RFA
2023.08.23
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và logo tờ Taz
Tổ chức Phóng viên Không Biên (RSF) giới hôm 22 tháng 8 ra thông báo tuyên bố phá bỏ thành công bức tường lửa mà Việt Nam dựng lên để chặn truy cập đối với tờ báo Taz.
Trước đó, chính tổ chức này đã cáo buộc chính quyền Việt Nam chặn báo Taz sau khi tờ báo của Đức này đăng tin chính quyền quốc gia Đông Nam Á muốn bắt cóc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đang bị truy nã và bị xử vắng mặt với bản án 30 năm tù giam vì tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ
Trong diễn biến mới nhất, tổ chức chuyên đấu tranh cho tự do báo chí công bố họ đã giúp tờ báo của Đức thoát được tường lửa của Việt Nam, bằng cách sử dụng công nghệ “Operation Collateral Freedom”.
Cụ thể, dựa vào loại công nghệ này, tổ chức Phóng viên Không biên Giới đã tạo ra một phiên bản sao của trang web của tờ báo Taz, sau đó sử dụng dịch vụ Content Delivery Network, là một dạng trung tâm dữ liệu thường do các đại công ty cung cấp, để phát tán bản sao trên.
Theo tổ chức này, trong trường hợp cơ quan chức năng Việt Nam chặn bản sao trang web của tờ Taz, họ sẽ đồng thời phải chặn tất cả các trang web đang sử dụng dịch vụ của trung tâm dữ liệu trên.
Có nghĩa là Việt Nam sẽ phải chặn rất nhiều trang web, trong đó có thể có cả những trang web quan trọng đối với người dùng ở trong nước.
Trong thông cáo báo chí được đưa ra hôm 22 tháng 8, bà Helene Hahn, người phụ trách vận động cho tự do internet, của tổ chức Phóng viên Không Biên giới chi nhánh ở Đức, cho biết:
“Chế độ ở Việt Nam đang đàn áp một cách có hệ thống các tiếng nói phản biện cả ở trong lẫn ngoài nước, và họ sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau. Chúng tôi cực lực lên án việc chặn trang web taz, điều này cho thấy chế độ Hà Nội lo sợ những hoạt động báo chí điều tra mang tính phản biện.”
Phóng viên RFA hôm 23 tháng 8 nhờ ba người ở các tỉnh thành khác nhau thực hiện kiểm chứng tuyên bố phá tường lửa của tổ chức này, và phát hiện trang web của tờ Taz vẫn không thể truy cập bình thường từ trong nước, một trong số họ phải dùng dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) để có thể truy cập vào.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do trong cùng ngày đã gửi email tới RSF để hỏi về sự việc này, tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam hạng 178 trên 180 quốc gia về mức độ tự do báo chí trong báo cáo Tự do Báo chí Thế giới năm 2023, và thuộc nhóm ba nước có mức độ tự do báo chí thấp nhất thế giới, cùng với Trung Quốc và Triều Tiên là hai quốc gia Cộng sản khác.