Mỹ hối thúc quốc tế gia tăng áp lực buộc Nga trở lại thỏa thuận Biển Đen

Hoa Kỳ hôm qua, 03/08/2023, với tư cách chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An, cáo buộc Nga dùng việc rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen như một phương tiện ‘‘bắt chẹt’’. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi: ‘‘mỗi thành viên Hội Đồng Bảo An, mỗi thành viên Liên Hiệp Quốc cần nói với Nga rằng như thế là đủ’’.

Đăng ngày: 04/08/2023

Workers load grain at a grain port in Izmail, Ukraine, April 26, 2023.
Workers load grain at a grain port in Izmail, Ukraine, April 26, 2023. AP – Andrew Kravchenko

Trọng Thành

Washington, đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên kể từ ngày 01/08, coi cuộc chiến chống tình trạng mất an ninh lương thực là mục tiêu ưu tiên, đặc biệt là mất an ninh lương thực do các xung đột vũ trang. Trả lời đài truyền hình ABC, ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington đang chuẩn bị một tuyên bố chung ‘‘lên án việc sử dụng lương thực như một vũ khí chiến tranh’’, hiện đã được 91 quốc gia ký tên. 

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hôm qua tổ chức họp báo trực tuyến, với đối tượng chính là các nước châu Phi. Mục tiêu là để phản bác các tuyên truyền của điện Kremlin.

Thông tín viên Claire Bargelès từ Johannesbourg cho biết cụ thể:

Trong thời gian một năm áp dụng, thỏa thuận ngũ cốc này đã cho phép xuất khẩu 33 triệu tấn ngũ cốc từ Ukraina qua Biển Đen, nhưng theo điện Kremlin, ngũ cốc xuất khẩu này không đến được các quốc gia có nhu cầu.Bà Isobel Coleman, phó giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) bác bỏ luận điểm này. Theo bà, ‘‘65% số ngũ cốc này đã được chuyển đến các nước đang phát triển và 20% được chuyển trực tiếp đến các nước nghèo nhất. Thêm vào đó, bằng cách gạt Ukraina, một trong những vựa ngũ cốc quan trọng nhất trên thế giới, ra khỏi thị trường, Nga đang đẩy giá lương thực lên cao.

Phó giám đốc USAID Isobel Coleman cũng nhắc lại rằng trái ngược với những gì Matxcơva nói, xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga không bị trừng phạt và ngành nông nghiệp Nga chính là bên hưởng lợi chủ yếu, khi chấm dứt thỏa thuận này.

Nhưng Nam Phi, cũng như các quốc gia khác thuộc nhóm các nước châu Phi tham gia thương lượng hòa bình cho Ukraina, đang kêu gọi Liên Hiệp Quốc lắng nghe các yêu cầu của điện Kremlin. Ông Vincent Magwenya, người phát ngôn của phủ tổng thống Nam Phi nói: ‘’Các nhà lãnh đạo đã kêu gọi các biện pháp cụ thể để chấm dứt những trở ngại cản trở xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.Đặc biệt, họ đang yêu cầu hành động để giải phóng 200.000 tấn phân bón của Nga, đang bị chặn tại các cảng của Liên Hiệp Châu Âu’’.

Tuy bất đồng, Nam Phi và Hoa Kỳ đều nhất trí ở một điểm: Lời hứa của Nga về việc tặng ngũ cốc cho 6 quốc gia châu Phi không phải là một giải pháp lâu dài’’.

Trong cuộc họp báo hôm qua, USAID – dẫn lại số liệu của chính quyền Ukraina – cho hay quân đội Nga đã phá hủy tổng cộng 180.000 tấn ngũ cốc trong thời gian hơn một tuần lễ, sau khi rút khỏi thỏa thuận Biển Đen. Số lượng ngũ cốc đủ nuôi 12 triệu người trong vòng một tháng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment