Pháp và EU lên án Nga \”cố tình\” gây nguy hiểm cho an ninh lương thực toàn cầu

Nga bị Pháp lên án « cố tình » gây bất ổn lương thực trên thế giới sau khi oanh kích các cảng và kho ngũ cốc ở vùng Odessa, miền nam Ukraina, ngày 02/08/2023, phá hủy khoảng 40.000 tấn ngũ cốc. Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu cảnh báo các nước đang phát triển rằng Nga đề xuất tặng ngũ cốc nhằm « tạo ra những phụ thuộc mới và làm trầm trọng tình trạng bấp bênh về kinh tế và mất an ninh lương thực toàn cầu ».

Đăng ngày: 03/08/2023

\"Ảnh
Ảnh minh họa : Lúa mì trên một cánh đồng ở vùng Zaporijjia, Ukraina, ngày 04/07/2023. © Reuters – Alexander Ermochenko

Thu Hằng

Trong thông cáo ngày 02/08, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Pháp Anne-Claire Legendre lên án việc Nga « cố tình » đánh phá « các công trình hạ tầng trọng yếu » cho xuất khẩu ngũ cốc cho thấy Matxcơva « chỉ tìm lợi ích riêng mà không màng đến những dân tộc bị khó khăn nhất, bằng cách làm tăng giá nông phẩm, cố tình cản trở một trong những đối thủ xuất khẩu nông phẩm của họ », ý muốn nói đến Ukraina. Pháp khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ lương thực cho « những nước bị tác động nặng nhất về an ninh lương thực do cuộc xâm lược của Nga gây ra ».

Trước đó, Liên Hiệp Châu Âu cũng cam kết tương tự và khẳng định khối 27 nước « sẽ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực bền bỉ » của Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để tái khởi động thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell kêu gọi các nước đang phát triển và thành viên nhóm G20 cùng có « tiếng nói rõ ràng và đoàn kết » để buộc Matxcơva trở lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen.

Trong thư gửi đến những nước này hôm 31/07, ông Borrell cáo buộc Nga « tiếp cận các nước đang gặp khó khăn bằng những đề xuất song phương bán ngũ cốc giá rẻ » và tự nhận là « giải quyết vấn đề » mà thực chất « do chính họ gây ra ». Đây là « một chính sách đáng xấu hổ, cố tình dùng thực phẩm làm vũ khí để tạo ra sự phụ thuộc mới, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu ».

Bức thư được hãng tin Anh Reuters tham khảo hôm 02/08 sau khi ông Borrell chia sẻ bức thư này với các đồng nghiệp châu Âu nhằm « chống lại thông tin sai lệch của Nga về an ninh lương thực toàn cầu và tác động các lệnh trừng phạt của Liên Âu ».

Ngày 02/08, giáo hoàng Phanxicô, trong bài diễn văn đầu tiên tại Ngày Giới trẻ Thế giới diễn ra ở Lisboa, đã kêu gọi châu Âu « xây dựng cầu nối » cho hòa bình ở Ukraina và không biết châu Âu « sẽ đi về đâu nếu không đề xuất được tiến trình hòa bình, những con đường sáng tạo để chấm dứt chiến tranh ở Ukraina ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment