Bình luậnAldgra Fredly • 24/08/23
Hôm 22/8, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã gây ngạc nhiên khi bất ngờ vắng mặt tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS ở Nam Phi. Sự vắng bóng của các quan chức hàng đầu Trung Quốc trong các sự kiện cấp cao như vậy được coi là điều ‘bất thường’.
Ông Tập đến Johannesburg vào ngày 21/8 và dự kiến sẽ phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, vì sự vắng mặt của ông Tập nên Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) đã thay ông Tập đọc bài phát biểu.
Trong bài phát biểu, ông Tập đã ngầm chỉ trích Hoa Kỳ khi cáo buộc rằng “một số quốc gia bị ám ảnh bởi việc duy trì quyền bá chủ của mình nên đã tìm mọi cách làm tê liệt các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển”.
Ông Vương đọc từ bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh: “Bất cứ ai phát triển nhanh chóng đều sẽ trở thành mục tiêu ngăn chặn của họ; bất cứ ai bắt kịp sẽ trở thành mục tiêu cản trở của họ”.
Cả ông Vương và Bắc Kinh đều không đưa ra lời giải thích về sự vắng mặt của ông Tập. Trung Quốc là thành viên sáng lập của tổ chức BRICS, cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã dẫn đầu phái đoàn Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể trực tiếp tham dự cuộc họp do lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành với cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine. Tuy nhiên, ông vẫn tham dự hội nghị thông qua liên kết video.
Theo Dự án Phương Nam Toàn cầu Trung Quốc (CGSP), việc ông Tập vắng mặt trong cuộc họp ngày 22/8 là “rất bất thường”. Đây là lần thứ hai một quan chức Trung Quốc bỏ lỡ một sự kiện, sau sự vắng bóng của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương tại hội nghị ngoại trưởng BRICS hồi tháng trước.
CGSP cho biết trên nền tảng truyền thông xã hội X, trước đây gọi là Twitter: “Nói rằng điều này là bất thường hãy còn quá nhẹ, vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc không bao giờ bỏ lỡ những sự kiện được dàn dựng công phu như thế này”.
“Đây là sự vắng mặt bí ẩn thứ hai của [các quan chức] Trung Quốc tại sự kiện BRICS trong năm nay”.
Trước khi bị cách chức, ông Tần Cương cũng không tham dự cuộc họp Ngoại trưởng ở Cape Town ở Nam Phi hồi tháng trước một cách bí ẩn.
Ông Tần Cương bị bãi nhiệm vào ngày 25/7, chỉ 7 tháng sau khi bắt đầu đảm nhiệm chức vụ này và một tháng sau khi biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng. Lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng là vào ngày 25/6, sau khi tiếp đón các Đại sứ đến từ Nga, Sri Lanka và Việt Nam.
Kể từ đó, ông đã bỏ lỡ nhiều cuộc họp quan trọng, trong đó có cuộc họp cấp Ngoại trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Indonesia.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân giải thích rằng ông Tần “có vấn đề về sức khỏe”.
Ông Bonnie Glaser, Giám đốc điều hành Chương trình Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Quỹ Marshall, tỏ ra hoài nghi về sự vắng mặt của ông Tập tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS.
Ông Jorge Guajardo, cựu Đại sứ Mexico tại Trung Quốc, bình luận: “Sự vắng mặt không báo trước này, đặc biệt là trong một diễn đàn đa phương mà Trung Quốc hiếm khi bỏ lỡ, sau tất cả các công việc cơ bản với Ấn Độ, thực sự đáng chú ý”.
CGSP cũng nhấn mạnh rằng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying) đã làm tăng thêm sự nhầm lẫn xung quanh sự vắng mặt của ông Tập khi bà cho rằng lãnh đạo ĐCSTQ “đã có bài phát biểu tại lễ bế mạc” hội nghị thượng đỉnh.
Hôm 23/8, ông Tập đã hội đàm với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và thảo luận về việc phát triển quan hệ Trung Quốc – Nam Phi. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hai nhà lãnh đạo “đã đạt được những hiểu biết chung quan trọng”.
Cuộc gặp của ông Tập là một phần trong chuyến thăm cấp nhà nước kéo dài ba ngày tới Nam Phi, chuyến công du quốc tế thứ hai của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong năm nay. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập đã thông báo với Tổng thống Nam Phi rằng “Trung Quốc sẵn sàng đẩy mạnh trao đổi giữa các đảng phái chính trị và hợp tác về đào tạo”.
Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh BRICS là hội nghị thượng đỉnh kinh doanh đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau đại dịch COVID-19 vào năm 2021.
Hơn 30 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các tổ chức toàn cầu, trong đó có Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, đã tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS. Đây là sự kiện lớn nhất dành cho các quốc gia ở Nam bán cầu, bao gồm Châu Phi, Caribe và Nam Mỹ, cũng như Trung Đông, Tây Á, Nam Á và Đông Nam Á.
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào thời điểm khối BRICS đang tìm kiếm sự phù hợp mới trong bối cảnh đối mặt với cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nền kinh tế đang suy thoái của Nam Phi và sự cạnh tranh gay gắt giữa các gã khổng lồ châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo The Epoch Times
Huyền Anh biên dịch