- Tác giả,Fan Wang
- Vai trò,BBC News
Sự vắng mặt trước công chúng trong thời gian dài của Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã làm gia tăng dữ dội những đồn đoán trên mạng, một lần nữa cho thấy tính chất bí ẩn của nền chính trị Trung Quốc.
Vị quan chức hàng đầu 57 tuổi này đã không xuất hiện trước công chúng trong 23 ngày qua – lần cuối mà ông xuất hiện là ngày 25/06.
Được bổ nhiệm chức vụ ngoại trưởng hồi tháng 12/2022, ông Tần là một trợ lý thân tín của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình,.
Là một trong những nhân vật nổi bật trong chính quyền Trung Quốc, việc ông Tần vắng mặt kéo dài không chỉ khiến giới ngoại giao và quan sát chính trị Trung Quốc thắc mắc, mà còn cả người dân thường Trung Quốc.
Khi được hỏi về ông Tần đang ở đâu vào hôm thứ Hai 17/06, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói bà không có thông tin gì.
Xét về tính chất của hệ thống chính trị Trung Quốc, phần lớn mang tính bí ẩn, sự biến mất đột ngột của các quan chức cấp cao có thể là một dấu hiệu bất thường.
Câu trả lời trống rỗng của bà Mao Ninh đã dẫn đến những đồn đoán tăng vọt về sự vắng mặt của ông Tần và dẫn đến những sự ngờ vực sâu sắc hơn.
\”Bà ta không biết cách trả lời à?\” một người dùng trên mạng xã hội bình luận dưới video về phần trả lời của bà Mao Ninh trên Weibo, một nền tảng mạng xã hội như Twitter của Trung Quốc.
\”Câu trả lời này khá gây quan ngại,\” nội dung từ một bình luận khác.
Chuyện quan chức cấp cao biến mất trong một khoảng thời gian dài mà không có giải thích không phải là hiếm, thông tin chỉ xuất hiện sau khi họ trở thành một đối tượng điều tra hình sự.
Hoặc họ có thể biến mất và sau đó xuất hiện trở lại mà không có lời giải thích lý do vì sao.
Chính ông Tập Cận Bình đã biến mất trong hai tuần, không lâu trước khi nhậm chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm 2012, làm xuất hiện những tin đồn quanh sức khỏe của ông và những tranh đấu quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền.
Ông Tần là một trong những quan chức cấp cao nhất trong đảng đã vắng mặt lâu như vậy.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo ông Tần Cương sẽ không tham dự hội nghị ngoại giao tại Indonesia, viện dẫn lý do sức khỏe, thế nhưng dòng thông tin này đã bị xóa trong văn bản chính thức của trang web bộ này.
Người tiền nhiệm của ông Tần Cương là ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã tham dự thay.
Các cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Trung Quốc và Cao ủy Đối ngoại của EU, ông Josep Borrell đã được dời lịch trình cách đây hai tuần, trong bối cảnh Trung Quốc thông báo với Liên minh châu Âu (EU) về thời gian này không còn khả thi, nhưng không nêu lý do vì sao.
EU được thông báo hoãn các cuộc hội đàm chỉ hai ngày trước chuyến đi dự kiến của ông Borrell đến Bắc Kinh, một nguồn tin nói với Reuters.
Hôm thứ Hai 17/07, ông Tần Cương một lần nữa không xuất hiện trong cuộc gặp giữa ông Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Hình ảnh từ truyền thông nhà nước Trung Quốc cho thấy cảnh ông Vương Nghị và một vài quan chức cấp cao khác từ Bộ Ngoại giao có mặt.
Khoảng trống thông tin này chỉ làm gia tăng những đồn đoán.
Trong vòng bảy ngày qua, công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc Baidu, đã chứng kiến mức tăng vọt đáng kể với từ khóa là tên ông Tần Cương.
Theo các thông số trên Baidu, từ khóa tìm kiếm \”Tần Cương\” đã tăng hơn 5.000% trong một tuần, và tên của ông thậm chí được tìm kiếm nhiều hơn một số ngôi sao nổi tiếng nhất của Trung Quốc.
Một trong những giả thuyết được chia sẻ nhiều nhất trên mạng đó là ông Tần Cương đang bị điều tra liên quan đến cáo buộc có mối quan hệ ngoài hôn nhân. Khi được hỏi về tin đồn đó hôm thứ Hai 17/07, bà Mao nói: \”Tôi không biết về vấn đề này.\”
Có thể dự đoán trước được rằng phản ứng này không thể giúp làm những đồn đoán bớt \”dậy sóng\”.
\”Mọi người quan tâm đến câu chuyện bởi vì họ tò mò về bất kỳ bí mật nào trong chiếc hộp đen đó\”, Vũ Khương, một nhà bình luận chính trị Trung Quốc từ Bắc Kinh cho biết.
\”Sự biến mất của ông ấy cho thấy tính chất mong manh dễ vỡ trong hệ thống ngoại giao của Trung Quốc và hệ thống đưa ra quyết định ở cấp bậc cao.\”
Mặc dù được biết đến là một nhà ngoại giao có phong cách nói chuyện cứng rắn trong quá khứ, ông Tần được đánh giá đã tự tạo khoảng cách với nền ngoại giao \”chiến lang\” mà Trung Quốc đã theo đuổi trong những năm gần đây.
Con đường thăng tiến vào vị trí ngoại trưởng của ông ấy được xem là rất nhanh. Ông Tần là một trong những người được bổ nhiệm giữ chức ngoại trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Sau chưa đến hai năm giữ chức vụ Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông đã được bổ nhiệm chức vụ Ngoại trưởng Trung Quốc hồi tháng 12/2022.
Trước đó, ông là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc và giúp sắp xếp những chuyến công du của ông Tập Cận Bình ở nước ngoài – công việc mang đến cho ông ấy một cơ hội để làm việc thân cận với nhà lãnh đạo Trung Quốc và, có thể, đã tạo được ấn tượng với ông Tập.
Xét về tính chất bí ẩn của hệ thống chính trị Trung Quốc, thật khó để nói ông Tần hiện nay đang thật sự gặp rắc rối hoặc ông ta có thể sớm tái xuất, chuyên gia Ian Chong từ Đại học Quốc gia Singapore nói.
Nhưng ông Ian Chong cũng cho biết có một thực tế là những tin đồn về một quan chức cấp cao như vậy lại được thảo luận trên internet ở Trung Quốc mà không bị kiểm duyệt là chuyện khá bất thường.
\”Sự vắng bóng kiểm duyệt khiến mọi người tự hỏi liệu có bất kỳ sự thật nào liên quan đến những tin đồn về đấu đá quyền lực, tham nhũng, lạm dụng quyền hạn và chức vụ, và những mối quan hệ tình cảm hay không.\”