2023.08.18
Dự toán chi ngân sách qua các năm 2021, 2022 và 2023.
Trong ba năm liên tục gần đây, Dự toán chi ngân sách cho Bộ Công an luôn cao thứ hai, chỉ sau Bộ Quốc phòng và gấp hơn chục lần so với Bộ Giáo dục và Y tế.
Ưu tiên cho công an
Theo số liệu do Bộ Tài chính công bố, năm 2021, dự toán chi ngân sách cho Bộ công an là khoảng 96 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 10 lần Bộ y tế (khoảng 9,1 ngàn tỷ đồng) và Bộ giáo dục là 7,1 ngàn tỷ đồng.
Năm 2022, Bộ Công an được phân bổ số tiền 95,5 ngàn tỷ đồng và tăng lên gần 100 ngàn tỷ đồng trong năm nay.
Trong khi đó, vào những năm dịch bệnh COVID hoành hành ở Việt Nam, số tiền Bộ Y tế được phân bổ nhiều nhất cũng chỉ hơn 11 ngàn tỷ đồng vào năm 2022.
Dự toán ngân sách nhà nước là việc hoạch định nguồn thu và nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước, thường được lập vào một năm trước. Trên Cổng thông tin Công khai ngân sách Nhà nước (theo RFA ghi nhận) không có báo cáo số liệu về số tiền chi ngân sách nhà nước cụ thể cho Bộ Công an qua từng năm.
“Lá chắn” bảo vệ chế độ
Từ nước Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định, sở dĩ ngân sách phải chi một số tiền cao ngất ngưỡng cho Bộ máy công an cồng kềnh là bởi công an là “thanh gươm, lá chắn” bảo vệ chế độ. Ông nói:
“Chính quyền Việt Nam luôn luôn coi lực lượng công an và quân đội là “thanh kiếm và lá chắn” bảo vệ chế độ, cho nên phải chi tiền cho những lực lượng này…
Cho dù có thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì việc cung cấp cho những lực lượng bảo vệ chế độ luôn luôn là ưu tiên số một. Trong khi đó, họ coi thường hoặc không chú trọng bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.”
Đồng quan điểm, một cựu nhà báo hãng tin Reuters, từng có hơn 30 năm viết về tình hình Trung Quốc và Việt Nam, yêu cầu được giấu danh tính cho biết các chính quyền độc tài như Trung Quốc hay Việt Nam buộc phải chi rất nhiều tiền cho bộ máy công an, bởi sự tồn vong của chế độ phụ thuộc rất lớn vào lực lượng này:
“Các chế độ độc tài như Trung Quốc và Việt Nam, chính quyền phụ thuộc vào công an để đảm bảo sự độc tôn quyền lực của Đảng.
Hệ thống công an ở những quốc gia như vậy giám sát và đàn áp các hoạt động của công dân, trí thức, học giả, người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động, giới truyền thông, tổ chức phi chính phủ và bất kỳ ai thách thức sự cầm quyền của đảng.”
Công an càng đông, càng ít tự do?
Trên trang web chính thức của Bộ Công an, một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng này được nói rõ là “bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội…”
Theo nhà báo giấu tên, một quốc gia càng chi nhiều tiền cho công an thì không hẳn tình hình an ninh, trật tự xã hội của nước đó được đảm bảo hơn, mà thực tế cho thấy điều ngược lại:
“Qua hàng chục năm viết báo về Trung Quốc và theo dõi tin tức về Việt Nam, tôi thấy rằng các tổ chức như Bộ Công an trên thực tế còn gây nguy hiểm cho an ninh và trật tự xã hội.”
Nhà báo này dẫn chứng, ở Trung Quốc, hai đợt dịch bệnh SARS năm 2002-2003 và COVID vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã sử dụng bộ máy an ninh để kiểm duyệt tất cả phương tiện truyền thông, không cho đưa tin về vấn đề này, đồng thời hạn chế các thảo luận trên Internet. Qua đó, người này nói tiếp:
“Điều này làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Rất nhiều người đã chết do dịch bệnh mà nguyên nhân là do chính phủ Trung Quốc đã ngăn chặn tất cả các cuộc thảo luận về vấn đề này.”
Đối chiếu về Việt Nam, điều tương tự cũng đã xảy ra. Nhà báo này nêu ví dụ về việc chính quyền đã hạn chế người dân thảo luận về vấn đề môi trường, dẫn đến kết quả là ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Ông dẫn chứng thêm:
“Trong vài năm qua, Chính phủ Việt Nam còn sử dụng các cáo buộc gian lận thuế để bịt miệng và bỏ tù các chuyên gia nổi tiếng về môi trường.
Nói chung, ở cả Việt Nam và Trung Quốc, người dân không thể lên tiếng về bất kỳ vấn đề đáng quan ngại nào. Điều đó làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn và nhiều người phải gánh chịu hậu quả hơn.
Sự phớt lờ của người dân không bao giờ là nhân tố tích cực mà nó chỉ giúp ích cho đảng cầm quyền.”
Ngoài ra, nhà báo giấu tên cho biết, lực lượng công an đông đảo càng làm cho các quyền tự do cơ bản của công dân bị siết chặt hơn:
“Minh chứng là lực lượng an ninh luôn giám sát và đàn áp tín đồ của các tôn giáo, đặc biệt là thành viên của các nhóm tôn giáo không đăng ký với chính quyền.
Công an cũng mạnh tay ngăn chặn mọi biểu hiện chống đối công khai, chẳng hạn như biểu tình trên đường phố. Trong những năm gần đây, công an đã ngăn cản người Việt Nam biểu tình bảo vệ môi trường hay thậm chí phản đối các hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.”
Đảng được bảo vệ, nạn nhân là ai?
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định ngoài tiền đóng thuế, chính sức khoẻ và tính mạng của người dân là cái giá phải trả cho một nhà nước “công an trị” như Việt Nam:
“Hậu quả là tính mạng sức khỏe của người dân không được đảm bảo. Rõ ràng chính sách công an trị không ưu tiên bảo vệ người dân. Lượng công an chi tiêu đồng tiền thuế của người dân nhưng họ không giúp ích được gì cho người dân cả.”
Với nhà báo giấu tên, ở một quốc gia “công an trị” như Việt Nam, mọi tiếng nói độc lập bị dập tắt và các vấn đề liên quan đến quốc gia bị bỏ mặc. Nhiều thông tin vị kiểm duyệt, bưng bít khiến cho tình hình càng tồi tệ hơn:
“Chúng ta có thể thấy xu hướng nguy hiểm này diễn ra đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe quốc gia và các thách thức về môi trường.
Chừng nào cảnh sát còn cố gắng bịt miệng tiếng nói của người dân và các chuyên gia, thì không thể đạt được tiến bộ. Đảng có thể được bảo vệ, nhưng toàn xã hội sẽ là nạn nhân.”