Sáng sớm 20/07/2023, đông đảo người Irak ủng hộ lãnh đạo tôn giáo Moqtada Sadr đã tập trung biểu tình trước đại sứ quán Thụy Điển ở Bagdad để phản đối một vụ đốt kinh Coran thứ hai, có thể đã diễn ra ở Stockholm. Vào khoảng 3 giờ sáng, họ đã đốt tòa đại sứ. Cảnh sát đã sử dụng vòi rồng để giải tán đám đông. Hỏa hoạn được dập tắt nhưng hiện chưa rõ về quy mô thiệt hại.
Đăng ngày: 20/07/2023
Theo một thông tín viên của AFP, những người biểu tình giương các cuốn kinh Coran và chân dung của Mohamed al-Sadr, một giáo sĩ có nhiều ảnh hưởng theo hệ phái Shia, và là cha của nhà lãnh đạo tôn giáo Moqtada Sadr nói trên để « lên án việc đốt kinh Coran » và « yêu cầu chính phủ Thụy Điển và chính phủ Irak chấm dứt kiểu làm này ». Sau nhiều giờ căng thẳng, xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát, tình hình ổn định trở lại vào buổi sáng.
Bộ Ngoại Giao Thụy Điển xác nhận với AFP là nhân viên đại sứ quán vẫn « an toàn ». Ngoại trưởng Tobias Billström nhận định « chuyện xảy ra là hoàn toàn không thể chấp nhận được và chính phủ kịch kiệt lên án những vụ tấn công này ». Đại biện Irak tại Stockholm đã bị bộ Ngoại Giao Thụy Điển triệu lên phản đối.
Bộ Ngoại Giao Irak ra thông cáo ngày 20/07 « lên án mạnh mẽ » vụ đốt đại sứ quán Thụy Điển ở Bagdad, yêu cầu lực lượng an ninh « khẩn trương mở điều tra » và đưa ra những biện pháp cần thiết để xác định các thủ phạm, trừng trị họ theo đúng luật. Tuy nhiên, theo một thông cáo chính thức, được AFP trích dẫn, Irak đã ra lệnh trục xuất nữ đại sứ Thụy Điển.
Vụ tấn công vào tòa đại sứ Thụy Điển tại Irak diễn ra vào lúc cảnh sát Thụy Điển cho phép một cuộc tập hợp nhỏ tại Stockholm ngày 20/07. Một trong những người tổ chức, Salwan Momika, người Irak tị nạn ở Thụy Điển, thông báo trên mạng Facebook là muốn đốt một cuốn kinh Coran và cờ Irak trước đại sứ quán của nước này. Chính người này đã đốt vài trang kinh Coran hôm 28/06 trước đền thờ Hồi Giáo lớn nhất ở Stockholm vào đúng dịp lễ hiến sinh Aid al-Adha quan trọng. Cộng đồng quốc tế đã chỉ trích gay gắt hành động của Momika.