August 25, 2023
Nhà quan sát nói việc Hà Nội nín lặng trước các hành động của Bắc Kinh ở đảo Tri Tôn có thể là do hệ quả Công hàm 14 tháng 9 năm 1958 do Phạm Văn Đồng ký. Theo nội dung công hàm này, nhà nước VNDCCH mặc nhiên nhìn nhận Trung Quốc có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Bắc Kinh đang tiến hành quân sự hóa đảo Tri Tôn, điều lo ngại lớn nhứt hiện thời, chưa phải là vấn đề an ninh quốc gia, như nhiều học giả đã nói trên báo chí.
Theo tôi, sự “im lặng” của nhà nước CSVN trước việc này mới là chuyện đáng lo.
Theo tập quán quốc tế, sự im lặng của quốc gia trước một vấn đề bắt buộc quốc gia phải lên tiếng, đồng nghĩa với sự “đồng thuận mặc nhiên” của quốc gia trước việc này.
Tức là sự im lặng của Việt Nam trước các hành vi của Bắc Kinh tại đảo Tri Tôn có nghĩa là Hà Nội mặc nhiên nhìn nhận những chuyện Trung Quốc làm tại đảo này là đúng, không có điều gì phản đối.
Việc này đưa đến hệ quả Việt Nam nhìn nhận chủ quyền của Bắc Kinh tại đảo Tri tôn cũng như quần đảo Hoàng Sa.
Điều đáng lo thứ nhì, Hà Nội có thể mất hàng trăm ngàn cây số vuông biển cho Bắc Kinh.
Quần đảo Hoàng Sa bao gồm đảo Tri Tôn. Đảo này ở phía cực Tây quần đảo, do đó đảo ở gần bờ biển Việt Nam so với các đảo khác thuộc nhóm Hoàng Sa.
Bắc Kinh sẽ buộc Việt Nam phân định biển với Trung Quốc theo nguyên tắc “đường trung tuyến”, tính từ đảo Tri Tôn đến bờ biển VN.
Nguyên nhân do đâu mà Hà Nội im lặng?
Theo tôi, có thể là do hệ quả Công hàm 14 tháng 9 năm 1958 do Phạm Văn Đồng ký. Theo nội dung công hàm này nhà nước VNDCCH mặc nhiên nhìn nhận Trung Quốc có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Nếu ta xét nội dung công hàm 17-4-2020 của Trung Quốc gởi Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc Liên Hợp Quốc. Theo đó, Trung Quốc cho rằng CSVN không thể “nói ngược” với những gì mà VNDCCH đã cam kết. Trung Quốc đe dọa “sẽ sử dụng mọi phương tiện” để lấy lại các đảo mà Hà Nội đã “xâm chiếm bất hợp pháp”.
Hà Nội không dám phản đối, vì sợ phạm nguyên tắc “nói ngược”, Trung Quốc sẽ “đánh”.
Vì vậy cái “khó” của Việt Nam hiện thời không phải do VNCH “làm mất Hoàng Sa”.
Khó là do công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng.
Trương Nhân Tuấn