Các diễn biến đầy kịch tính về sự sụp đổ của ông Tần Cương, Ngoại trưởng Trung Quốc được hơn nửa năm, cho thấy có điều gì đó không ổn trong cách lãnh đạo Trung Quốc xử lý vấn đề đối ngoại và nhân sự ngành ngoại giao.
Tuyên bố bất chợt của Quốc hội Trung Quốc hôm 25/07 rằng Bộ trưởng Tần Cương đã bị bãi nhiệm được tung ra cùng lúc với thông báo ngắn ngủi rằng ông Vương Nghị sẽ là Bộ trưởng Ngoại giao (lần hai).
Năm nay 69 tuổi, ông Vương đã làm Bộ trưởng Ngoại giao thời Thủ tướng Lý Khắc Cường, rồi lên làm Ủy viên Quốc vụ năm 2018, chức vụ cao hơn bộ trưởng.
Các nguồn tin TQ cho hay việc dàn xếp \”thay ngựa đầu đàn\” ở Bộ Ngoại giao có mục đích làm tan biến những đồn đoán \”không hay\” về nước này khi mà ngành ngoại giao đang ở tuyến đầu của cuộc hoà hoãn Mỹ-Trung, điều rất quan trọng cho Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhưng việc để ông Vương Nghị nắm lại Bộ ngoại giao không làm các đồn đoán biến đi. Vì khi tin nổ ra là ông về lại Bộ Ngoại giao, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Vương Nghị đang ở thăm châu Phi.
Ông tới Ethiopia, bày tỏ mối quan tâm giúp nước này giảm nợ và thăm các lãnh đạo những nước khác ở châu lục quan trọng trong chiến lược vươn xa của TQ.
Nay, ông Vương phải làm một lúc hai việc, và trở thành nhân vật quan trọng bậc nhất của ngoại giao TQ, ít ra là trên lý thuyết.
Trung thành tuyệt đối với Tư tưởng Tập Cận Bình
Trên thực tế, các nhà bình luận tin rằng Chủ tịch Tập mới là người chỉ đạo tối cao cho các bước đi đối ngoại.
Nay, sau khi cho hạ bệ Tần Cương, ông Tập rất cần người có kinh nghiệm để ổn định tình hình.
Trung Quốc cũng vừa thay và bổ nhiệm các vị trí quan trọng ở Hong Kong. Đặc phái viên chính phủ ở Hong Kong, ông Lưu Quang Nguyên bị hạ bệ, chuyển về làm phó Ban Liên lạc Trung ương chuyên trách về Hong Kong và Macau.
Một nhà tình báo kinh nghiệm, ông Đổng Kinh Vĩ, được điều chuyển từ vị trí Thứ trưởng Công an tới nắm an ninh của Hong Kong.
Đây là các dấu hiệu TQ muốn tiếp tục kiểm soát chặt Hong Kong, lo ngại \”ly khai, phản loạn\”, theo các báo châu Á.
Nhưng việc chọn ông Vương Nghị trở lại nắm Bộ Ngoại giao chỉ là dấu hiệu nhà ngoại giao số một vẫn là Chủ tịch Tập Cận Bình.
GS Steven Tsang từ Đại học Soas, London giải thích với báo The Guardian rằng khác với cách hiểu trên thế giới rằng ngoại trưởng lo về ngoại giao, ở Trung Quốc bộ trưởng ngoại giao chỉ là người thực hiện chính sách do Đảng Cộng sản định ra.
Neil Thomas, chuyên gia về Trung Quốc ở Asia Society Policy Institute, xác nhận cách nhìn đó, và nói với BBC rằng \”Tập Cận Bình và nhóm thân cận của ông ta mới là những người ra các quyết định quan trọng về ngoại giao\”.
\”Bộ trưởng Ngoại giao TQ chỉ là \’người thực hiện cao nhất\’ – the implementer-in-chief\”.
Phái hướng Tây hay phe châu Á?
Cũng có cách đánh giá rằng ông Tần Cương, nhà ngoại giao làm việc lâu năm ở ĐSQ Trung Quốc tại London, và có hai năm làm đại sứ tại Mỹ, thuộc phái \”mềm mỏng, cởi mở\” hơn với Phương Tây.
Việc chọn ông Tần Cương trẻ tuổi là do Chủ tịch Tập quyết định, để tạo hình ảnh mềm mại khi cần \”tan băng\” trong quan hệ với Hoa Kỳ.
Bản thân Tần Cương từng có màn diễn ném bóng trên sân baseball và biết dùng ngôn ngữ người Mỹ hiểu nhất – môn thể thao của họ. Không chỉ vậy, ông còn dùng Twitter, mạng xã hội người TQ ở trong nước không tiếp cận được, để đăng bức ảnh đó.
Nhưng Vương Nghị lại khác.
Ông làm việc nhiều năm ở Nhật Bản và từng chuyên trách vấn đề Đài Loan trong khu vực châu Á.
Là người công khai nêu ý kiến rằng Tư tưởng Tập Cận Bình là \”thành tựu mang tính kỷ nguyên cho sự phục hưng của Trung Quốc và cho ngành ngoại giao\”, ông còn mạnh mẽ chỉ trích bất cứ ai muốn kết nối với Đài Loan.
Năm 2020, ông lên án mạnh chủ tịch Thượng viện Czech Miloš Vystrčil vì dám thăm Đài Loan, và cảnh cáo CH Czech \”sẽ phải trả giá đắt\”.
Phía Czech phản ứng lại, gọi các nhà lãnh đạo TQ là \”lũ hề thô lỗ – unmannered rude clowns\”.
Trung Quốc không đạt nhiều thành tựu ở châu Âu, khi mà các nước Đông Âu và Baltic tiếp tục công khai quan hệ với Đài Loan và đặt câu hỏi về cam kết \”hòa bình\” của TQ ở Ukraine.
Chiến dịch quyến rũ châu Âu có thể không như ý, nhưng ông Vương Nghị có thể đóng vai trò quan trọng tại châu Á ở vị trí hiện nay.
Sang năm là cuộc bầu cử tổng thống ở Đài Loan với nhân vật hàng đầu của Dân Tiến Đảng, Phó Tổng thống Lại Thanh Đức ra tranh cử.
Các phát biểu của ông ta \”bất ngờ, khó lường hơn cả của bà Thái Anh Văn\” về hướng đi của Đài Loan, đang làm Bắc Kinh lo ngại.
Vương Nghị cũng sẽ rất bận với quan hệ Mỹ-Trung khi mà Bắc Kinh muốn Chủ tịch Tập thăm Hoa Kỳ tháng 11 này, theo BBC News.
Trước mắt, Trung Quốc coi như ông Tần Cương chưa bao giờ tồn tại, mọi hình ảnh, phát biểu của ông bị xóa khỏi trang web Bộ Ngoại giao.
Điều này hẳn khiến các đối tác từng gặp ông cảm thấy khó xử.
Trong hình ảnh cuối cùng trước lúc bị hạ bệ, ông Tần Cương đón khách Nga và khách Việt Nam (Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thăm Bắc Kinh tháng 6/2023).
Các trao đổi công khai của ông Tần Cương với những nhà ngoại giao nước ngoài hơn 7 tháng qua hóa ra là con số không, hay là điều họ sẽ phải hỏi ông Vương Nghị trong các lần gặp tới?