Taxi bay, phương tiện vận chuyển của tương lai

Đăng ngày: 19/07/2023

Một trong những “ngôi sao” của Triển lãm Hàng không và Không gian Le Bourget, Paris ( 19-25/06/2023 ) chính là những chiếc taxi bay, một phương tiện vận chuyển của tương lai mà không bao lâu nữa sẽ xuất hiện trên bầu trời thủ đô nước Pháp, như chiếc Volocopter của Đức, trên nguyên tắc sẽ được đưa vào hoạt động cho kỳ Thế Vận Hội Paris 2024.

\"Taxi
Taxi bay VoloCity của công ty Đức Volocopter được trưng bày tại triển lãm Le Bourget. Ảnh chụp ngày 19/06/2023 © Thanh Phương RFI

Nói là taxi bay cho dễ hiểu, chứ thật ra tên đầy đủ của kiểu máy bay này là eVTOL ( máy bay điện cất cánh và đáp xuống theo chiều thẳng đứng ).  Năm nay, đặc biệt Triển lãm Le Bourget đã dành hẳn một gian rộng đến 1.000 m2, mang tên “Paris Air Mobility”, quy tụ toàn bộ những kiểu taxi bay lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng, dưới dạng đã hoàn chỉnh hoặc dưới dạng maquette. Về những xe dưới dạng hoàn chỉnh, khách tham quan đã có thể chiêm ngưỡng chiếc Midnight eVTOL, một loại máy bay điện có thể chở theo 4 người, bay với vận tốc 240 km/giờ trên một đoạn đường dài 160 km. Đây là sản phẩm do tập đoàn xe hơi đa quốc gia Stellantis và công ty Archer Aviation của Mỹ chế tạo. 

Midnight eVTOL được mô tả là bay rất êm, nhờ kích thước rất nhỏ của 12 cánh quạt, bay ở độ cao 600 mét. Stellantis và Archer Aviation hy vọng sẽ được Cục Hàng Không Liên Bang Mỹ cấp phép từ đây đến cuối năm 2024 để Midnight eVTOL có thể cất cánh theo dự kiến vào năm 2025.

Nhờ những tiến bộ công nghệ, những chiếc xe bay này có thể cất cánh và hạ cánh theo chiều thẳng đứng, tránh được nạn kẹt xe triền miên ở các vùng đô thị. Nhưng riêng chiếc Lilium là vừa có thể cất cánh theo chiều thẳng đứng như một chiếc trực thăng, ví dụ như từ nóc của một tòa nhà, vừa có thể cất cánh theo chiều ngang như một chiếc máy bay bình thường. 

Trong số các công ty tham gia trưng bày taxi bay tại triển lãm Le Bourget, có một số công ty của Trung Quốc như AutoFlight. Công ty này được thành lập năm 2017, có trụ sở tại Thượng Hải, nhưng trung tâm nghiên cứu đặt tại Đức.

Trả lời RFI Việt ngữ tại triển lãm, ông Sebastien Winblad-Rasmunssen, đại diện của công ty AutoFlight, cho biết: 

“ Chiếc mà ông nhìn thấy ở đây là Prosperity 1, một máy bay chạy bằng điện. Các công nghệ cho máy bay điện đã có, nhưng việc ứng dụng các công nghệ đó nay đã được hoàn thiện hơn, cho nên chúng tôi đẩy giới hạn của kiểu máy bay điện lên đến mức cao nhất có thể được.

Chúng tôi nhắm đến quãng đường dài đến 250 km. Ngoài phi công, máy bay có thể chở tối đa bốn hành khách. Maquette mà ông thấy ở đây là maquette của máy bay đã bay thử thành công được quãng đường kỷ lục 200 km trong năm nay.

Lợi thế của AutoFlight đó là chúng tôi kết hợp các kỹ năng về chế tạo máy bay của châu Âu thông qua phòng nghiên cứu ở Đức, với khả năng sản xuất, kiến thức về kỹ thuật về hệ thống điện: động cơ, bình điện, kiểm soát dòng điện. Chiếc máy bay mẫu được trưng bày ở đây đã được lắp ráp ở Trung Quốc. Chúng tôi dự kiến sẽ bán kiểu máy bay này ra thị trường quốc tế, cụ thể là ở châu Âu và Hoa Kỳ, ngoài thị trường Trung Quốc.

Hiện giờ chúng tôi chưa thể thông báo khi nào máy bay sẽ được cấp giấy chứng nhận để được đưa vào hoạt động, vì đây là một thủ tục rất phức tạp. Thứ hai là chiến lược của chúng tôi được chia thành hai giai đoạn. Kiểu máy bay mà ông thấy ở đây là Prosperity 1, có người lái. Nhưng trong giai đoạn đầu, chúng tôi phát triển một loại drone cho các hoạt động hậu cần, có thể chở đến 500 kg với dung tích lên đến 3 mét khối. 

Chúng tôi muốn trước hết là drone mang tên Carryall đến với thị trường Trung Quốc và các thị trường khác. Trong giai đoạn thứ hai, chúng tôi mới chuyển sang sản xuất kiểu máy bay có người lái.” 

AutoFlight hy vọng kiểu máy bay chở hàng của họ sẽ được cấp phép ở Trung Quốc vào năm 2024, trước khi đưa vào thị trường châu Âu kiểu eVTOL chở khách vào năm 2027. Công ty này dự trù ban đầu sẽ sản xuất mỗi năm 100 chiếc, nhưng cho biết đã nhận các được ý định thư cho tổng cộng 780 chiếc, chủ yếu là từ các nước châu Á và Trung Đông.

Nhân triển lãm Le Bourget, AutoFlight cũng đã ký một hiệp định đối tác với tập đoàn Sân bay Paris ADP để bay thử nghiệm ( không có hành khách ) các xe taxi bay của hãng này trong thời gian Thế Vận Hội Paris 2024. Cụ thể, đến mùa hè năm tới, các máy bay của công ty Trung Quốc sẽ bay thử tại sân bay Pontoise-Cormeilles-en-Vexin, ngoại ô phía bắc Paris. Đây là sân bay dành riêng cho các chiếc taxi bay tương lai, loại sân bay mà tiếng Pháp gọi là vertiport.

Nhưng qua mặt AutoFlight, công ty khởi nghiệp của Đức Volocopter theo dự kiến sẽ đưa vào sử dụng các taxi bay của hãng này, chở theo hành khách, nhân Thế Vận Hội Paris năm tới. Từ năm 2021, Volocopter, trong khuôn khổ đối tác với Tập đoàn ADP và hội đồng vùng Ile-de-France, đã cho bay thử tại sân bay Pontoise kiểu máy bay “VoloCity” và hy vọng mày bay này sẽ được Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu EASA cấp phép vào mùa xuân năm 2024. 

Trước mắt, Volocopter đã là công ty duy nhất cho bay biểu diễn chiếc taxi bay tại triển lãm Le Bourget. Họ khẳng định là chiếc “VoloCity” có độ ồn thấp hơn gấp 4 lần so với trực thăng. Họ cũng bảo đảm taxi bay của họ an toàn không thua gì máy bay Airbus A320, tức là nguy cơ trục trặc kỹ thuật nghiêm trọng là 1/1 tỷ giờ bay. 

Công ty khởi nghiệp của Pháp Ascendance Flight Technologies cũng đã nhận được hơn 500 ý định thư cho chiếc eVTOL mang tên Atea của họ, cho thấy là phương tiện vận chuyển này thu hút sự quan tâm như thế nào. 

Theo thông báo của Tập đoàn ADP, ba con đường của các chiếc taxi bay tương lai sẽ nối sân bay Paris-Charles-de-Gaulle với sân bay Le Bourget, nối sân bay trực thăng Issy-les-Moulineaux với sân bay Saint-Cyr-l\’Ecole gần Versailles, et vertiport ở bờ sông Seine tại khu Austerlitz của Paris.  

Nhưng việc phát triển các taxi của còn phải đi kèm với việc phát triển các cơ sở hạ tầng cần thiết cho phương tiện vận chuyển này, theo lời ông ông Sebastien Winblad-Rasmunssen, đại diện công ty AutoFlight:

“Đó là một trong những thách thức lớn. Ngoài việc phát triển sản phẩm, còn phải tính đến sự tiếp nhận của công chúng. Rất may là chúng tôi có những đối tác từ lâu đã chuẩn bị cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như vậy. Đây là một dự án dài hạn, cần phải được quan tâm, bên cạnh dự án tổng thể về điện khí hóa máy bay.

Các sản phẩm như Prosperity 1 phải đáp ứng các tiêu chuẩn gắt gao của Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu ( European Aviation Safety Agency-EASA ) áp dụng cho các máy bay thương mại, cụ thể là 1 trục trặc kỹ thuật nghiêm trọng trên 1 tỷ giờ bay.

Việc thiết lập một hành lang hàng không dành riêng cho taxi bay được xem là một giải pháp cần thiết, vì cơ sở hạ tầng hiện nay không thích hợp với tần suất rất cao của các phi cơ bay ở độ cao thấp. Hiện tại thì với tần suất thấp, các cơ sở hạ tầng đó vẫn còn thích ứng được.” 

Nếu vượt qua được những trở ngại về cơ sở hạ tầng, như vậy là trong mấy năm nữa, Paris sẽ là thành phố đầu tiên trên thế giới mà taxi bay được đưa vào sử dụng. Nhưng hãy còn quá sớm để nhìn thấy cảnh như trong các phim khoa học giả tưởng, với những chiếc xe bay đầy trời, có thể cất cánh và hạ cánh ở bất cứ đâu. 

Với taxi bay, hành khách sẽ đỡ rất nhiều thời gian do tránh được nạn kẹt xe, ví dụ như thay vì mất một tiếng rưỡi đi xe hơi từ đầu này đến đầu kia của một thành phố lớn, thì đi taxi bay chỉ mất 5 phút. Theo tổng giám đốc tập đoàn ADP,  giá vé trung bình của taxi bay chỉ khoảng 110 euro, tức là không quá đắt so với tiền đi taxi thường, hay đi Uber.

Chạy bằng điện, taxi bay được xem là phương tiện di chuyển không gây ô nhiễm không khí, thải ra lượng khí gây hiệu ứng lồng kính ít hơn nhiều so với xe chạy bằng các nhiên liệu hóa thạch.

Nhưng thật ra không có gì là tuyệt đối, tác động của taxi bay đến môi trường còn phải được tính bằng nguồn năng lượng được sử dụng để tạo ra điện cần thiết cho xe, bằng việc quản lý các nguồn điện. Ấy là chưa kể những nguồn tài nguyên cần thiết để sản xuất những chiếc taxi bay, tác động của phương tiện này đối với không phận và việc quản lý các cơ sở hạ tầng cần thiết cho những chiếc xe này.

Thanh Phương

Bài Liên Quan

Leave a Comment