Gần 800 doanh nghiệp bất động sản giải thể từ đầu năm

2023.08.02

\"Gần

Một người lái xe ôm ngủ trên vỉa hè trước tấm biển quảng cáo căn hộ cao cấp ở TPHCM (minh họa)

 AFP

Gần 800 doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam đã phải giải thể từ đầu năm đến nay, trong khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Truyền thông Nhà nước dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong bảy thán qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 756 doanh nghiệp giải thể, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp thành lập mới là 2.622 doanh nghiệp, giảm 56,2% so với cùng kỳ năm  ngoái.

Truyền thông Nhà nước dẫn số liệu thống kê của Wichart.vn, trang chuyên thống kê các dữ liệu kinh tế tài chính ở Việt Nam, tính đến hết ngày 30/7, có 66 doanh nghiệp bất động sản đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2023. Trong đó, 24 doanh nghiệp tăng lãi và 30 doanh nghiệp giảm lãi so với cùng kỳ năm ngoái.

Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là doanh nghiệp có lợi nhuận nghìn tỷ trong quý vừa qua.

Trong khi đó Địa ốc Hoàng Quân hiện đang phải đối mặt với tình trạng giá cổ phiếu giảm dưới mức 10.000 đồng/ cổ phiếu được cho là thấp hơn giá trị sổ sách. Công ty này trong tám năm liên tiếp luôn lên kế hoạch đưa cổ phiếu về mệnh giá nhưng không thành công.

Các công ty bất động sản tại Việt Nam đang nhắm tới gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội của chính phủ để có dòng tiền mạnh giúp thu hồi vốn đầu tư.

Hoạt động mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam đã giảm xuống còn 247 nghìn tỷ đồng trong quý 2 năm 2023, từ mức cao nhất là 34,8 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2022 – theo số liệu mới công bố của Công ty Chứng khoán SSI

Truyền thông Nhà nước cho biết, các doanh nghiệp bất động sản cũng trì hoãn việc thanh toán trái phiếu càng lâu càng tốt, dựa vào nghị định mới về trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Theo số liệu thống kê của SSI được báo trong nước trích đăng, tổng giá trị trái phiếu bị chậm trả gốc, lãi tính đến hết quý II/2023 đã lên tới 66 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bất động sản (BĐS) tiếp tục chiếm áp đảo trong nhóm chậm thanh toán trái phiếu như  Vietracimex, Novaland…

SSI Research nhận định: “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam dường như đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, ít nhất trong ngắn hạn nhờ các động thái từ Chính phủ. Tuy nhiên, các giải pháp hiện tại mang tính ngắn hạn, thiên về hỗ trợ cho các tổ chức phát hành, không thể lập tức khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư.”

Bài Liên Quan

Leave a Comment