Sáu chuyên gia LHQ quan ngại việc chính quyền sách nhiễu gia đình TNLT Đặng Đình Bách

RFA
2023.07.31

\"Sáu

Ông Đặng Đình Bách và vợ Trần Phương Thảo

 Ảnh gia đình cung cấp

Sáu chuyên gia LHQ quan ngại việc chính quyền sách nhiễu gia đình TNLT Đặng Đình Bách

Một nhóm sáu chuyên gia nhân quyền thuộc cơ chế nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc (LHQ) gửi thư chung cho chính phủ Việt Nam, bày tỏ quan ngại của họ khi tù nhân lương tâm Đặng Đình Bách và gia đình đang chịu sự đàn áp và sách nhiễu bởi nhà chức trách.

Trong thư chung của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ khu vực Đông Nam Á đề ngày 27/5 và được công bố trong ngày 29/7, các chuyên gia nhân quyền đề cập đến thông tin mà họ nhận được liên quan đến việc gia tăng sách nhiễu hành chính và tư pháp đối với bà Trần Phương Thảo, vợ của nhà hoạt động môi trường đang bị cầm tù Đặng Đình Bách, cũng như việc ông tiếp tục bị giam giữ chỉ vì các hoạt động thực hiện quyền tự do ngôn luận, ủng hộ môi trường và các hoạt động nhân quyền.

Ông Bách, một luật sư và là một nhà hoạt động môi trường, là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD) trước khi bị bắt vào tháng 6/2021 với cáo buộc “trốn thuế” theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự cho các khoản tiền tài trợ từ nước ngoài cho các dự án xã hội của Trung tâm trong thời gian 2013-2020.

Trong phiên toà sơ thẩm vào tháng 1/2022, ông bị kết án năm năm tù giam và bị buộc nộp số tiền gần 1,4 tỷ đồng, là số tiền mà ông bị coi là trốn thuế. Toà phúc thẩm vào tháng 8/2022 giữ nguyên mức án. Trong cả hai phiên toà, ông Bách luôn khẳng định mình vô tội.

Kể từ khi bị bắt, ông đã tuyệt thực dài ngày nhiều lần trong trại giam để đòi tự do. Lần gần đây nhất, ông tuyệt thực trong một tháng bắt đầu từ ngày 09/6.

Sau khi ông Bách bị cầm tù, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội liên tục triệu tập bà Thảo để buộc gia đình bà phải nộp số tiền gần 1,4 tỷ đồng sau khi đã phong toả các tài khoản ngân hàng đứng tên ông Bách.

Cơ quan này cũng đe doạ sẽ tịch thu xe hơi và căn nhà ở Hà Nội mà bà Thảo đang sống cùng con nhỏ hai tuổi và bố mẹ chồng cao tuổi.

Cùng với Trại giam số 6 nơi ông Bách đang thi hành án, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội không cho ông Bách sang tên giấy đăng ký xe hơi và uỷ quyền cho vợ, cho dù bà Thảo đã cam kết sẽ bán xe và sử dụng số tiền thu được để nộp như cơ quan này yêu cầu.

Bình luận về hành động của nhà chức trách Hà Nội đối với gia đình ông Bách, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn ngày 31/7:

Việc Việt Nam cố tình sách nhiễu và ngược đãi tàn nhẫn thành viên gia đình của các nhà hoạt động thực sự là không có giới hạn, và giờ đây Trần Phương Thảo đang bị tấn công với những đòi hỏi tài chính không có thật liên quan đến tội danh trốn thuế lố bịch, bịa đặt đối với chồng cô.

Rõ ràng là các quan chức đang cố đẩy gia đình Đặng Đình Bách vào tình thế tuyệt vọng bằng cách tịch thu nhà và xe của họ.”

Gọi các quan chức đang hành động đối với gia đình ông bách là “hoàn toàn vô tâm,” ông Phil Robertson kêu gọi các nhà ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội “nên công khai lên án những thủ đoạn lạm dụng, sách nhiễu này.”

Trong thư chung, các chuyên gia nhắc lại rằng trong văn bản trước đó gửi Chính phủ Việt Nam vào tháng 2/2022, họ đã điều tra và nhận thấy các khoản tài trợ cho 10 dự án xã hội của LPSD không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếu theo quy định trong Nghị định 218/2013 của Chính phủ Việt Nam và Thông tư 78/2014 của Bộ Tài chính. Do vậy, việc kết tội ông Bách là không có cơ sở.

Bên cạnh việc bày tỏ lo ngại về việc ông Bách bị giam cầm, các chuyên gia bày tỏ quan ngại về quấy rối hành chính và tư pháp đối với bà Thảo. Họ nghi ngờ việc quấy rối này được thiết kế để trừng phạt bà Thảo vì bà đang vận động tự do cho chồng với LHQ, cũng như chỉ trích việc ông tiếp tục bị giam giữ.

Trước đây, chúng tôi đã chỉ ra nhiều cáo buộc đáng tin cậy về hành vi đe dọa và trả thù xảy ra sau khi các nạn nhân chia sẻ lời khai hoặc sử dụng các thủ tục được thiết lập dưới sự bảo trợ của LHQ để bảo vệ nhân quyền.

Chúng tôi sợ rằng đây không chỉ là những trường hợp riêng lẻ và chúng có thể báo hiệu một mô hình mới nổi. Chúng tôi lưu ý rằng Việt Nam đã bị đưa vào một số báo cáo của Tổng Thư ký LHQ về hành vi đe dọa và trả đũa đối với việc hợp tác với LHQ, các đại diện và cơ chế của LHQ trong lĩnh vực nhân quyền,” các chuyên gia nói trong thư chung.

Các chuyên gia đề nghị Chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến cơ sở pháp lý cho hành vi quấy rối hành chính và tài chính đối với bà Thảo và ông Bách và mức độ phù hợp của các biện pháp này với các tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế như đã nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR).

Nhóm cũng đề nghị Hà Nội cho biết những bước đã được thực hiện và các biện pháp được Chính phủ Việt Nam đưa ra để bảo đảm rằng các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và tất cả những người bảo vệ nhân quyền có thể thực hiện công việc ôn hòa của họ mà không sợ bị đe dọa, bạo lực, quấy rối hoặc trả thù dưới bất kỳ hình thức nào.

Chính phủ Việt Nam cũng cần cung cấp thông tin về các hoạt động bảo đảm rằng các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự, những người ủng hộ môi trường và tất cả những người bảo vệ nhân quyền có thể tự do và tích cực tham gia vào việc định hình các chính sách và quyết định về khí hậu và môi trường trong việc thực hiện Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Trong thư phản hồi đề ngày 19/7, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva đề nghị gia hạn trả lời thêm một tháng, đến ngày 25/8 tới đây.

Phóng viên gọi điện cho bà Trần Thu Thuỷ của Cục Thi hành án dân sự Hà Nội, người thụ lý trường hợp của ông Bách-bà Thảo, nhưng người này không nghe máy.

Bài Liên Quan

Leave a Comment