Có thông tin rằng Việt Nam đang quan tâm tới việc mua vũ khí của Nga trong khi Nga cũng hết sức rào đón về việc này. Tuy nhiên, bước đi này có thể vấp phải trừng phạt từ Mỹ – quốc gia mà Việt Nam đang muốn nâng cấp quan hệ lên một tầm cao mới.
Hội nghị an ninh quốc tế Moscow lần thứ 11 (MCIS-11) và Diễn đàn Kỹ thuật-Quân sự quốc tế 2023 (Army 2023) tại Moscow, Liên bang (LB) Nga diễn ra từ 13-17/8 có sự tham dự của 800 đại biểu đến từ 76 quốc gia và sáu tổ chức quốc tế.
Không có nước phương Tây nào tham gia.
Theo truyền thông Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang tham dự hội nghị và đã có cuộc gặp với ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga.
Tướng Giang cũng có buổi làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu ngày 17/8.
Trang Sputnik đưa tin rằng ông Shoigu bày tỏ tin tưởng sự phát triển nền công nghiệp quốc phòng Nga sẽ được ứng dụng vào các lực lượng vũ trang Việt Nam.
Ông Shoigu cũng lưu ý Việt Nam vẫn là đồng minh đáng tin cậy của Nga, là đối tác quan trọng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, và mối quan hệ Nga – Việt Nam mang tính chiến lược.
Ông Shoigu kết luận, “Chắc chắn, sự hợp tác nhiều mặt Nga-Việt đang trong quá trình mang lại lợi ích cốt lõi cho đất nước chúng ta.”
Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VIệt Nam, bà Phạm Thu Hằng, khi được phóng viên hỏi về phát ngôn nói trên của tướng Nga, đã trả lời rằng Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác quốc phòng.
Những trở ngại khi VN mua vũ khí của Nga
Theo GS Carl Thayer từ Đại học New Southe Wales của Úc, Nga tổ chức hội nghị lần này nhằm đẩy lùi liên minh quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo vốn tìm cách cô lập Nga và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế của nước này vì xâm lược Ukraine.
Theo quan điểm của Moscow, sự tham dự của các đại biểu từ 76 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh là bằng chứng cho thấy Nga không bị cô lập trên phạm vi quốc tế.
Con át chủ bài của Nga trong quan hệ với châu Á – Thái Bình Dương là việc bán vũ khí và công nghệ quân sự hiện đại tiên tiến.
Theo GS Carl Thayer, từ khi Nga sáp nhập Crimea, việc Việt Nam mua vũ khí từ Nga giảm nhanh chóng từ hơn một tỷ USD năm 2014 xuống dưới 100 triệu USD vào năm 2021.
Năm 2021, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua chương trình hiện đại hóa lớn nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam dưới khẩu hiệu “Xây dựng quân đội tinh gọn và vững mạnh vào năm 2025 và quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tiên tiến, hiện đại vào năm 2030.” Hai tuần sau khi chương trình hiện đại hóa quân sự được thông qua, Nga xâm chiếm Ukraine.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Việt Nam tạm ngừng mua sắm vũ khí.
GS Carl Thayer nhận định rằng Việt Nam hiện đang ở ngã ba đường.
Việt Nam phụ thuộc vào Nga về vũ khí và quân sự công nghệ quân sự vì di sản khổng lồ của Liên Xô cũ là các tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu đa chức năng, áo giáp, pháo binh và tên lửa.
Có vẻ rõ ràng từ phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu rằng Nga mong Việt Nam sẽ tiếp tục mua vũ khí và công nghệ quân sự của Nga.
Tuy nhiên, Việt Nam đang có kế hoạch nâng cao quan hệ song phương với Hoa Kỳ thành quan hệ đối tác chiến lược. Nếu Việt Nam chọn tham gia thị trường quốc phòng Mỹ thì có nguy cơ bị Trung Quốc gây áp lực buộc Nga phải cắt giảm hỗ trợ quốc phòng hỗ trợ cho Việt Nam.
“Có thể suy đoán rằng áp lực của Trung Quốc đối với Nga hoặc việc Nga tính toán được mức độ rủi ro đã ngăn chặn việc bán tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam,” GS Carl Thayer phân tích.
Nhưng nếu Việt Nam tiếp tục mua sắm vũ khí và công nghệ quân sự với giá trị lớn từ Nga thì nước này có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ trong khuôn khổ Đạo luật Chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt.
Điều này có thể dẫn đến giả định là quan hệ đối tác chiến lược ‘chết yểu’, theo nhận định của GS Carl Thayer.