Israel-Trung Quốc: Bài trắc nghiệm lòng trung thành đối với Mỹ ?

Đăng ngày: 27/07/2023

Tương tự như các nước vùng Vịnh, hợp tác kinh tế giữa Israel và Trung Quốc tăng mạnh từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền năm 2013, kéo theo dòng vốn đầu tư của Trung Quốc, từ công nghệ cao cho đến các cơ sở cảng biển ở Israel. Nhưng theo chuyên gia về Trung Đông, Jean-Loup Samaan, Đại Học Quốc Gia Singapore, khác với các quốc gia bán đảo Ả Rập, Israel phải chịu nhiều hạn chế trong quan hệ với Trung Quốc do những áp lực từ đồng minh Hoa Kỳ.

\"Ảnh
Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) trong buổi họp báo chung với thủ tướng Isarel Benyamin Netanyahu tại Jerusalem ngày 18/12/2013. AP – Abir Sultan

Ngày 16/03/2017, thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu trong chuyến thăm Bắc Kinh gặp chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường, trước giới báo chí, từng ví mối quan hệ giữa Israel và Trung Quốc như một mối « nhân duyên trời se ». Tuyên bố này của ông Netanyahu có thể gây ngạc nhiên, bởi lẽ Israel có mối quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ, đối thủ trực tiếp của Trung Quốc.

Israel–Trung Quốc: Mối quan hệ đặc biệt và lâu đời

Trên thực tế, giữa Israel và Trung Quốc đã có một mối quan hệ đặc biệt và lâu đời, với những hoạt động trao đổi sâu rộng giữa giới thương nhân, trí thức và ngoại giao, dọc theo các tuyến đường tơ lụa trên bộ và hàng hải. Thành phố Thượng Hải từng là vùng đất tị nạn cho khoảng 20 ngàn người Do Thái đến từ Ba Lan, Áo, Nga và Litva trong suốt Đệ Nhị Thế Chiến.

Trên đài RFI, chuyên gia về Trung Quốc, Emmanuel Veron, giảng viên trường Hải Quân, Viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (INALCO), nhắc lại Israel là quốc gia Trung Đông đầu tiên, ngày 09/01/1950, công nhận nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (RPC) và tức thì thừa nhận nguyên tắc « Một nước Trung Hoa duy nhất », bác bỏ tính hợp pháp của phe chủ nghĩa dân tộc đến lánh nạn ở Đài Loan.

Tuy nhiên, một năm sau, Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Eisenhower, ngay từ năm 1951, đã nhanh chóng cảnh báo Tel Aviv rằng mọi sự gần gũi với Bắc Kinh có nguy cơ gây phiền toái cho sự hậu thuẫn của Mỹ đang trong quá trình thiết lập.

Rồi Trung Quốc của Mao Trạch Đông, với sự ra đời của phong trào không liên kết tại hội nghị Bandung 1955, đã đi theo những luận điệu của xứ sở Ả Rập, xem Israel như là một mảnh ghép thuộc địa phương Tây ngay giữa chốn Trung Đông. Năm 1965, Mao Trạch Đông tuyên bố : « Israel và Đài Loan là những cơ sở tác chiến của chủ nghĩa đế quốc tại châu Á. Họ tạo ra Israel để chống các nước Ả Rập và  Đài Loan để chống Trung Quốc. ».

Hệ quả là tiến trình xích lại gần giữa hai nước đã bị đình trệ cho đến những năm 1970. Chuyến thăm Trung Quốc lịch sử của tổng thống Mỹ Richard Nixon gặp Mao Trạch Đông năm 1972, đặt nền móng cho việc thiết lập bang giao Mỹ – Trung năm 1979, đã cho phép dỡ bỏ những hạn chế trong trao đổi Israel và Trung Quốc.

Trong suốt hai thập niên tiếp theo, Israel và Trung Quốc không chỉ gia tăng các cuộc tham vấn ngoại giao mà còn tổ chức công khai một chương trình hợp tác quân sự rộng lớn. Vào đầu những năm 1990, với năng lực quân đội rất hạn chế, Trung Quốc nhận thấy công nghệ quốc phòng Israel là một phương cách để bắt kịp sự chậm trễ. Bởi vì, ngay từ cuối những năm 1960, Israel đã được quyền tiếp cận các trang thiết bị quân sự Mỹ.

Trong mối quan hệ này, nhà nghiên cứu Emmanuel Veron, nhấn mạnh đến vai trò trung gian chủ chốt của doanh nhân Israel, Shaul Eisenberg :

« Đây là một nhân vật có thể nói là có 1001 diện mạo. Ông ấy vừa là thương buôn, nhà ngoại giao, trí thức, một nhân vật tinh tế, rất có chiều sâu. Về cơ bản, Shaul Eisenberg là mấu chốt cho quá trình xích lại gần giữa Israel và Trung Quốc cộng sản. Vì vừa là doanh nhân, vừa là nhà ngoại giao, ông ấy duy trì nhiều mối quan hệ với một số nhân vật trong đảng Cộng Sản Trung Quốc mà vẫn không bị đảng Cộng Sản tuyển dụng, và là người đã vận động nhiều cho sự xích lại gần ngoại giao và chính trị ngay từ những năm 1970, thậm chí trước đó, cho phép bình thường hóa một số hợp đồng trong những năm 1980 để chứng kiến sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong những năm 1990. »

Mỹ-Israel: Xung khắc đầu tiên về vấn đề Trung Quốc

Năm 1992, Israel và Trung Quốc chính thức bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên, mối hợp tác quân sự này giữa Tel Aviv và Bắc Kinh một lần nữa, khiến Washington lo lắng vào thời điểm cục diện địa chính trị có những biến động : Liên Xô sụp đổ, Chiến Tranh Lạnh kết thúc, và cuộc trấn áp đẫm máu ở Thiên An Môn.

Chuyên gia về Trung Đông, Jean-Loup Samaan nhắc lại cơ quan tình báo Mỹ thời chính quyền Bill Clinton đã phải gióng chuông báo động trước dòng vũ khí Israel ồ ạt đổ sang Trung Quốc. Một báo cáo năm 1999 đặc biệt lo lắng việc Nhà Nước Do Thái chuyển giao công nghệ quân sự Mỹ cho Trung Quốc : Hệ thống dẫn đường tên lửa, điện tử hàng không.

Đối với Washington, những chương trình hợp tác này làm lung lay thế « nguyên trạng » tại eo biển Đài Loan khu vực mà Hải Quân Mỹ đã có một cuộc can thiệp vào tháng 7/1995 trước hành động leo thang của Bắc Kinh đối với Đài Bắc. Nói một cách khác, Washington cáo buộc Tel Aviv cung cấp vũ khí cho quân đội Trung Quốc và điều này có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến các đạo quân của Mỹ trú đóng trong khu vực.

Chuyên gia về Trung Quốc, Emmanuel Veron giải thích thêm : « Nhiều người Israel đứng đầu các tập đoàn đã có ý tưởng cung cấp thiết bị chiến tranh cho Trung Quốc, quốc gia cũng đang tìm cách sử dụng mối hợp tác này để lách lệnh cấm vận hậu Thiên An Môn năm 1989 và các lệnh trừng phạt của châu Âu và một phần từ hệ thống Liên Hiệp Quốc, được cho là theo phương Tây. Đúng là Trung Quốc tìm cách lách trừng phạt để sở hữu các công nghệ. »

Trước sức ép của Mỹ, tháng 7/2000, chính phủ thủ tướng Ehud Barak buộc phải đưa ra một quyết định khó khăn, hủy hợp đồng bán 4 chiếc máy bay báo động tân tiến Phalcon, được ký vào năm 1996. Israel buộc phải bồi thường 350 triệu đô la thay vì thu về một tỷ cho nền kinh tế đất nước. Quyết định này cũng khởi đầu cho việc chấm dứt chuyển giao công nghệ quân sự từ Israel cho Trung Quốc, bắt đầu từ loại drone Harpy. Chương đầu tiên cho cuộc khủng hoảng quan hệ Mỹ – Israel về vấn đề Trung Quốc xem như kết thúc.

Công nghệ Israel: Nỗi thèm muốn của Trung Quốc

Nhưng bước ngoặt lớn trong quan hệ Israel – Trung Quốc là trong những năm 2013 – 2014. Chuyến công du Bắc Kinh của thủ tướng Benyamin Netanyahu tháng 5/2013 là cột mốc quan trọng. Tương tự như các nước Ả Rập láng giềng, Israel xem đà đi lên thành cường quốc của Trung Quốc như là một cơ hội không nên bỏ qua, một « công cụ cho tăng trưởng nền kinh tế Israel ».

Theo dự báo của Ngân Hàng Trung Ương đầu năm 2014, xuất khẩu của Israel sang Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi từ đây đến năm 2035, trong khi xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu – những thị trường lớn nhất của Israel hiện nay sẽ phải bị suy giảm. Do vậy, đối với chính quyền Tel Aviv, cần phải hỗ trợ và tạo thuận lợi cho dòng vốn đầu tư Trung Quốc đổ vào Israel.

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà nghiên cứu Jean-Loup Samaan, đây không chỉ đơn thuần vấn đề thương mại : Bối cảnh chính trị đóng một vai trò hiển nhiên trong quyết định xoay trục sang Trung Quốc của thủ tướng Netanyahu. Bước ngoặt lịch sử này còn trùng với thời điểm ông Tập Cận Bình lên cầm quyền ở Bắc Kinh năm 2013, và mối quan hệ Mỹ – Israel, nhất là giữa thủ tướng Netanyahu với tổng thống Mỹ Barack Obama đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trong giai đoạn này, nếu như trao đổi mậu dịch giữa hai nước tăng vọt ngoạn mục, từ 55 triệu đô la (1992) lên thành 11 tỷ đô la (từ năm 2016), các nhà đầu tư Trung Quốc hoạt động tích cực trong lĩnh vực công nghệ cao ở Israel, khi thiết lập các mối liên hệ chặt chẽ với các công ty khởi nghiệp Israel. Nhiều dự án đầu tư lưỡng dụng trong tin học và trí thông minh nhân tạo được tài trợ từ nhiều tập đoàn có liên hệ với quân đội Trung Quốc.

Nỗi thèm muốn của Trung Quốc đối với công nghệ cao của Israel mạnh mẽ đến mức năm 2014, cả hai chính phủ đã cho lập một ủy ban chung dành cho hợp tác trên phương diện công nghệ – điều hy hữu trong khu vực.

Theo nhà Trung Quốc học, Emmanuel Veron, mục tiêu của Bắc Kinh là nhằm tìm cách tiếp cận hệ thống kinh tế công nghệ nhằm bù đắp những thiếu sót, thúc đẩy mạng lưới kinh tế khởi nghiệp và công nghệ của chính mình. Nhưng mặt khác, Trung Quốc cũng muốn hiểu rõ hơn môi trường an ninh và tình báo Israel, có quy mô toàn cầu, nhưng rất gắn kết với cường quốc Hoa Kỳ. Đương nhiên, điều này làm cho Washington cảm thấy bất an.

« Lý do, tuy không ngăn chặn hẳn, nhưng bắt đầu làm chậm bước đột phá của Trung Quốc một cách rõ ràng chính là sự xuất hiện đại dịch. Đương nhiên, trước đó, chính quyền Donald Trump, với một sự hợp tác rất chặt chẽ trong việc hội tụ các lợi ích các cơ quan tình báo và an ninh, đã nói rằng \”hãy cẩn thận, Trung Quốc là một mối nguy hiểm nếu không muốn nói là những khó khăn lớn cho chủ quyền và cạnh tranh công nghệ, tình báo công nghiệp, kinh tế, thậm chí cả trong chính trị. »

Đầu tư cảng biển của Trung Quốc: Mối đe dọa cho quân đội Mỹ

Một lĩnh vực đầu tư khác không kém phần nhậy cảm: Cơ sở hạ tầng của Israel. Nhiều dự án hạ tầng quan trọng đã được ký kết như xây đường hầm Carmel, tuyến đường sắt Akko-Karmiel… Những hợp đồng đầu tư hạ tầng cơ sở còn là một yếu tố chính trị. Thủ tướng Netanyahu muốn biến Israel thành một trục đầu tư quan trọng trong bản đồ Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường mà ông Tập Cận Bình xúc tiến từ năm 2013.

Nhưng nhà nghiên cứu Jean-Loup Samaan cho rằng chính trong lĩnh vực đầu tư cảng biển mà sự gần gũi giữa Israel và Trung Quốc thu hút nhiều chú ý và gây bực bội. Các tập đoàn lớn của Trung Quốc lần lượt trúng thầu xây dựng hay quản lý các cảng biển Ashdod và Haifa. Về điểm này, trả lời RFI, ông Emmanuel Veron phân tích :

« Quả thật vào năm 2013, Trung Quốc vốn coi Israel như là một quốc gia thiết yếu trong chiến lược Trung Đông toàn cầu, đã tập trung các nỗ lực vào ngoại giao thương mại, ngoại giao cơ sở hạ tầng, một nền ngoại giao dần dần phục vụ cho chiến lược của Trung Quốc nhằm thay đổi các quy tắc của quốc tế, đề xuất những giải pháp phát triển mới, trở thành chủ nợ ở khu vực. Về điểm này, Israel, một phía giáp biển Địa Trung Hải, có vị trí địa lý và chiến lược giáp Trung – Cận Đông, với một nền công nghiệp và các hệ thống kinh tế – công nghệ sẽ là một mục tiêu để Bắc Kinh có thể đề nghị các khoản đầu tư.

Đương nhiên, Israel tuy không thiếu tiền nhưng muốn đa dạng hóa nguồn đầu tư ở nhiều cấp độ khác nhau, sẽ có thể hưởng lợi từ nguồn tài chính, đầu tư của Trung Quốc trong những năm 2013, 2015 và 2016. Nói một cách rõ ràng, đó là những mục đầu tư trong giao thông, hạ tầng cảng biển, trong nhiều cơ sở hạ tầng công nghệ khác cho phép nối liền các thành phố. »

Tuy nhiên, đối với Washington, việc đầu tư vào cảng Haifa không đơn thuần mang tính thương mại. Đây không những là nơi trú đóng căn cứ quan trọng nhất của Hải Quân Israel (nơi neo đậu của hạm đội tầu ngầm, có tính thiết yếu cho vị thế răn đe) mà cảng này còn được Hạm Đội 6 của Hải Quân Mỹ thường xuyên sử dụng.

Việc tập đoàn Shanghai International Port Group, bị chỉ trích là có liên hệ chặt chẽ với chính quyền Bắc Kinh, được chọn làm nhà quản lý cảng Haifa mới – một cơ sở nhậy cảm – đã nhanh chóng trở thành chủ đề tranh cãi giữa Washington và Tel Aviv. Hải Quân Mỹ thậm chí còn đánh tiếng rằng tầu chiến của Mỹ rất có thể sẽ ngưng sử dụng cảng biển. Israel bác bỏ các chỉ trích đồng thời từ chối đề nghị để Mỹ thanh tra khu vực.

Nếu như Israel bày tỏ cảm giác « bị buộc tội ngây thơ một cách oan uổng », theo ghi nhận của nhà nghiên cứu về Trung Đông Jean-Loup Samaan, đầu tư của Trung Quốc vào Israel có dấu hiệu suy giảm từ năm 2018. Theo tác giả bài viết trên trang mạng của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), có tựa đề « Israel và Trung Quốc : Bài trắc nghiệm lòng trung thành đối với Mỹ », xu hướng giảm đầu tư này rất có thể có liên quan đến những căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh dù rằng giới lãnh đạo Israel cẩn thận không xác nhận mối liên hệ nhân quả này.

Minh Anh

Bài Liên Quan

Leave a Comment