Nghệ sĩ chuyên vẽ tranh bằng kỹ thuật số (digital artist), ông Greg Rutkowski phát hiện ra rằng trí tuệ nhân tạo đã sao chép tranh của ông ít nhất 400 nghìn lần, tính từ tháng 9/2022.
Vấn đề là AI không hỏi ý kiến của tác giả, và ông không nhận được tiền tác quyền gì hết, theo BBC News.
Nghệ sĩ gốc Ba Lan, hiện sống ở xứ Wales cho biết tranh của ông được dùng vào các trò chơi điện tử như Dungeons và Dragons, Magic: The Gathering. Nhưng việc AI dùng tác phẩm của ông là điều đáng lo ngại cho tương lai.
Thậm chí, Rutkowski nói chính ông không phân biệt được đâu là tác phẩm của mình trên mạng.
Các trang như Midjourney, Dall.E, NightCafe và Stable Diffusion dùng công nghệ AI để tạo ra tác phẩm nghệ thuật chỉ trong vài giây, khi người dùng yêu cầu.
Theo Greg Rutkowski, những hoạt động đó \”ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi\”.
\”Các sản phẩm AI tạo ra sẽ gắn với tên của tôi nhưng không phải là của tôi.\”
Ông lo rằng cả ngành sáng tạo nghệ thuật kỹ thuật số bị ảnh hưởng.
\”Nhiều năm sáng tạo của chúng tôi bị tước đi nhanh chóng qua việc dùng AI.\”
\”Thật khó nói điều này có biến đổi toàn bộ ngành này tới mức nghệ sĩ là người thật trở nên vô ích hay không, nhưng tôi thấy công việc của tôi và tương lai của tôi đang bị đặt dấu hỏi lớn.\”
AI thay luôn họa sĩ, đe dọa nhà văn, nhà biên kịch và nhiếp ảnh gia?
Gần đây, các nhà biên kịch Hollywood đã lên tiếng qua cuộc biểu tình từ tháng 5 phản đối AI.
Họ lo ngại các xưởng phim sẽ dùng trí tuệ nhân tạo để viết kịch bản, dẫn tới chỗ người viết mất việc.
Nhà biên kịch Michelle Amor nói bà và các đồng nghiệp \”không muốn bị thay bởi AI\”.
Một trong những yêu sách của họ là đòi các xưởng phim và công ty truyền trực tuyến (streaming) hạn chết việc dùng các công cụ viết sử dụng AI, ví dụ như ChatGPT.
Có những họa sĩ, nhà văn cho rằng tác phẩm hay thì cần phải có tính cách, điều chỉ có ở con người.
Thế nhưng, việc tạo ra sản phẩm có vẻ như có tính cách, thậm chí tìm cảm, là hoàn toàn khả thi với AI.
Nhiều bài thơ, bức tranh, ảnh chân dung do ChatGPT tạo ra khó làm công chúng nghĩ là máy soạn nếu không được chú thích rõ.
Hồi tháng 4 vừa qua, giới nhiếp ảnh quốc tế bị choáng vì vụ một \”ảnh chân dung\” đoạt giải Sony danh giá nhưng ngay sau đó, được tác giả của nó tiết lộ rằng đó là hàng \”AI\”.
Nghệ sĩ người Đức Boris Eldagsen đã làm cuộc thử nghiệm là gửi bức ảnh \”Pseudomnesia: The Electrician\” (Người thợ điện) cho cuộc thi Sony World Photography Award.
Ông đã từ chối nhận giải thưởng sau đó và giải thích vụ việc là để \”thử xem cuộc thi xử lý AI ra sao\” để tạo ra cuộc tranh luận về tương lai của nghề chụp ảnh.