Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.08.18
Các nghệ sĩ biểu diễn dưới màn hình chiếu hình Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945. Buổi biểu diễn thực hiện ở Hà Nội năm 2009 nhân kỷ niệm 64 năm ngày Quốc khánh Việt Nam và 40 năm ngày mất ông Hồ Chí Minh
Sớm hay muộn sẽ đến lúc Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam phải thực hiện ‘quyền tự do dân chủ thực sự’ cho người dân Việt Nam, một nhà nghiên cứu lịch sử từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói với Đài Á Châu Tự Do trong dịp chính quyền và ĐCSVN đánh dấu tròn 78 năm cuộc Cách mạng tháng Tám với sự kiện cướp cướp chính quyền hôm 19/8/1945 đưa những người cộng sản lên nắm quyền lực ở Việt Nam.
“Nếu như Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục cách mà các nhà lãnh đạo của họ đang làm, tức là mỗi một kỳ Đại hội Đảng, rồi sau đó là kỳ bầu cử Quốc hội vẫn cứ nói với người Việt Nam là bầu cử ‘tự do, dân chủ, ngày hội non sông’ v.v…, thì thực sự là nhận thức của người Việt Nam ngày nay không còn phải là của người Việt Nam mấy chục năm về trước,” nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh từ Khoa sử, Đại học KHXH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nói với RFA Tiếng Việt hôm 18/8/2023.
“Kể từ khi xã hội Việt Nam bắt đầu hội nhập với nền kinh tế thế giới, bắt đầu thực hiện điều được gọi là kinh tế thị trường, và nhất là bắt đầu vào thời Tổng Bí thư ĐCSVN Lê Khả Phiêu đồng ý cho Việt Nam có mạng Internet, thì nguồn thông tin đa chiều đã tràn vào Việt Nam, và người Việt Nam hiện nay không phải như người Việt Nam cách đây mấy chục năm, cho nên họ biết dân chủ tự do thực sự là gì, cũng như ‘dân chủ tự do’ mà không phải thực sự là gì. Thành thử ra tôi nghĩ sớm hay muộn, nếu như ĐCSVN không thực hiện một quyền dân chủ tự do thực sự cho người dân Việt Nam, thì đó sẽ là một vấn đề mà ĐCSVN phải đối mặt.”
Mâu thuẫn và xung đột xã hội – thách thức hàng đầu
Giải thích thêm quan điểm này của mình về điều được ông coi là ‘thách thức hàng đầu’ này với ĐCSVN, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Sinh đề cập đến những phạm trù mà ông nhấn mạnh mang tên là ‘mâu thuẫn’ và ‘xung đột’ xã hội, ông nói:
“Tôi nghĩ là tầng lớp trung lưu Việt Nam ngày càng nhiều lên, những tầng lớp hữu sản ngày càng nhiều lên và chính theo mô hình của chủ nghĩa Marxism, chứ tôi không nói xa sang mô hình khác, tầng lớp ấy sẽ đòi hỏi tự do dân chủ và họ không thể nào chấp nhận một bộ phận mà không tạo ra một sản phẩm kinh tế như là tầng lớp doanh nhân, giới chủ, và những người tầng lớp trung lưu và trên trung lưu, là những người tạo ra của cải, trong khi đó một bộ phận chuyên nghiệp nắm chính quyền chỉ thuần làm chính trị thôi mà không tạo ra sản phẩm cho xã hội mà mọi người nhìn thấy được, thì chuyện đó sẽ tạo mâu thuẫn xã hội, mà mâu thuẫn đó sẽ phải giải quyết. Và nếu ĐCSVN không nhìn thấy mâu thuẫn đó, thì đảng sẽ gặp phải vấn đề mà chính học thuyết Marxism đã chỉ ra, chứ không phải là các học thuyết của giai cấp tư sản.
Chính là mâu thuẫn hàng đầu hiện nay ở trong xã hội Việt Nam, một nền kinh tế thị trường như chúng ta đang thấy hiện nay ở Việt Nam đòi hỏi một sự tương dung với nó về mặt cấu trúc xã hội, nó là nền tảng vật chất của xã hội Việt Nam hiện nay, nó là kinh tế thị trường tự do, cạnh tranh theo luật pháp. Thế thì tương xứng với nó phải là một nền quản trị xã hội tương xứng như là ở những nước dân chủ tự do mà chúng ta thấy, còn nếu chúng ta (Việt Nam) cứ duy trì chế độ độc đảng và một sự quản trị xã hội không có thay đổi nhiều so với mô hình của chính quyền Xô Viết trước đây, thì nó tạo ra một sự mâu thuẫn mà không có cách nào giải quyết được, nếu như vẫn cứ duy trì như thế này, và tất nó sẽ dẫn đến một xung đột xã hội mà theo tôi nghĩ mà đến một thời kỳ trầm trọng nhất, thì tự nó phá hủy nó tự hủy.”
‘Tư tưởng Phan Châu Trinh trong bối cảnh mới và đời thường’
Cũng từ Hà Nội, hôm 18/8/2023 Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể) chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do góc nhìn của ông về điều gì mà ông cho là cần thiết để Việt Nam, sau 78 năm cuộc cướp chính quyền và Cách mạng tháng Tám của những người cộng sản, có thể hướng tới một tương lai dân chủ hóa tốt đẹp hơn cho đất nước, ông nói:
“Tôi nghĩ nếu người dân Việt Nam, tôi không nói là tất cả, nhưng phải là số đông, tức là bây giờ chúng ta có gần 100 triệu người, trừ trẻ con ra thì còn khoảng chừng 50 triệu người trưởng thành, và nếu trong số người trưởng thành này mà có 30 hay 40 triệu người hiểu được những điều mà thực sự lặp lại những tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh, tức là cố gắng làm giàu cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho công ty của mình, cho cộng đồng của mình, và đấy là cách làm giàu cho cả đất nước này, phải học hành làm sao cho bản thân mình, con cháu mình học hành được tốt, được nghiêm túc, học đi đôi với hành, không phải họ để lấy điểm, mà là học để trở thành người tự do, và đoàn kết với nhau, hoạt động trong hoạt động cộng đồng từ hội đồng hương trở đi cho đến hội đồng tuế, cho đến hội cùng học với nhau, cho đến các tổ chức như bảo vệ môi trường, hay là giữ gìn vệ sinh công cộng, hay là để chỉ làm giảm việc những người lái xe Việt Nam đi trên đường đừng bóp còi nữa, không phải học ai nữa, đi sang Lào và Campuchia, thấy người ta văn minh gấp ngàn lần mình – các lái xe Việt Nam, tại sao phải vội mà đi một tí là phải bóp còi inh ỏi lên, gây ô nhiễm môi trường. Chỉ cần vận động một ông lái xe ít bóp còi đi, đấy là việc tham gia vào dân chủ hóa ở Việt Nam đó, không có gì cao xa cả.
Cứ tiếp tục như thế. Những quyền mà ghi vào trong Hiến pháp của chúng ta, thì chúng ta phải bảo ‘đây là quyền của chúng tôi’, các ông từ trước đến nay tự nhiên ngăn cản chúng tôi, thì bây giờ ‘xin lỗi các ông, các ông không được ngăn cản nữa, bởi vì các ông làm như thế là vi hiến!’ Với tinh thần như thế, gây sức ép, nhưng cũng bày ra cách cho người ta rằng ‘phải làm thế này mới đúng’. Và trên tinh thần mục tiêu chung, nếu họ nói mục tiêu chung của họ là ‘dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, thì người dân Việt Nam rất rất nên hoan nghênh mục tiêu ấy. Và cố gắng bảo họ (chính quyền) rằng ‘Nhất trí, chúng tôi làm theo cái đó. Chúng tôi cũng chỉ xin là các vị cũng làm theo mục tiêu ấy, còn nếu các vị làm sai, thì chúng tôi phải nói. Chúng tôi phải tranh luận, chúng tôi phải bảo các ông là các ông làm sai!’ v.v…”
‘Tìm ra mẫu số chung và viễn cảnh dân chủ hóa xán lạn’
TSKH Nguyễn Quang A cũng đưa ra lời giải thích quan điểm và tiếp cận này của ông, ông nói:
“Tức là tìm ra những mẫu số chung lớn nhất của những người dân ở đất nước này, mà tôi mới nói sơ bộ vài thứ, có rất nhiều điểm chung mà chúng ta hoàn toàn không đối nghịch với nhau và hãy thực hiện tốt những điểm chung ấy, ai mà thực hiện không tốt, thì chúng ta góp ý, đôi khi chúng ta ‘mắng’, đôi khi chúng ta ‘chửi’, đôi khi chúng ta nói hơi khó nghe, nhưng cuộc đời là như vậy, và nếu làm như thế, tôi nghĩ rằng tương lai của Việt Nam sẽ vô cùng xán lạn.”
Còn từ góc nhìn của mình, từ Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng trên quan điểm cá nhân, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Sinh bình luận thêm với RFA:
“Tôi hy vọng tầng lớp trung lưu Việt Nam ngày càng nhiều lên, ngày càng ý thức được một xã hội dân chủ thực sự tạo điều kiện, là nền tảng cho sự phát triển của xã hội Việt Nam trong tương lai, và khi có một sự tương tác, một nhu cầu buộc phải thực hiện đặt ra bởi cả hai phía, là phía người dân bên dưới và phía tầng lớp lãnh đạo bên trên, tôi hy vọng đến lúc ấy nền kinh tế Việt Nam phát triển đến mức nhất định, thì xã hội Việt Nam sẽ thay đổi theo hướng tốt, chiều hướng tích cực, đó là thực hiện một xã hội dân chủ thực sự cho Việt Nam.”
“Việt Nam sẽ có một nền báo chí tự do, tự do ngôn luận, xã hội dân sự phát triển và có một Hiến pháp thực sự của dân, do dân, vì dân và có những vấn đề quan trọng của đất nước thì sẽ được phúc quyết bởi người dân. Đương nhiên khi xã hội Việt Nam có dân chủ, dân chủ thực sự, thì nhân quyền sẽ đi theo đó và pháp quyền cũng đi theo đó,” nhà nghiên cứu nói với Đài Á Châu Tự Do trong dịp ĐCSVN đánh dấu tròn 78 năm ngày ‘cướp chính quyền’ và Cách mạng tháng Tám năm nay.