2/5 – Trung Phi, phòng thí nghiệm của lính đánh thuê Nga

Cuối năm 2017, tranh thủ sự ra đi của quân đội Pháp, Nga tiến vào Trung Phi. Công ty bán quân sự Wagner can thiệp vào đây nhằm bảo về chính quyền bị lung lay của tổng thống Faustin-Archange Touadéra và nhanh chóng biến nước này thành « sân sau » của mình, ngay cả khi cuộc bạo loạn vừa qua do Evgueni Prigozhin chỉ huy chống lại Matxcơva có thể dẫn đến những thay đổi quan trọng. Vậy Nga đã « cắm rễ » tại Trung Phi ra sao ?(*)

Đăng ngày: 01/08/2023

\"Trung
Trung Phi, phòng thí nghiệp của lính đánh thuê Nga. © Studio graphique FMM

Đức Tâm

Trong diễn văn ngày 13/07/2016, một hôm trước ngày Quốc Khánh, trước các sĩ quan Pháp tại hôtel de Brienne, Paris, (thuộc bộ Quốc Phòng Pháp), tổng thống François Hollande thông báo kết thúc can thiệp quân sự của Pháp tại Trung Phi. Nguyên thủ Pháp nói : « Chúng ta đã gạt bỏ được nguy cơ làm tan rã nước này. Với thành công đó, từ nay, chúng ta để cộng đồng quốc tế và chính quyền Trung Phi tiếp tục công việc ». Ông nói rõ thêm : « Do vậy, trong tháng 10 tới, bộ trưởng Quốc Phòng Jean-Yves Le Drian sẽ tới Trung Phi để tuyên bố chính thức chấm dứt chiến dịch Sangaris ».

Thông báo rút quân của Pháp là một cơ hội cho Matxcơva đang muốn tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi. Thierry Vircoulon, chuyên gia thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri) nhắc lại, ngay từ năm 2017, điện Kremlin đề xuất hỗ trợ an ninh toàn bộ cho Bangui. « Vấn đề chuyển giao vũ khí là cửa vào cho Matxcơva, bởi vì Trung Phi đang bị Liên Hiệp Quốc cấm vận ».

« Paris đánh giá chính sách của Nga rất kém »

Để quân đội Trung Phi (FACA) nhận được vũ khí, cần có sự chấp thuận của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nhà nghiên cứu Vircoulon giải thích : « Chính ở trong định chế này mà Nga đã can thiệp và với tư cách là thành viên Hội Đồng Bảo An, đã đạt được sự miễn trừ trừng phạt đối với vụ chuyển giao vũ khí ». Chuyên gia Vircoulon cũng nhắc đến việc huấn luyện. « Các huấn luyện viên quân sự của Wagner đã tới Trung Phi. Đúng là hỗ trợ trọn gói : vũ khí và huấn luyện ».  

Việc Nga tới Trung Phi lại càng đơn giản hơn khi mà vào năm 2018, với ý tưởng kiến trúc an ninh, Paris chủ trương xích lại gần Matxcơva. Nhà nghiên cứu Thierry Vircoulon giải thích : « Lúc đó, việc đánh giá chính sách của Nga rất kém. Rõ ràng là giới ngoại giao Pháp muốn duy trì một không gian đối thoại với chính quyền Nga, mà lại không hiểu rằng chính quyền Nga không quan tâm tới đối thoại ». Chuyên gia Vircoulon nhắc lại rằng Paris vào lúc đó cũng tiến hành chiến dịch Barkhane ở Mali và do vậy, không muốn cáng đáng cả hai chiến dịch cùng một lúc. Theo chuyên gia Vircoulon, nước Pháp « trên thực tế, đã thí Trung Phi để tiến hành chiến dịch tại Mali ».

Wagner đã không hoàn tất hợp đồng bình định Trung Phi

Năm năm sau khi tới Trung Phi, người Nga đã biến nước này thành « sân sau » về kinh tế của họ, mà không hoàn thành hợp đồng về an ninh như ban đầu đề xuất.  

Chuyên gia Thierry Vircoulon nói rõ : « Họ chỉ thực hiện được một phần hợp đồng. Với việc công ty bán quân sự Wagner triển khai 1500 chiến binh, họ chỉ bảo đảm được an ninh cho thủ đô Bangui và một số thủ phủ các tỉnh ».  

Nhà nghiên cứu thừa nhận là lính đánh thuê Wagner đã huấn luyện và trang bị cho một số tiểu đoàn của quân đội Trung Phi, nhưng ông nhấn mạnh : « Họ đã không thành công trong việc bình định Trung Phi và hành động để các nhóm vũ trang trong rừng rậm bị đập tan hoàn toàn hoặc biến mất ».

Quả thực là từ cuối năm 2021, lính đánh thuê Wagner đã bị quấy nhiễu bởi một số chiến binh thuộc các nhóm vũ trang ẩn náu sâu trong rừng.  

Công ty đánh thuê Wagner sẽ tiếp tục hiện diện tại Trung Phi hay tổng thống Faustin-Archange Touadéra sẽ tìm kiếm các hỗ trợ khác ? Nhân thượng đỉnh Nga – châu Phi lần hai, mọi lựa chọn đều được thảo luận.

(*Tác giả Franck Alexandre)

Bài Liên Quan

Leave a Comment