người dùng mạng xã hội (MXH) tại Việt Nam đang dần tự khẳng định tiếng nói nhiều hơn, từ đó góp phần khiến không ít bên rơi vào khủng hoảng truyền thông.

Khi người nổi tiếng lẫn giới truyền thông lao đao vì MXH

Có khá nhiều vụ việc cho thấy người dùng MXH trong nước đã bắt đầu cất tiếng nói một cách mạnh mẽ hơn. Đơn cử là ba ví dụ trong vài tháng gần đây.

Đầu tiên là vụ “chiến thần” livestream Võ Hà Linh bị tẩy chay. Võ Hà Linh là một TikToker rất nổi tiếng với khả năng bán hàng qua MXH và review hàng quán. Thế nhưng khi cô gái 8X này trở nên quá tự tin, “review” thiếu khách quan, vào tháng 4.2023, cô đã bị cộng đồng mạng tẩy chay quyết liệt và nhiều hàng quán đăng hình cô, tuyên bố “cấm cửa”.

TikToker bình luận sản phẩm ở VN: \’Quyền lực\’ đến từ đâu?

Hà Linh đã làm clip xin lỗi đăng trên TikTok, trong đó cô nói: \”Tôi đã ngạo mạn nói rằng mình sẽ tự lập một group anti, nhưng đến ngày hôm nay, tôi đã có hàng loạt group anti với những con số rất lớn, tôi đã đọc kỹ các bình luận và các bài đăng trong các group anti.” Clip xin lỗi này đến nay vẫn thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và nhiều bình luận.

Không chỉ người nổi tiếng sống nhờ MXH bị chính MXH làm cho lao đao, mà cả các cơ quan truyền thông lớn cũng khốn đốn vì “quyền lực mạng”. Trong đầu tháng 7/2023, sau khi đăng tải một tập (đã phát sóng trên HTV7) trong gameshow tên 100% lên trang YouTube của đài truyền hình TP HCM (HTV), trong đó có diễn viên Hồng Phượng, cháu cố nghệ sĩ Vũ Linh, đài truyền hình này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận.

\"tiktok

Chỉ trong vài giờ, đã có hơn 1.000 đánh giá 1 sao của người xem trên các nền tảng MXH khác nhau của HTV, khiến đài này phải nhanh chóng gỡ bỏ tập đã phát sóng vừa nêu. Đồng thời, phía HTV cũng đã đăng tải một văn bản với tiêu đề “Thư ngỏ”, mục đích nhằm xoa dịu dư luận để khủng hoảng truyền thông không tăng cao. Đến nay, dù mọi chuyện đã lắng xuống, song “Thư ngỏ” này của HTV đã có hơn 2.600 lượt phản hồi, 1.600 comment và 43 lượt chia sẻ và vẫn tiếp tục nhận những phản hồi mới.

Cũng trong tháng 7, vụ công ty tổ chức sự kiện Âm nhạc IME tổ chức show ca nhạc BornPink của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink có sử dụng hình ảnh bản đồ có “đường lưỡi bò” trên website lại tiếp tục khiến cộng đồng mạng trong nước phẫn nộ.

Tất nhiên, sau khi hứng chịu cơn bão dư luận, công ty IME cũng đã có những động thái giải thích. Song, cho đến nay concert sắp diễn ra tại Hà Nội đang có rất ít nhà tài trợ trong nước tham gia, và vé bán ra khá ít. Điều này phần nào cho thấy khủng hoảng truyền thông có tác động tiêu cực đến một vụ việc, và tình cảm của công chúng phần nào bị sứt mẻ vì những sai lầm của người thật trên thế giới ảo.

Không còn “truyền thông một chiều”

Những trường hợp trên góp phần làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người trong giới truyền thông. Đầu tháng 7 vừa qua, trong toạ đàm \”Vai trò của báo chí, xuất bản đối với việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh\” tại TP HCM do ban Tuyên giáo Thành uỷ TP HCM tổ chức, nhiều nhà quản lý, nhà báo và giảng viên các trường đại học về báo chí, truyền thông cũng đã nhìn nhận rằng vị thế và vai trò của báo chí hiện nay đã thay đổi bởi sự phát triển của MXH.

Tại một toạ đàm vừa diễn ra ở một đại học ở Sài Gòn, có sự tham dự của cả giới chuyên gia truyền thông, marketing và báo chí, nhiều ý kiến thừa nhận MXH hiện nay đã trở thành một “ngòi nổ” đáng sợ, khiến khủng hoảng truyền thông lan rộng chóng mặt, đồng thời, tần suất của các cuộc khủng hoảng cũng tăng cao.

\"UGC\"/
Chụp lại hình ảnh,Trên mạng xã hội còn truyền nhau hình ảnh một vài quán xá còn dán thông báo không tiếp một vài TikToker chuyên review đồ ăn

Để không phạm phải những sai sót dẫn đến việc thương hiệu cá nhân hay thương hiệu tổ chức bị tổn hại, tôi cho rằng có lẽ đây chính là thời điểm tốt để giới truyền thông, doanh nghiệp và người nổi tiếng ở Việt Nam đánh giá lại “cán cân quyền lực” của người dùng MXH trong tương quan với các thiết chế truyền thống.

Khi “quyền lực mạng” ngày càng lên cao, mặt tích cực dễ thấy, đó là dư luận không còn dễ dãi chấp nhận “truyền thông một chiều”. Khi đó, bất kỳ một quyết định nào cũng cần được cân nhắc một cách khách quan, đa chiều hơn, trước khi được thực thi trên diện rộng.

Cùng với đó, truyền thông dòng chính (mainstream media) cũng đang đứng trước thách thức lớn. Câu chuyện học thuật về tính tương tác (interaction) trên báo trực tuyến trong thời web 2.0 đã qua hơn 10 năm qua, song tôi cho rằng vẫn còn khá… mới tại Việt Nam.

Đã đến lúc các báo đài chính thống cũng cần có sự cởi mở hơn trong cách tiếp nhận những phản hồi đa chiều, từ đó nâng cao tính chiến đấu, sự sắc bén và sự tự do trong khai thác đề tài của người làm báo. “Quyền lực thứ tư”, nhờ đó, cũng trở nên mạnh mẽ hơn trong mắt bạn đọc nhờ tinh thần phản biện.

Bài Liên Quan

Leave a Comment