Hãng tin Anh Reuters, ngày 22/08/2023, dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết các công ty sản xuất nam châm Hàn Quốc và Trung Quốc, trong đó có một công ty cung ứng cho Apple, chuẩn bị mở nhà máy tại Việt Nam do những áp lực kiểm soát đất hiếm của Bắc Kinh.
Đăng ngày: 22/08/2023
Cụ thể, hãng Star Group Industrial (SGI) của Hàn Quốc, cũng là bên cung cấp nam châm cho hãng sản xuất xe điện Vinfast của Việt Nam và Hyundai Motor của Hàn Quốc, cho biết đang đầu tư 80 triệu đô la xây dựng một nhà máy mới ở Việt Nam và dự kiến đi vào sản xuất năm 2024. SGI hy vọng tăng gấp đôi sản lượng, lên đến 5.000 tấn nam châm cao cấp vào năm 2025, đủ để cung cấp cho hai triệu xe điện, so với mức hiện tại là 3.000 tấn/năm từ các nhà máy ở Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tương tự, tập đoàn Baotou INST của Trung Quốc, chuyên sản xuất nam châm cho thiết kế mạch điện tử và cũng là nhà cung ứng linh kiện cho hãng Apple, dự trù mở rộng nhà xưởng sang Việt Nam. Tuy nhiên, theo một nguồn thạo tin, khoản đầu tư ban đầu của INST giới hạn ở mức vài triệu đô la. Mức đầu tư có thể sẽ được tăng nhiều hơn trong giai đoạn thứ hai với việc xây dựng nhà máy riêng cho hãng.
Giải thích với Reuters, SGI của Hàn Quốc cho rằng đây là một phần của « biện pháp đối phó » trước việc Trung Quốc siết chặt chính sách kiểm soát xuất khẩu nguyên liệu thô và công nghệ liên quan đến đất hiếm, có nguy cơ dẫn đến tình trạng bất ổn về nguồn cung.
Về phần mình, INST nêu lên áp lực từ khách hàng, yêu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung gia tăng. Reuters dẫn hai nguồn thạo tin xin ẩn danh, cho biết thêm, một hãng khác của Trung Quốc là Magsound cũng quyết định mở nhà máy tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2024.
Hãng tin Anh lưu ý, SGI và INST là những hãng mới nhất nằm trong số nhiều doanh nghiệp sản xuất nam châm khác đã mở thêm nhà xưởng ở Việt Nam.
Ngoài việc có chi phí lao động thấp, khả năng tiếp cận thị trường cao nhờ vào nhiều hiệp định tự do thương mại, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm chưa được khai thác cao chỉ sau Trung Quốc cũng như ngành công nghiệp khai thác chế biến còn non trẻ. Với những tiềm năng này, Việt Nam có thể trở thành đối thủ cạnh tranh lớn.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ Adamas Intelligence được bộ Năng lượng Hoa Kỳ trích dẫn, sản xuất nam châm của Việt Nam chỉ chiếm có 1% trên thế giới, trong khi Trung Quốc là 92%.
Sản xuất nam châm có một vị trí chiến lược quan trọng vì đây là một linh kiện thiết yếu cho việc sản xuất xe điện, tua-bin gió, vũ khí và điện thoại thông minh.