Matxcơva đang xem xét hợp pháp hóa các công ty quân sự tư nhân. Vì sao số lượng các công ty quân sự đã tăng vọt kể từ năm 2014 và những đội quân này nói lên điều gì về hoạt động của chính quyền Nga ?
Đăng ngày: 25/07/2023
Các công ty này có tên là Convoy, Patriot, Moran Security Group, Shchit (\”Shield\”)… Điện Kremlin cho biết hôm 14/07/2023 đang xem xét việc hợp pháp hóa các công ty quân sự tư nhân, đặc biệt là Wagner, mà sự tồn tại hiện vẫn chưa được luật pháp Nga công nhận.
« Về mặt pháp lý, tập đoàn quân sự tư nhân Wagner không tồn tại và chưa từng tồn tại, đó là một vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét thêm », phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên, đồng thời cho biết thêm đó là « một vấn đề khá phức tạp ».
Một ngày trước đó, tổng thống Vladimir Putin, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Kommersant, đã nói tương tự : « Nhóm (Wagner) đang hoạt động, nhưng họ không tồn tại một cách hợp pháp ! Có một vấn đề liên quan đến việc hợp pháp hóa họ. Vấn đề này phải được đưa ra Viện Duma (Hạ Viện) và chính phủ để thảo luận. »
Mặc dù không được công nhận một cách chính thức, các công ty quân sự tư nhân (PMC) đã dần có chỗ đứng ở Nga trong những năm gần đây, do sức hút của cuộc chiến Ukraina và do điện Kremlin muốn biến những đội quân ngầm này thành một công cụ trong chính sách đối ngoại của Nga kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimée vào năm 2014.
Mô hình Blackwater
Vào thời điểm đó, Nga bị suy yếu bởi các lệnh trừng phạt và bị cô lập trên trường quốc tế, đã tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng địa chính trị của mình, đặc biệt là ở Syria và châu Phi, thông qua nhóm lính đánh thuê Wagner.
Việc thành lập lực lượng bán quân sự do Yevgeny Prigozhin lãnh đạo vào năm 2014 là dựa theo mô hình Blackwater, một nhóm lính đánh thuê do Hoa Kỳ triển khai ở Irak, vốn đã trở thành biểu tượng của việc « tư nhân hóa chiến tranh ».
Đối với chính quyền Nga, những công ty này mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là chi phí vận hành thấp hơn so với quân chính quy, và việc họ không tồn tại một cách hợp pháp cho phép Matxcơva thực hiện các cuộc chiến tranh hỗn hợp trong khi phủ nhận sự tham gia của mình.
Danilo Delle Fave, chuyên gia tình báo tại Nhóm Nghiên cứu An ninh Quốc tế (ITSS) Verona, nhắc lại : « Học thuyết quân sự của Nga lúc đó nhấn mạnh đến các phản ứng bất đối xứng trước những đối thủ mạnh hơn như NATO. Lính đánh thuê có thể được cử đi làm những công việc bất hợp pháp hoặc thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm nhất, những nhiệm vụ mà điện Kremlin không muốn giao phó cho lực lượng đặc nhiệm của mình. »
Khoảng 30 PMC đang hoạt động
Một lợi thế khác : cái chết của những tình nguyện quân này, những chiến binh từng là thành viên của lực lượng đặc nhiệm, tù nhân hoặc những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, không được tính vào tổn thất chính thức, giúp điện Kremlin giảm bớt cái giá về mặt chính trị cho cuộc xâm lược Ukraina của Nga.
Hiện tại, Nga có 27 PMC đang hoạt động, hơn 70% trong số đó được ra mắt sau năm 2014, theo Molfar, một trang web tình báo của Ukraina (Osint).
Trong số các PMC mới này, có công ty của tập đoàn năng lượng Gazprom. Tập đoàn gần đây đã thành lập hai đội quân tư nhân là Fakel (\”ngọn đuốc\”) và Plamya (\”ngọn lửa\”). Những đội quân tư nhân này có nhiệm vụ bảo vệ tài sản của Gazprom ở nước ngoài, nhưng họ cũng hỗ trợ lực lượng Nga ở Ukraina. Ngay cả Giáo hội Chính thống giáo Nga cũng tài trợ cho PMC riêng. Các chiến binh của họ tham gia vào « chiến dịch đặc biệt » của điện Kremlin.
Marcel Plichta, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại đại học St Andrews ở Vương Quốc Anh, nguyên là nhà phân tích của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, dự đoán : « Trong tương lai, số lượng PMC có thể sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là sau khi chiến tranh ở Ukraina kết thúc. Đối với nhiều người Nga được huy động ra mặt trận, các lực lượng dân quân tư nhân này sẽ mang đến cơ hội làm việc và cho phép họ tiếp tục sử dụng các kỹ năng học được trên chiến trường. »
Theo cuộc khảo sát do Molfar công bố, khoảng 1/4 số PMC của Nga chỉ hoạt động ở Ukraina, trong khi hàng chục PMC khác có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi. Vai trò của họ rất đơn giản : bảo vệ lợi ích của các lãnh đạo của họ và điện Kremlin. Về điểm này, mô hình Wagner đã được nghiên cứu rất kỹ : tài nguyên thiên nhiên để đổi lấy các nhiệm vụ trên chiến trường, huấn luyện quân sự và tình báo.
Chuyên gia Marcel Plichta khẳng định : « Điểm độc đáo của Wagner so với các PMC khác, đó là Prigozhin không chỉ là chủ của nhóm lính đánh thuê, mà còn là một doanh nhân. Ở châu Phi, ông ta điều hành các mỏ vàng thông qua các công ty của mình, với nhân viên của mình, lực lượng an ninh của mình, sau đó ông ta cho vận chuyển khoáng sản ra nước ngoài. Hiện tại, tôi không thấy lực lượng dân quân nào khác có khả năng làm như vậy. »
Những đội quân không thực sự tư nhân
Không hề tự ý hành động, các PMC Nga và nhà lãnh đạo của họ duy trì mối quan hệ và phụ thuộc chặt chẽ vào bộ máy an ninh và chính quyền Nga. Nhóm Wagner đặc biệt nổi tiếng vì là hang ổ của các cựu sĩ quan tình báo quân đội Nga (GRU).
Sau khi phủ nhận sự tồn tại của Wagner, vào cuối tháng 6, chính Vladimir Putin đã công nhận mối liên hệ giữa nhà nước Nga với những chiến binh của Yevgeny Prigozhin. Tổng thống Nga đã giải thích sau cuộc nổi loạn bất thành của nhóm bán quân sự : « Từ tháng 05/2022 đến tháng 05/2023, để duy trì Wagner, nhà nước đã phải chi trả 86 tỷ rúp (gần một tỷ euro). »
Vào tháng 06/2022, bộ Tài Chính Hoa Kỳ đã trừng phạt công ty bảo mật RSB-Group, một trong những công ty lâu đời và lớn nhất ở Nga, « cung cấp dịch vụ cho nhiều công ty Nga hợp tác chặt chẽ với FSB (Tổng cục An ninh Liên Bang Nga) ».
Bộ Quốc Phòng cũng kiểm soát và tài trợ cho một số đội quân ngầm. Chính bộ trưởng Sergei Shoigu cũng có liên kết với PMC Patriot. Tại Crimée, chính trị gia Sergei Axionov, người lãnh đạo bán đảo bị sáp nhập, cũng tham gia chiến tranh kể từ cuối năm 2022 với nhóm lính Convoy, một lực lượng dân quân tư nhân đã thực hiện một số chiến dịch ở vùng Kherson của Ukraina.
Chia nhỏ để lãnh đạo dễ hơn
Anton Shekhovtsov, giám đốc Trung tâm Liêm chính Dân chủ (The Centre for Democratic Integrity), trả lời phỏng vấn Euronews : « Giới tinh hoa đã nhận ra rằng PMC có thể cho phép mọi người được điện Kremlin công nhận. Bởi ai đóng góp cho nỗ lực chiến tranh ở Ukraina thì đều sẽ được khen thưởng. »
Theo chuyên gia Danilo Delle Fave, hệ thống « bán phong kiến » này nhằm củng cố quyền lực của Vladimir Putin. Nhà nghiên cứu phân tích : « Sự gia tăng của các nhóm quyền lực khiến họ cạnh tranh với nhau và ngăn chặn họ tạo ra các liên minh và quay lưng lại với nhà lãnh đạo tối cao. Chúng ta đã có thể quan sát kiểu cơ chế này trong chế độ Đức Quốc Xã. »
Tuy nhiên, cuộc nổi loạn bất thành của Wagner đã chứng tỏ sự mong manh của một cơ chế như vậy và về lâu dài, đó có thể sẽ là một yếu tố gây bất ổn nội bộ. Chuyên gia Marcel Plichta nói : « Việc thực thi các nhiệm vụ an ninh ở Nga bị xé lẻ bởi bộ Quốc Phòng, PMC hay Lực lượng Vệ binh Quốc gia – gần như là cận vệ riêng của Vladimir Putin. Tất cả những điều này đã dẫn đến sự suy yếu của Nhà nước. »
Bây giờ đã đến lúc giành lại quyền kiểm soát mớ hỗn độn được hình thành từ các nhóm vũ trang này. Kể từ ngày 01/07, các công ty quân sự tư nhân được yêu cầu ký hợp đồng với bộ Quốc Phòng. Vào tháng trước, Matxcơva đã công bố một đoạn video cho thấy Akhmat, lực lượng dân quân của Chechnya, ký kết thỏa thuận với bộ Quốc Phòng. Đây là cách để chính quyền Nga cho thấy các nhóm bán quân sự đang gia nhập hàng ngũ quân đội.
Về phần Wagner, tầm ảnh hưởng của họ tiếp tục nhạt dần kể từ sau cuộc binh biến bất thành. Vào ngày 12/07, quân đội Nga thông báo đã nhận được từ Wagner hơn 2.000 thiết bị, 2.500 tấn đạn dược và 20.000 vũ khí hạng nhẹ. Hơn nữa, theo Lầu Năm Góc, nhóm lính đánh thuê này không còn tham gia « một cách đáng kể » vào các chiến dịch ở Ukraina.
Nguồn : France 24