Một số nước thường xuyên điều tàu chiến và chiến đấu cơ để « chứng tỏ sức mạnh quân sự vì lợi ích riêng của họ » đã làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngày 29/07/2023, bộ Quốc Phòng Trung Quốc đưa ra những cáo buộc trên khi bình luận về Sách Trắng Quốc Phòng của Nhật Bản, đồng thời khẳng định tình hình ở hai vùng biển trên nhìn chung là ổn định.
Đăng ngày: 29/07/2023
Ông Đàm Khắc Phi (Tan Kefei), người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Trung Quốc, chỉ trích Sách Trắng của Nhật Bản đã đưa ra một « nhận thức sai lầm » về Trung Quốc và « cố tình phóng đại điều gọi là mối đe dọa quân sự của Trung Quốc ». Ông cho biết Bắc Kinh đã gửi công hàm nghiêm khắc tới Tokyo, kiên quyết phản đối lời cáo buộc.
Theo Reuters, trong Sách Trắng 2023 được công bố ước đó, Nhật Bản dành một phần khẳng định « sức mạnh của quân đội Trung Quốc là thách thức chưa từng có về mặt chiến lược ». Các chương trình tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga cũng khiến Tokyo lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh Ukraina do Matxcơva phát động. Tiền lệ dùng vũ lực để giải quyết bất đồng khiến Nhật Bản quan ngại có thể áp dụng đối với Đài Loan, được Bắc Kinh coi là vùng lãnh thổ không thể tách rời.
Để giúp Đài Loan tự vệ, Hoa Kỳ thường xuyên hỗ trợ quân sự cho hòn đảo. Ngày 28/07, tổng thống Joe Biden đã cho phép một khoản viện trợ mới cho chính quyền Đài Bắc, trị giá 345 triệu đô la cho Đài Loan, bao gồm « trang thiết bị quốc phòng » và « huấn luyện quân sự ». AFP trích dẫn một quan chức chính phủ Mỹ cho biết : đợt hỗ trợ này được xuất trực tiếp từ kho vũ khí của Mỹ, bao gồm nhiều thiết bị giám sát và trinh sát, đạn dược, linh kiện và một số thiết bị khác để giúp Đài Loan « tăng cường năng lực răn đe ngay từ bây giờ và trong tương lai ».
Bắc Kinh chỉ trích nước ngoài làm gia tăng căng thẳng trong vùng, vào lúc quân đội Trung Quốc cũng khoanh vùng tập trận tại nơi có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng. Từ ngày 29/07 đến 02/08/2023, tàu thuyền bị cấm qua lại tại khu vực bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và bãi ngầm Macclesfield.