“Bây giờ đến lượt cậu phải đương đầu với hậu quả những thành tựu của cậu.”
Đó là câu mà nhà vật lý Albert Einstein nói với đồng nghiệp Robert Oppenheimer ở một trong những phân cảnh cuối cùng của bộ phim Oppenheimer. Phim kể câu chuyện Oppenheimer đã trở thành “cha đẻ” của bom nguyên tử trong những năm 1940 qua việc dẫn dứt Dự án Manhattan của chính phủ Mỹ ra sao.
Trong phim, Einstein xuất hiện trong giai đoạn cuối của cuộc đời, khi ông và Oppenheimer cùng làm việc ở Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton (Princeton Institute for Advanced Study), nơi Oppenheimer là giám đốc từ 1947 tới 1966.
Cả hai đều là các nhà khoa học uyên bác nhất ở thời của họ, nhưng họ có sự bất đồng quan trọng, cả về cách họ hiểu vật lý cũng như cách họ tin rằng nghiên cứu của họ có thể phục vụ hay làm hại thế giới ra sao
\”Chúng tôi là đồng nghiệp gần gũi và cũng tựa như bạn bè,” Oppenheimer nói tại một hội nghị ở Paris năm 1965, kỷ niệm 10 năm ngày mất của Einstein.
Trong phim, đạo diễn Christopher Nolan đặt hai nhà vật lý chuyện trò và hội thoại với nhau và mặc dù là hư cấu, nó phản ánh mối quan hệ giữa một Oppenheimer choáng ngợp tìm kiếm lời khuyên của Einstein như con đối với người cha.
Đúng là mặc dù trong đời thực họ có những điểm khác biệt quan trọng, họ rất tôn trọng nhau.
Hai cuộc đời song song
Khi cậu thanh niên Robert Oppenheimer tốt nghiệp và theo đuổi chuyên ngành vật lý lý thuyết vào những năm 1920, Einstein đã đoạt giả Nobel về vật lý và là một nhân vật quan trọng trong giới khoa học, nhờ Thuyết Tương đối Rộng (1915) và các nghiên cứu khác.
Trong bối cảnh người Do thái bị ngược đãi ngày càng nhiều ở Đức, Einstein rời châu Âu và định cư ở Princeton, New Jersey năm 1932, nơi ông tiếp tục làm việc.
Sau đó ít lâu, vào tháng 8/1939, ông ký bức thư gửi Tổng thống Franklin D. Roosevelt do Leo Szilard, đồng nghiệp của ông, viết. Bức thư cảnh báo Nhà Trắng rằng Đức có thể phát triển bom nguyên tử nhờ các phát hiện khoa học về phản ứng phân hạch uranium.
Đây được cho là bức thư đã dẫn tới sự ra đời của Dự án Manhanttan tuyệt mật, mà Oppenheimer được đặt vào trung tâm năm 1942, khi ông đã trở thành một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực của mình.
Theo nhiều nguồn khác nhau, Einstein, lúc đó 64 tuổi, không được đưa vào dự án vì gốc gác Đức cũng như tư tưởng cánh tả của ông. Nhưng quan niệm khác biệt về lý thuyết vật lý giữa ông và Oppenheimer cũng có ảnh hưởng không nhỏ.
Kei Bird và Martin J. Sherwin viết trong cuốn sách tiểu sử “Thần Prometheus của Mỹ: Thành công và bi kịch của J. Robert Oppenheimer\” (mà bộ phim của Nolan dựa trên) rằng nhà vật lý người Mỹ nghĩ đến Einstein “như một thánh sống về vật lý, không phải là một nhà khoa học làm nghiên cứu”.
Nolan cố gắng phản ánh trong bộ phim mối quan hệ đã có giữa hai người: “Tôi nhìn nhận quan hệ giữa họ như là giữa một người thày bị thay thế và người trò đang dần vượt lên trước,” nhà đạo diễn nói với tờ The New York Times.
Einstein có tham gia vào dự án bom nguyên tử?
Trong bối cảnh Dự án Manhattan đang được triển khai, bộ phim cho thấy Oppenheimer nghi ngờ về tầm phá hủy của bom nguyên tử mà ông đang phát triển. Ông đi tìm Einstein để hỏi ý kiến.
Tuy nhiên, đây chỉ là cảnh mà đạo diễn người Mỹ sáng tạo ra, vì trao đổi giữa hai người không thực sự diễn ra như trong phim.
“Một trong số ít những điều mà tôi thay đổi là không phải Oppenheimer tham khảo ý kiến của Einstein, mà là của Arthur Compton, người phụ trách một chi nhánh của Dự án Manhattan tại Đại học Chicago,” Nolan giải thích với The New York Times.
\”Einstein là nhân vật mà khán giả biết,” ông nói thêm.
Từ 1943 đến 1945, Oppenheimer làm việc tại Phòng Thí nghiệm Los Alamos, New Mexico, cách Princeton hàng ngàn km. Không rõ trong thời gian này ông có gặp hay trao đổi gì với Einstein hay không.
Nhưng vào 1965, chính Oppenheimer đã bình luận về tin đồn rằng Einstein, bằng cách nào đó, đã tham gia vào việc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt. “Tin đồn rằng ông ấy từng tham gia chế tạo bom nguyên tử, theo tôi, là không có thật.”
Theo quan điểm của ông, bức thư năm 1939 kêu gọi Tổng thống Roosevelt chú ý tới khả năng chế tạo bom nguyên tử của Đức “gần như không có ảnh hưởng” lên chính phủ Mỹ.
‘Thật là một kẻ ngốc’
Sau khi trái bom nguyên tử đầu tiên được thử nghiệm thành công, Oppenheimer đối mặt với câu hỏi về đạo đức rằng nghiên cứu của ông được dùng như một vũ khí phá hủy hàng loạt, chứ không chỉ là một đe dọa, như thực tế đã diễn ra khi Hiroshima và Nagasaki bị ném bom tháng 8/1945.
Nhiều nhà khoa học khác nhau, trong đó có Einstein, Szilárd và những người khác, lên án việc ném bom lên các thành phố Nhật, vì họ cho rằng lúc đó Nhật đã thua trên thực tế.
Tình tiết trong phim của Nolan khám phá việc Oppenheimer cố gắng thuyết phục chính phủ Washington họ cần đưa ra hạn chế cho việc sử dụng công nghệ mà ông phát triển thành công. Nhưng các chính trị gia đã quay lưng lại với ông và chất vấn ông về mối quan hệ trước đây của ông với cộng sản, việc mà ông phải ra điều trần trước một ủy ban chính phủ.
Các tác giả Bird và Sherwin kể lại trong cuốn sách của họ rằng Einstein nói với Oppenheimer rằng ông “không cần phải cúi đầu chịu trận trong cuộc săn phù thủy, cậu đã phục vụ tốt cho đất nước”, theo lời kể của bà Verna Hobson, thư ký của Oppenheimer, người chứng kiến cuộc trò chuyện giữa hai nhà vật lý.
Einstein nói với Oppenheimer “nếu đây là phần thưởng mà nước Mỹ trao cho cậu, thì cậu nên quay lưng lại với nó.”
Tuy nhiên, Hobson cho rằng Oppenheimer \”yêu nước Mỹ\” và lòng yêu nước của ông “cũng sâu sắc như tình yêu khoa học”.
\”Einstein không hiểu,\” Oppenheimer nói với Hobson.
Đối với nhà vật lý đoạt giải Nobel, Oppenheimer không nên trông đợi nhiều từ Washington. Ông nói với thư ký của Oppenheimer, và chỉ vào nhà vật lý trẻ hơn: \”Thật là một kẻ ngốc,\” theo Bird và Sherwin.
Mặc dù có sự bất đồng, hai người đều ngưỡng mộ và tôn trọng lẫn nhau, dù theo cách riêng của họ.
Einstein được nhớ là đã nói Oppenheimer là “một người có khả năng khác thường, với một nền giáo dục nhiều mặt”, người mà ông ngưỡng mộ “vì con người cậu ấy, không phải vì vật lý của cậu ấy”.
Đổi lại, trong dịp kỷ niệm 10 năm qua Einstein qua đời và 50 năm Thuyết Tương đối Rộng ra đời, Oppenheimer vinh danh những cống hiến của thiên tài gốc Đức theo một cách lạ lùng.
“Công trình nghiên cứu trong thời gian đầu của Einstein là vô cùng đẹp đẽ, nhưng đầy sai sót,” Oppenheimer phát biểu ở Paris, và giải thích thêm việc biên soạn công trình của Einstein mà ông tham gia mất một thập kỷ để soát lỗi.
Nhưng ông nói thêm: “Một người mà sai sót của ông phải mất 10 năm để sửa là một người đàn ông vĩ đại.”