August 2, 2023
Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho báo Đất Việt, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, ông mở kênh YouTube để “đưa tin một cách tự do cho công chúng biết về những vụ án oan liên quan đến chính trị, tôn giáo… mà tôi đã từng tham gia bào chữa.”
Hơn một tháng sau khi bất ngờ xuất hiện tại Mỹ trong lúc đang bị công an tỉnh Long An “truy tìm” vì “tội” dám bảo vệ những người ở Tịnh thất Bồng Lai, Luật sư Đặng Đình Mạnh phát triển kênh YouTube “Tiếng Nói Dân Oan – Manh Dang” như một cách “tiếp tục lên tiếng vì món nợ công lý cho hàng trăm dân oan, những người đã kiên cường trong các phiên tòa xét xử họ”.
Kênh này hiện đã thu hút 12.000 lượt đăng ký trong vòng nửa tháng.
Luật sư Đặng Đình Mạnh trả lời phỏng vấn của báo Đất Việt hôm 2/8:
Những thách thức mà luật sư có thể lường trước khi bắt tay làm kênh YouTube “Tiếng Nói Dân Oan – Manh Dang”?
Luật sư Đặng Đình Mạnh: Trước đây, khi còn ở trong nước, tôi vẫn từng mong có thể thông tin một cách tự do cho công chúng biết về những vụ án oan liên quan đến chính trị, tôn giáo… mà tôi đã từng tham gia bào chữa.
Nay điều mong mỏi đó đã thành sự thật, cho nên, tôi phải tận dụng ngay cơ hội đó bằng cách làm kênh YouTube “Tiếng Nói Dân Oan-Mạnh Dang”.
Thách thức duy nhất đối với tôi không phải là đề tài hay nội dung mà là kỹ thuật, vì tôi hoàn toàn là “lính mới” trong thế giới YouTube nên cần phải học hỏi nhiều.
Từ một luật sư chuyển sang làm YouTuber phân tích về luật, pháp lý, dân oan, phải chăng là bước chuyển chẳng đặng đừng hay sự thích nghi của ông trong hoàn cảnh mới khi ở Mỹ?
Là sự thích nghi. Vì tôi không hề lường trước mình sẽ cư trú và làm YouTube tại Mỹ. Nhưng may mắn, tôi đã rất thích thú với công việc này và được công chúng đón nhận nhanh chóng. Các số liệu thống kê của YouTube cho thấy kênh phát triển rất tích cực.
Nếu còn ở Việt Nam, ông có nguy cơ trở thành luật sư oan khi dính vào vòng lao lý? Ông có dự định làm clip kể lại hành trình của chính ông từ sau lúc bị công an tỉnh Long An “truy tìm” cho tới khi bất ngờ sang Mỹ?
Lúc này, vẫn còn khá nhiều điều chưa tiện để chia sẻ công khai. Duy nhất, tôi chỉ có thể nói một điều rằng tôi vào Mỹ bằng chuyến bay khởi hành từ Bangkok, Thái Lan, chứ không phải từ trong nước như đồn đoán của nhiều người.
Hiện tại, dường như cả Facebook và YouTube (thuộc sở hữu của Google) đang chịu sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền Việt Nam về việc gỡ bài, video clip “xấu độc”, cũng như một số tài khoản, kênh bị hạn chế hiển thị tại thị trường Việt Nam. Ông có lo nguy cơ kênh của mình sẽ bị áp đặt điều này một khi thu hút được lượng người đăng ký đáng kể?
Tôi cũng có nỗi e ngại chung như các YouTuber khác khi chọn nội dung phản ánh trên YouTube về chính trị, luật pháp và xã hội trong nước. Vì nếu nói thật, chắc chắn sẽ không làm chính quyền Việt Nam hài lòng.
Ông có thể chia sẻ dự định tương lai của ông trên đất Mỹ?
Tôi có một số dự định, nhưng đang cân nhắc thêm về tính khả thi nên chưa tiện chia sẻ.
Công việc trước mắt của tôi là củng cố kênh YouTube để thông tin cho đồng bào trong và ngoài nước biết điều gì đã từng diễn ra đối với nền tư pháp Việt Nam.
Định Tường