Lần đầu tiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/OMS) dành riêng một hội nghị cho các môn y học cổ truyền. Hội nghị hai ngày khai mạc hôm nay, 17/08/2023, tại Gandhinagar, bang miền tây Gurajat, Ấn Độ. Đây là quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy thừa nhận các môn y học cổ truyền.
Đăng ngày: 17/08/2023
Theo AFP, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus, công nhận là về nguyên tắc các nền y học cổ truyền cho phép lấp được khoảng trống trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế của người dân. Tuy nhiên, theo lãnh đạo WHO, các môn y học cổ truyền chỉ có giá trị nếu ‘‘được sử dụng một cách phù hợp, hiệu quả, và trên hết là dựa trên các bằng chứng khoa học đáng tin cậy, mới nhất’’. Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định các thảo luận về vấn đề này sẽ cho phép giới chính trị và giới khoa học ‘‘đi đến một cam kết chung và một định hướng hành động dựa trên các bằng chứng khoa học’’.
Hội nghị của WHO diễn ra bên lề hội nghị các bộ trưởng Y Tế khối G20, mà Ấn Độ là chủ tịch luân phiên. Hội nghị mở màn hôm nay, diễn ra sau việc thành lập ra một Trung tâm Y học cổ truyền của WHO tại Jamnagar, cũng thuộc bang Gurajat, Ấn Độ. Hội nghị về các môn y học cổ truyền của WHO dự kiến sẽ được tổ chức hàng năm. Trong dịp mở màn hội nghị của WHO về y học cổ truyền năm nay, có phần quảng bá cho môn Yoga như một hoạt động có lợi cho sức khỏe, cho phép hóa giải ‘‘stress và hận thù’’, và do đích thân thủ tướng Ấn Độ Narendre Modi chủ trì, thông qua băng video ghi trước.
Y học cổ truyền rất đa dạng và phong phú. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, y học cổ truyền là tập hợp ‘‘các tri thức, khả năng, và thành thực hành dựa trên các lý thuyết, niềm tin và kinh nghiệm riêng với mỗi nền văn hóa, có thể giải thích được hay không. Những tri thức, khả năng, hay thực hành này có thể được sử dụng để duy trì sức khỏe, để phòng ngừa bệnh tật, để chẩn đoán, cải thiện hay điều trị nhiều các bệnh về thể chất và tâm thần’’.
Hiện tại, 170 quốc gia trên tổng số 194 thành viên của Liên Hiệp Quốc sử dụng các môn y học cổ truyền, hay ‘‘y học bổ sung’’, tính từ năm 2018. Tuy nhiên, chỉ có 124 nước có luật hay quy định về việc sử dụng cây thuốc, và chỉ mới có một nửa trong số các nước có một chính sách quốc gia về lĩnh vực này.