RFA
2023.07.26
Nhà báo Đường Văn Thái trước khi bị bắt cóc
Fb Đường Văn Thái
RSF: Cáo buộc chống lại nhà báo độc lập Đường Văn Thái là vô lý
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) lên án cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” mà Việt Nam quy cho nhà báo chống tham nhũng Đường Văn Thái; cho rằng đó là điều vô lý, đồng thời kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay cho ông này.
Nhà báo tự do Đường Văn Thái (còn được gọi là Youtuber Thái Văn Đường) đang bị Công an Việt Nam giam giữ để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Ông Đường Văn Thái, người tị nạn chính trị ở Thái Lan từ năm 2019, bị mất tích ở gần nhà trọ của mình ở tỉnh Pathum Thani vào ngày 13/4. Ba ngày sau, Công an tỉnh Hà Tĩnh thông báo bắt giữ một người có tên Đường Văn Thái vì “thâm nhập bất hợp pháp” từ Lào vào địa phận tỉnh này. Sau 3 tháng, giữa tháng 7, Cơ quan an ninh điều tra của Bộ Công an gửi thông báo về gia đình ông Đường Văn Thái ở Hà Nội với nội dung ông này bị tạm giam đến ngày 12/8 để điều tra về cáo buộc “đã có hành vi: Thu thập thông tin, tài liệu để biên tập, viết bài, quay video clip có nội dung vi phạm pháp luật, phát tán trên mạng Internet, phạm vào Điều 117 Bộ luật Hình sự.”
Phản ứng về thông tin ông Đường Văn Thái bị điều tra về cáo buộc theo Điều 117, ngày 25/7, RSF ra thông cáo báo chí chỉ trích Hà Nội về đàn áp đối với nhà báo tự do mà tổ chức có trụ sở ở Paris coi là nhà báo chống tham nhũng.
\”Bắt cóc xuyên biên giới, coi thường Bộ luật Hình sự một cách trắng trợn, và cáo buộc dựa trên những lý do vô lý: vụ Đường Văn Thái minh họa cho sự coi thường của chế độ Việt Nam đối với tự do báo chí,” ông Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói trong thông cáo.
Ông cũng kêu gọi các cường quốc kinh tế trừng phạt Hà Nội vì các vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do báo chí:
“Chúng tôi kêu gọi các đối tác kinh tế lớn của Hà Nội, cụ thể là Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản, áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu để đòi tự do cho nhà báo này và 42 nhà báo tự do khác đang bị giam giữ tại quốc gia này.\”
RSF cũng nhắc lại Đường Văn Thái là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, một tổ chức không được chính quyền độc đảng ở Hà Nội công nhận. Ông cũng là một nhà hoạt động được Văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp quốc về người tị nạn ở Bangkok cấp quy chế tị nạn từ năm 2020.
Phóng viên có liên hệ với ông JB Nguyễn Hữu Vinh, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, và được ông cho biết hội viên Đường Văn Thái đưa khá nhiều tin tức lên mạng xã hội và đặc biệt những tin tức của người này có nguồn từ nội bộ ban lãnh đạo Việt Nam và khá bí mật.
Về nghi ngờ ông Đường Văn Thái bị bắt cóc từ Thái Lan bởi an ninh Việt Nam và sau đó bị điều tra về cáo buộc chống nhà nước, ông JB Nguyễn Hữu Vinh nói với RFA trong ngày 25/7:
“Đấy là hành động mà chúng ta thấy không lạ lùng nhiều lắm mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xử lý đối với người bất đồng chính kiến và người có tiếng nói độc lập.
Chúng tôi nghĩ rằng những hành động như thế cần phải loại bỏ khỏi đời sống chính trị không chỉ trong một nước mà trong các liên hệ quốc tế.
Chúng ta cần lên tiếng để yêu cầu sự minh bạch rõ ràng đối với mọi công dân, trong đó có Đường Văn Thái.”
Đây là lần thứ hai RSF lên tiếng về Đường Văn Thái. Hai tuần sau khi ông bị mất tích ở Thái Lan, tổ chức này đã yêu cầu Hà Nội minh bạch tình trạng của ông, người bị cho là bị an ninh Việt Nam sang Thái Lan bắt cóc mang về nước chỉ vì ông phanh phui thông tin về tình trạng tham nhũng và đấu đá của quan chức Việt Nam.
Cùng với RSF, hàng chục tổ chức nhân quyền và nghề nghiệp quốc tế, trong đó có Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền (HRW), Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), đã lên tiếng đòi Việt Nam trả tự do cho ông.
Theo RSF, Đường Văn Thái là nhà báo Việt Nam thứ hai bị bắt cóc và đưa về Việt Nam với sự đồng lõa rõ ràng của chính quyền Thái Lan. Người thứ nhất là nhà báo Trương Duy Nhất, một blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA), đã bị bắt cóc ở Bangkok vào đầu năm 2019 sau khi ông nộp hồ sơ xin tị nạn chính trị cho Liên Hiệp quốc. Sau đó, ông bị kết án 10 năm tù giam về tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.”
Vẫn theo RSF, trước đó, vào tháng 10/2015, nhà xuất bản gốc Hoa Gui Minhai (Quế Dân Hải) quốc tịch Thuỵ Điển cũng bị bắt cóc ở Thái Lan. Vài tháng sau, ông bị buộc nhận tội trên kênh truyền hình CCTV của Nhà nước Trung Quốc và bị kết án 10 năm tù vào năm 2020 vì “cung cấp thông tin tình báo bất hợp pháp” cho nước ngoài.
Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia ở cuối bảng về xếp hạng tự do báo chí thường niên của RSF. Năm 2023, quốc gia độc đảng ở Đông Nam Á này xếp thứ 178 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trong Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới RSF và thuộc số các quốc gia giam cầm nhiều nhà báo nhất toàn cầu.