2 tháng 8 2023
Khi thấy những tiệm cà phê ở New York bán cà phê sữa đá Việt Nam nhưng lại sử dụng hạt cà phê từ Châu Phi hoặc Nam Mỹ, Sahra Nguyễn không chấp nhận điều này và quyết định tự mình mang hạt cà phê từ Việt Nam sang Mỹ.
Thuộc thế hệ người Mỹ gốc Việt đầu tiên sinh ra và lớn lên ở Boston, Sahra Nguyễn cho biết cô luôn có một tình cảm vô cùng đặc biệt với văn hóa, ẩm thực địa phương nơi bố mẹ cô sinh ra, đặc biệt là với cà phê.
Trong những lần về thăm Việt Nam, Sahra có ấn tượng mạnh với thức uống cà phê pha bằng phin và chậm rãi nhỏ giọt, trong khi những người lớn ở kế bên ngồi hút thuốc trong yên lặng.
Đây là tiền đề để cô thành lập Nguyen Coffee Supply, hãng sản xuất cà phê thủ công đầu tiên ở Mỹ sử dụng hạt Robusta có nguồn gốc 100% tại Việt Nam vào năm 2018.
\”Lấy lại công bằng\” cho cà phê Việt
Từ Brooklyn, Sahra Nguyễn nói với BBC rằng cô cảm thấy có một sự bất công đối với cà phê Việt Nam, khi ngành cà phê thế giới đã trải qua ba làn sóng biến đổi.
Làn sóng thứ nhất là sự ra đời của cà phê hòa tan và lượng tiêu thụ cà phê tăng theo cấp số nhân, làn sóng thứ hai là cuộc cách mạng của cà phê đặc sản (specialty coffee), và làn sóng thứ ba là sự phát triển của nghệ thuật pha chế thủ công, tập trung vào nguồn gốc của cà phê.
“Với làn sóng thứ ba, nhiều người bắt đầu chú ý đến tính minh bạch và nguồn gốc của cà phê, nhưng vì sao Việt Nam lại không xuất hiện trong những câu chuyện như thế này”, Sahra thắc mắc.
Cô gái gốc Việt cho biết khi phát hiện ra Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, cô đã rất sốc và cảm thấy cực kỳ ấn tượng.
“Làm sao mà tôi – một người gốc Việt – lại không biết điều này? Tại sao thực tế này lại không được thế giới biết đến rộng rãi hơn?”, cô nhớ lại.
“Điều đó khiến tôi cảm thấy rằng Việt Nam là quốc gia có đóng góp lớn cho ngành cà phê toàn cầu, nhưng những người trồng cà phê ở Việt Nam dường như vô hình, không ai biết về họ, không ghi nhận, trân trọng họ…”
Khi tìm hiểu kỹ hơn, Sahra nói cô nhận ra rằng ở Mỹ, hạt Arabica (cà phê chè) rất phổ biến trong khi hạt Robusta (còn được gọi là cà phê vối) ở thị trường Mỹ vấp phải định kiến vì giá thành rẻ và bị đánh giá là thấp kém hơn, thường chỉ được dùng làm cà phê hòa tan hoặc tạo hương vị cà phê trong thực phẩm.
Nhưng cô gái gốc Việt không đồng tình với việc này, bày tỏ rằng công sức của những người nông dân Việt Nam cần được ghi nhận.
“Một số công ty lớn thực sự thống trị ngành, họ kiểm soát các câu chuyện, nhưng tôi thấy điều này không công bằng. Nếu bạn không hoạt động mạnh mẽ, bạn sẽ không có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm và nâng cao đời sống của mình”, cô cho biết.
Trên cơ sở đó, Sahra bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng bằng việc nhập khẩu hạt cà phê Việt Nam từ những người nông dân ở Đà Lạt và Sơn La rồi rang xay để bán tại thị trường Mỹ.
Chinh phục thị trường Mỹ
Sahra cho biết những sản phẩm của Nguyen Coffee Supply đã nhận được phản hồi tích cực khi ra mắt. Sau 5 năm thành lập, Nguyen Coffee Supply đến nay đã cho ra mắt những sản phẩm cà phê đặc sản và cà phê lon ủ lạnh từ hạt Robusta, phân phối đến hơn 550 siêu thị Whole Foods trên toàn nước Mỹ.
Mặc dù giá thành của Nguyen Coffee Supply (4,99 USD) có phần nhỉnh hơn so với các sản phẩm khác ở thị trường Mỹ (dao động từ 3 – 4,5 USD), nhưng Sahra cho biết những sản phẩm này được yêu thích trên các kệ hàng của Whole Foods.
“Mọi người yêu thích cà phê của chúng tôi vì sự khác biệt, và giờ đây ngày càng có nhiều người cởi mở hơn và đánh giá cao loại cà phê từ hạt Robusta”, cô nói với BBC.
Để được khách hàng Mỹ yêu thích là cả một chặng đường dài đầu tư và sáng tạo.
“Chúng ta không cần so sánh Robusta với Arabica. Hai loại hạt này khác nhau và mang đến những trải nghiệm khác nhau. Kiểu như bạn không nói chanh xanh tốt hơn chanh vàng, hay nho đỏ tốt hơn nho xanh”.
“Chúng tôi không ở đây để nói rằng bạn chỉ nên uống Robusta. Chúng tôi ở đây để cung cấp sự đa dạng trong ngành. Chúng tôi mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm đa dạng và trao quyền quyết định cho người tiêu dùng”, nữ doanh nhân giải thích.
Hiện tại, Nguyen Coffee Supply đang nhập khẩu cả hai loại cà phê Robusta và Arabica từ Việt Nam, với mục đích cung cấp dịch vụ đa dạng hơn nhưng vẫn tập trunng vào hạt Robusta.
Ngay cả cái tên Nguyen Coffee Supply cũng là cách mà Sahra muốn quảng bá về văn hóa Việt Nam.
Ban đầu, cô phân vân giữa hai cái tên Tiger Coffee và Nguyen Coffee Supply. Tiger thì khách hàng Mỹ sẽ dễ nói hơn, và cô lại sinh năm con hổ 1986, và cũng mang hàm ý cà phê mạnh mẽ như loài hổ. Tuy nhiên, cô quyết định sử dụng họ Nguyễn của mình để làm tăng tính đại diện và tính hiển thị cho cộng đồng người Việt.
“Đó là cách để những người không phải là người Việt Nam tìm hiểu về Việt Nam”, nữ doanh nhân cho biết.
Sahra và câu chuyện về cà phê Việt đã thu hút sự chú ý của truyền thông địa phương, góp phần lan tỏa mong muốn thay đổi định kiến đối với hạt Robusta. Cô xuất hiện trên các tờ báo danh tiếng như The New Yorks Times, Los Angeles Times và được tạp chí Imbibe Magazine vinh danh là 75 người thay đổi cách ăn uống của người Mỹ năm 2021.
Khát vọng nâng tầm cà phê Việt trên trường quốc tế
Hiện tại, Nguyen Coffee Supply đang tập trung củng cố sự hiện diện tại thị trường Mỹ, nhưng Sahra cho biết cô và đội ngũ của mình có thể nhắm đến các nước châu Âu hoặc châu Á, để mang thương hiệu, sứ mệnh, câu chuyện và các sản phẩm cà phê của Việt Nam đến với nhiều người hơn.
“Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam lớn nhất trên thế giới. Trong vài năm tới, chúng tôi muốn tiếp tục tập trung vào việc đưa cà phê Việt Nam đến với ngày càng nhiều người ở Mỹ hơn, và khiến nó trở nên dễ tiếp cận hơn. Vì vậy, đó là lý do tại sao sản phẩm cà phê lon dễ uống dễ thành công. Vì vậy, chúng tôi muốn mở rộng phạm vi bán lẻ của mình thông qua đồ uống pha sẵn”.
Tuy nhiên, cô cũng chia sẻ rằng trong tương lai, Nguyen Coffee Supply sẽ có thêm nhiều dòng sản phẩm như cà phê gói, hạt cà phê, cà phê lon, cà cả các “phin” để chia sẻ văn hóa cà phê tới người tiêu dùng.
“Chúng tôi muốn trở thành một nền tảng cho tất cả sự phát triển bao gồm các sản phẩm mới, sự đổi mới, trải nghiệm khác biệt”, cô chia sẻ.
Bên cạnh đó, công ty của nữ doanh nhân trẻ gốc Việt cũng nỗ lực để tăng cơ hội kinh tế cho nông dân Việt Nam bằng cách hợp tác với họ để cải thiện sản xuất và chuyển đổi đất từ canh tác thương mại sang canh tác cao cấp.