- Tác giả,Kelly Ng
- Vai trò,BBC News, Singapore
Singapore, quốc gia nổi tiếng về ổn định chính trị, đang rúng động vì một loạt các vụ scandal chính trị hiếm hoi.
Tuần trước, một bộ trưởng cao cấp nước này bị bắt trong một vụ điều tra tham nhũng, trở thành bộ trưởng đầu tiên trong bốn thập kỷ dính dáng tới một vụ điều tra.
Và hôm thứ Hai, hai nhà lập pháp – trong đó có một người từng được cho là có thể trở thành thủ tướng – đã từ chức sau khi họ bị phát hiện có quan hệ ngoại tình.
Vụ việc này gây sốc cho người dân Singapore, những người tự hào về giới lãnh đạo có uy tín trong sạch và được trả lương cao nhất thế giới.
Các nhà phân tích nói các vụ scandal đặt câu hỏi khi nào thì Thủ tướng Lý Hiển Long có thể trao quyền lãnh đạo cho hệ sau.
Hôm thứ Hai, Chủ tịch Quốc hội Tan Chuan-jin, 54 tuổi, và nghị sỹ Cheng Li Hui, 47 tuổi, ra khỏi đảng Hành động Nhân dân (PAP) và từ chức vì “có quan hệ bất chính”. Ông Tan đã có vợ, còn bà Cheng độc thân.
Cũng tuần trước, cơ quan chống tham nhũng của Singapore bắt giữ Bộ trưởng Giao thông S Iswaran và tỷ phú Ong Beng Seng. Hai người đóng vai trò chủ chốt trong việc đưa giải Grand Prix tới Singapore hồi 2008. Người dân Singapore được thông báo thứ Tư tuần trước rằng ông Iswaran bij yêu cầu nghỉ làm nhiệm vụ bộ trưởng vì bị điều tra.
Phó thủ tướng Lawrence Wong nói với truyền thông địa phương rằng vụ điều tra tham nhũng sẽ là “đầy đủ, kỹ càng và độc lập”, và không bỏ qua bất cứ điều gì.
Nhưng chính quyền chỉ thông báo vụ bắt giữ ba ngày sau khi hai ông bị bắt. Cả hai người chưa bị kết án và hiện đang tạm tự do ở ngoài.
Vụ này diễn ra ngay sau khi hai bộ trưởng khác bị cáo buộc đã thuê hai căn nhà bungalow từ thời thuộc địa trong một khu dân cư cao cấp với giá thấp hơn giá thị trường. Mặc dù cuộc điều tra kết luận hai ông K Shanmugam và Vivian Balakrishnan không có hành vi sai trái, nó làm dấy lên tranh luận về bất bình đẳng ở Singapore.
Đảng PAP từ lâu đã có tiếng là đòi hỏi tiêu chuẩn đạo đức cao từ các nghị sỹ của mình, và có khả năng xử lý tốt các vấn đề của đảng. Một trong những người thành lập đảng có lần đã so sánh việc gia nhập đảng PAP tương tự như gia nhập một nhóm tu sỹ.
Ông Lý Hiển Long tuần này bảo vệ cách đảng của ông xử lý các vụ scandal, nói rằng nó ho thấy “hệ thống phải hoạt động ra sao”.
“Đôi khi có chuyện chồng chất, nhưng chúng ta đảm bảo rằng chúng ta xử lý chúng thích đáng,” ông nói. Ông cũng nói thêm rằng “tiêu chuẩn cao về đức độ và hành xử cá nhân … là những lý do cơ bản khiến người dân Singapore tin tưởng và tôn trọng đảng PAP”.
Nhưng một số nhà quan sát đặt câu hỏi về việc Singapore, đặc biệt là đảng PAP, có cách quản trị xuất sắc.
\”Tôi nghĩ những câu hỏi lớn nhất là về sự kiềm chế quyền lực, giám sát, minh bạch, tính bất thiên vị của quy trình quốc hội cũng như lời tuyên bố của PAP rằng họ tự kiểm tra là đủ,” nhà khoa học chính trị Ian Chong đóng ở Singapore bình luận.
Ông nhận xét rằng đảng PAP đã bác bỏ các tập quán chính trị phổ biến ở các nước có nền tư pháp phát triển khác, chẳng hạn công bố thu nhập và tài sản của những người có vị trí chính trị, các công chức cấp cao và gia đình của họ.
Không có cơ chế nào để bắt những người có chức có quyền chịu trách nhiệm, ông Michael Barr, một giáo sư quan hệ quốc tế ở Úc từng viết vài cuốn sách về chính trị Singapore.
“Bạn cứ phải tin vào họ. Vì thế đây là những diễn tiến nguy hiểm và mới mẻ cho chính phủ. Chúng bào mòn niềm tin của công chúng.”
Singapore xếp hạng nước ít tham nhũng thứ 5 trên thế giới trong bảng xếp hạng Cảm nhận Tham nhũng (Corruption Perceptions Index) của tổ chức Transparency International. Trong những năm qua, chính phủ nói việc trả lương cao tới bảy con số là cách dập tắt các hoạt động tham nhũng.
Nhưng TS Barr chỉ ra: “Nếu không có độ tin tưởng rất cao của công chúng, chính phủ phải dựa vào một trong hai điều sau để thắng cử: hoặc đàn áp hay sử dùng các biện pháp khác để kiềm chế dân chủ, hoặc có tính chính danh cao dựa trên cách điều hành. Và kết quả của chính phủ trong vài năm qua khiến chúng ta có thể quên đi tính chính danh cao dựa trên cách điều hành.”