Thứ Năm, 20 Tháng Bảy 2023
Leqembi là loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer đầu tiên có thể làm chậm tiến trình của bệnh – Ảnh: CNN |
Thứ Năm ngày 6/7 vừa qua, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấp phép hoàn toàn cho thuốc Leqembi trị bệnh Alzheimer, loại thuốc đầu tiên trên thế giới được chứng thực khả năng khống chế căn bệnh cướp đi trí nhớ, theo bản tin của CNN, dẫn nguồn tin từ Trung tâm Dịch vụ Bảo hiểm Medicare và Medicaid (CMS).
Cũng trong ngày thuốc Leqembi được thông qua, đại diện CMS, thông báo rằng họ sẽ mở rộng phạm vi “phủ sóng” của loại thuốc này, mở rộng khả năng tiếp cận thuốc cho khoảng một triệu bệnh nhân bị mắc Alzheimer giai đoạn sớm.
Teresa Buracchio, quyền Giám đốc Văn phòng Khoa học Thần kinh tại Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu Thuốc của FDA, cho biết: “Sự kiện hôm nay là bước xác tín đầu tiên rằng có một loại thuốc chuyên điều trị bệnh Alzheimer, đã cho thấy lợi ích lâm sàng với những người không may mắc căn bệnh tàn khốc này”.
Theo đó, FDA thông báo: “Nghiên cứu của chúng tôi xác minh rằng đây là phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer”.
Thuốc Leqembi, thành phẩm của các nhà sản xuất thuốc Eisai và Biogen, đã nhanh chóng được chấp thuận từ tháng 1 năm nay, dựa trên bằng chứng cho thấy thuốc này có thể làm sạch các mảng bám protein amyloid tích tụ trong não, đến từ bệnh Alzheimer.
Vấn đề do trục trặc bên phía CMS, nơi cung cấp bảo hiểm cho nhiều người cao tuổi mắc bệnh Alzheimer thông qua chương trình Medicare, loại thuốc này đã không được đưa vào sử dụng rộng rãi, trước thời điểm FDA chính thức thông qua. Thuốc này có giá 26.500 USD hàng năm trước phí bảo hiểm.
Bệnh nhân Joe Montminy, 59 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer khởi phát sớm, cho biết: “Thuốc chữa bệnh đã đến gần tầm tay, và đột nhiên bạn nhận được thông báo từ Medicare rằng bạn vẫn chưa thể tiếp cận thuốc”.
Ông Montminy chia sẻ: “Khoản bảo hiểm đó rất quan trọng với tôi. Bởi vì dù tôi muốn được chữa bệnh, nhưng tôi không đủ khả năng chi trả 26.000 USD”.
Tiến sĩ Lawrence Honig, Giáo sư chuyên khoa thần kinh tại Trung tâm Y tế Irving thuộc Đại học Columbia, cho biết rằng thuốc Leqembi được chỉ định chuyên để điều trị những người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn đầu, là những người suy giảm nhận thức nhẹ hoặc mất trí nhớ nhẹ, có mảng bám amyloid trong não, chiếm khoảng 1/6 trong số hơn 6 triệu người Mỹ mắc Alzheimer.
Tiến sĩ Honig lưu ý, thuốc này chưa được chỉ định điều trị cho những người mắc bệnh Alzheimer giai đoạn tiến triển, vì giới nghiên cứu chưa chắc chắn khả năng của thuốc với những trường hợp nặng.
Theo đó, Leqembi thực ra không phải là thuốc chữa bệnh. Khả năng của thuốc này chỉ mới được chứng minh trong một thử nghiệm lâm sàng kéo dài 18 tháng, cho thấy thuốc có thể làm chậm 27% tác động thoái hóa của Alzheimer đối với khả năng nhận thức và chức năng của người bệnh.
Tiến sĩ Honig nhận định: “Các phương pháp điều trị mà chúng ta có hiện nay chỉ là bước khởi đầu của một kỷ nguyên mới. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ còn có các phương pháp điều trị hiệu quả hơn nữa sau này”.
Tiến sĩ Joanne Pike, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Alzheimer ở Mỹ cho biết: “Hướng điều trị này, mặc dù không phải là thuốc chữa bệnh, nhưng có thể giúp những bệnh nhân Alzheimer giai đoạn sớm có thêm thời gian để duy trì sự độc lập và làm những việc họ yêu thích”.
Chi phí thực sự là một gánh nặng. Quỹ Kaiser Family Foundation (KFF) ước tính, chỉ cần 10% trong số 6,7 triệu người cao tuổi ở Mỹ được dùng Leqembi, với giá niêm yết hàng năm là 26.500 USD, thì chi phí bảo hiểm sẽ phải cộng thêm 17,8 tỉ USD.
Con số nói trên vượt qua cả tổng chi tiêu cho 10 loại thuốc chiếm phí nhiều nhất trong danh sách bảo hiểm Phần B (bảo hiểm y tế) của Medicare, dẫn đến phí bảo hiểm Phần B cao hơn đối với tất cả những người đăng ký.
Trường An (theo CNN)