Papua New Guinea : Tuần Duyên Mỹ được quyền \’\’chặn xét\’\’ tàu nước ngoài trong vùng EEZ

Theo hãng tin Anh Reuters ngày 31/07/2023, lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ hoạt động trên vùng biển của đảo quốc nam Thái Bình Dương Papua New Guinea (PNG), sẽ có quyền ngăn chặn và lên khám xét tàu nước ngoài, bị tình nghi hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của PNG, mà không cần sự hiện diện của lực lượng chấp pháp sở tại.

Đăng ngày: 01/08/2023

\"Đảo
Đảo quốc Nam Thái Bình Dương Papua New Guinea (phía bắc nước Úc) © wikimedia

Trọng Nghĩa

Các quan chức Tuần Duyên Mỹ cho biết một thỏa thuận về thực thi pháp luật trên biển ký kết giữa Hoa Kỳ và Papua New Guinea bao gồm một điều khoản mới cho phép lực lượng Mỹ nhân danh PNG chặn giữ và lên khám xét mọi chiếc tàu khả nghi mà không cần đến sự có mặt của đại diện lực lượng thực thi pháp luật – ship rider – người PNG.

Trong tuyên bố với Reuters, một phát ngôn viên của Tuần Duyên Mỹ giải thích thêm: “Việc cụ thể hóa điều khoản đó để đưa vào áp dụng sẽ mất nhiều công sức (…), nhưng khi công việc đó hoàn thành, đó chính là cơ chế cho phép (chúng tôi) nhanh chóng lên tàu (mà không cần ship rider)”. Trong tuyên bố của mình với Reuters, phát ngôn viên Tuần Duyên Mỹ khẳng định có quyền lên khám xét bất kỳ tàu cá nào đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của PNG, kể cả “tàu mang cờ Trung Quốc”.

Tuần Duyên Hoa Kỳ có các thỏa thuận về \”ship rider\” với hơn một chục quốc đảo Thái Bình Dương, tuy nhiên thỏa thuận với Papua New Guinea là thỏa thuận đầu tiên có điều khoản về quyền lên tàu khả nghi để khám xét mà không cần sự có mặt của đại diện nước chủ nhà, mà Mỹ ký kết với một quốc gia mà Washington không có trách nhiệm phòng thủ đầy đủ.

Vùng biển Papua New Guinea là khu vực mà các đội tàu đánh cá xa bờ quy mô lớn của Trung Quốc hoạt động, cũng là khu vực mà Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường hiện diện quân sự. Tàu Hải Quân Trung Quốc thường xuyên đi qua một eo biển hẹp giữa Úc và PNG để qua lại giữa châu Á và Thái Bình Dương.

Tháng 5 vừa qua, PNG đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ và trong chuyến thăm PNG tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã thông báo về việc triển khai một tàu tuần duyên Mỹ vào tháng 8. Thủ tướng PNG James Marape cho biết nước ông không thể tuần tra vùng đặc quyền kinh tế rộng 2,7 triệu km2 để phát hiện các hoạt động bất hợp pháp từ buôn bán ma túy cho đến đánh bắt trái phép.

Mỹ dựa vào đồng minh ở Thái Bình Dương để đối phó với Bắc Kinh

Về cách đối phó với Trung Quốc nói chung của Hoa Kỳ trong vùng Thái Bình Dương, một viên tướng Mỹ cao cấp vào hôm qua, 31/07/2023 xác nhận rằng Washington sẽ chủ yếu sẽ dựa vào các nước đồng minh trong khu vực thay vì tăng mạnh lực lượng vũ trang Mỹ để chống lại bất kỳ mối đe dọa quân sự nào của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP, tướng Joseph Ryan chỉ huy Sư Đoàn bộ binh 25 bao gồm 12.000 quân đóng ở Oahu, Hawaii, cho rằng trong khu vực, Bắc Kinh có những lợi thế \”rất rõ ràng\”, từ việc sở hữu các hệ thống tên lửa tầm xa, khả năng dễ dàng bố trí quân đội và thiết bị ở Thái Bình Dương, trong khi đó trong trường hợp xảy ra xung đột, Hoa Kỳ và các đồng minh của mình sẽ phải đi qua vùng biển quốc tế hoặc lãnh thổ của một số quốc gia, vừa cần đến sự cho phép của các nước này, vừa phải sử dụng các phương tiện vận tải đường không, đường bộ và đường biển quan trọng.

Trong bối cảnh đó, chiến lược của Hoa Kỳ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, được công bố vào năm ngoái, ưu tiên các liên minh hơn là can dự trực tiếp. Tuy nhiên, tướng Ryan xác định rằng Mỹ không kêu gọi các quốc gia trong khu vực lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh: “Chúng tôi chỉ yêu cầu họ hành động vì lợi ích tốt nhất của mình và chú ý đến việc Hoa Kỳ muốn trở thành đối tác của họ. Và các quốc gia tự do và độc lập khác trong khu vực, chẳng hạn như Úc và New Zealand, đều coi trọng chủ quyền và muốn trở thành đối tác của họ”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment