Thứ Bảy, 26 Tháng Tám 2023
Hai đề tài quan trọng nhất trong hội nghị BRICS là mở rộng để thâu nhận các thành viên mới, và giảm bớt vai trò chế ngự của đô la Mỹ. Hội nghị không đưa ra một quyết định nào cả.
BRICS ghép các chữ đầu trong tên gọi Brazil, Russia (Nga), India (Ấn Độ), China (Trung Quốc) và South Africa (Cộng Hòa Nam Phi), gồm 40% dân số cả thế giới và 26 phần trăm Tổng Sản Lượng toàn cầu. Lãnh tụ năm nước mới tập họp ở Johannesburg, Nam Phi trong ba ngày, gồm Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva (B), Thủ tướng Narendra Modi (I), Chủ tịch Tập Cận Bình (C), Tổng thống Cyril Ramaphosa (S). Đại diện Nga (R) là Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
Tổng thống Vladimir Putin không có mặt vì ông đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) kết tội diệt chủng ở Ukraine. Chính phủ Nam Phi, một thành viên của ICC, vì bổn phận sẽ phải bắt giam ông theo nguyên tắc. Ông Putin đã gửi một video chào mừng, trong đó ông kết án Mỹ và khối NATO gây ra cuộc chiến Ukraine – một điều không ai tin.
Cuộc chiến Ukraine chia rẽ khối BRICS. Ấn Độ và Brazil đã lên án Nga xâm lăng nước láng giềng và kêu gọi đình chiến. Trung Cộng và Nam Phi không ủng hộ nhưng im lặng, đã gửi sứ giả đến thủ đô cả hai nước tìm đường hòa giải.
Tổng thống Nam Phi, đang là chủ tịch của BRICS, đã gửi thư mời 67 lãnh tụ các nước châu Phi, châu Mỹ La tinh và châu Á đến dự kiến, không một nước Âu châu và Bắc Mỹ nào được mời. Ông Ramaphosa phải đem ra bàn một đề tài quan trọng là mở rộng khối BRICS. Hiện nay 22 nước đã chính thức xin gia nhập; trong đó có những nước như Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Bahrain và Ai Cập có thể coi là thân thiện với Mỹ. Có 40 quốc gia ngỏ ý muốn tham dự, như Argentina, Nigeria, và một đối thủ của Mỹ là Iran.
Nga và Trung Cộng rất muốn BRICS thâu nhận các thành viên mới để tăng cường thế lực; vì cả hai đều đang bị cô lập trước những đòn cấm vận của Mỹ, Âu châu, Nhật Bản. Cả hai chế độ độc tài muốn tạo một tổ chức lớn có thể cân bằng với G-7, G-20, là nơi các nước dân chủ tự do chiếm ưu thế. Nhiều viên chức Trung Cộng đã tỏ ý muốn BRICS, với hai nước đông dân nhất thế giới, đối đầu với nhóm G-7, gồm Mỹ, Canada, ba nước Âu châu và Nhật Bản.
Tập Cận Bình đã đăng một bài trên nhiều tờ báo ở Nam Phi, viết rằng Trung Quốc và Nam Phi phải cùng thúc đẩy giúp các nước đang phát triển gia tăng ảnh hưởng trên thế giới. Ông còn tuyên bố ở Johannesburg rằng, “Trung Quốc không bao giờ có máu bành trướng!” Ông không nói đến “máu” mà dùng chữ DNA, hạt giống di truyền. Người Việt Nam nào nghe câu đó cũng phải trợn mắt ngạc nhiên! Dân Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng nghe sẽ nổi giận, dân Mãn Châu, nếu còn sống, phải phát khóc! Thời Trung Quốc thống nhất, 200 trước Tây Lịch, cả nước chỉ bằng 25 % diện tích bây giờ.
Nhưng Ấn Độ, Brazil và Nam Phi không đồng ý việc mở rộng BRICS. Ba nước này đề nghị những điều kiện khắt khe trước khi nhận các thành viên mới, dù chỉ vào ngồi làm quan sát viên. Ấn Độ nghi ngờ Trung Cộng muốn mở rộng BRICS để tạo thế lực riêng. Hai nước hiện vẫn đang xung đột biên giới. Ấn Độ cũng hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Australia để ngăn cản thế lực của Trung Cộng trong vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tháng trước, trong cuộc họp thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) Ấn Độ đã từ chối không ký vào một văn bản hợp tác kinh tế vì Bắc Kinh dùng những danh từ có tính chất tuyên truyền.
Nam Phi là nước yếu nhất trong khối, nên lo ảnh hưởng của mình sẽ giảm mất nhiều nếu thêm các nước mới. Họ cũng muốn thân thiện với Mỹ nên không thể cho Trung Cộng cơ hội tăng uy tín. Về phần Brazil, Tổng thống Lula vừa tỏ ý lo ngại nếu thêm nhiều nước vào BRICS thì các nước trong khối sẽ khó đoàn kết để đưa ra một tiếng nói thống nhất, hậu quả là khối BRICS sẽ yếu đi chứ không mạnh hơn. Thực sự là ông không muốn công khai chống Mỹ. Lula mới tuyên bố: “Chúng tôi không muốn tạo một thế lực cạnh tranh với các tập hợp G7, G20, hay là nước Mỹ.”
Moscow và Bắc Kinh còn dụng ý khác là dùng khối BRICS để giảm bớt thế lực của đồng đô la Mỹ trên hệ thống tài chánh liên quốc gia. Hiện nay hầu hết các nước mua bán với nhau thường dùng đô la Mỹ để thanh toán. Tin AP cho biết, theo nghiên cứu của Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve), tức Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, thì từ 1999 đến 2019, 96 phần trăm các giao dịch giữa các nước trong châu Mỹ dùng đồng đô la. Giữa các nước khác ngoài Âu châu, 79 % dùng mỹ kim. Các giao dịch này được thanh toán qua hệ thống SWIFT và các ngân hàng ở New York.
Chính phủ Mỹ có thể lợi dụng vai trò của đồng mỹ kim làm một đòn tấn công, thí dụ không cho các ngân hàng Mỹ giao dịch với một nước khác, một công ty hay ngân hàng khác, kể cả các tổ chức hay những cá nhân bị cấm vận. Khi đó, việc giao dịch của các tổ chức hoặc cá nhân này bị ngưng đọng vì các đối tác của họ vẫn chỉ dùng mỹ kim để thanh toán.
Nga và Trung Quốc đã là nạn nhân của miếng đòn cấm vận này. Họ tìm cách lách khỏi, nhưng sẽ tốn kém vì phải đi vòng vo nhiều lần. Trong thông điệp video gửi khối BRICS, ông Putin nói, “Mục tiêu của chúng ta, là giảm bớt vai trò của mỹ kim trong các giao dịch thương mại không thể đảo ngược lại và đang tiến mạnh hơn.”
Nga và Trung Quốc đang dùng đồng tiền của nước mình trong các trao đổi thương mại, đồng nguyên chiếm ưu thế. Nga còn đề nghị thiết lập một “đồng tiền BRICS,” dùng vàng làm bản vị, để thay thế mỹ kim trong các giao dịch giữa các nước trong khối. BRICS cũng thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank, NDB) nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Tài chánh của Ngân hàng này thú nhận với báo Al Jazeera, “Mình không thể bước ra ngoài thế giới của đồng mỹ kim và hoạt động trong một thế giới song hành.”
Tổng thống Brazil Lula de Silva đề nghị trong hội nghị BRICS kỳ này sẽ thảo luận về việc dùng “đồng tiền BRICS” thay thế mỹ kim. Ông nói với ký giả Ahmadi Ali, Al Jazeera, rằng, “mỗi đêm tôi chợt thức giấc lại tự hỏi tại sao các nước mua bán với nhau cứ phải dùng đồng đô la để thanh toán!” Nhưng theo bản tin Reuters, Nam Phi, nước chủ nhà triệu tập hội nghị sẽ không đưa vấn đề “đồng tiền BRICS” vào chương trình nghị sự.
Họ biết có bàn cãi cũng chỉ mất thời giờ vô ích. Ấn Độ chắc chắn không muốn nói đến chuyện này vì đang hy vọng gia tăng thương mại, cung cấp cho thị trường Mỹ các món hàng rẻ tiền, thay thế vai trò của hàng Trung Quốc. Mỹ cũng là một nguồn đầu tư vào công nghiệp Ấn Độ trong thời gian sắp tới, đặc biệt là phát triển các kỹ thuật cao mà chính phủ Mỹ đang cấm các công ty không được làm ăn ở Trung Quốc. Ấn Độ sẽ mua máy bay, đại pháo, xe thiết giáp của Mỹ, để thay thế kho vũ khí Nga mua từ nửa thế kỷ trước, mà cuộc chiến ở Ukraine cho thấy là hiệu quả rất yếu.
Đối với đồng đô la, các nước Nam Phi, Brazil và Ấn Độ sẽ tiếp tục tích lũy trong quỹ dự trữ ngoại tệ, không gạt bỏ ra ngoài, và chỉ muốn sử dụng đồng tiền của nước họ trong các giao dịch song phương nhiều hơn.
Trong cuộc họp thượng đỉnh BRICS có mặt các ông Cyril Ramaphosa (Nam Phi), Luiz Inacio Lula da Silva (Brazil) và Narendra Modi (Ấn Độ), Bộ trưởng Thương Vụ Vương Văn Đào (王文,Wang Wentao) thay mặt Tập Cận Bình đọc những lời rất hoa mỹ, “Ngay bây giờ, thế giới đang thay đổi và lịch sử đang diễn ra trước mắt chúng ta như chưa từng thấy, đưa nhân loại qua một khúc quanh quan trọng. Chúng ta sẽ quyết định đường đi của lịch sử!”
Hai đề tài quan trọng nhất trong hội nghị BRICS là mở rộng để thâu nhận các thành viên mới, và giảm bớt vai trò chế ngự của đô la Mỹ. Hội nghị không đưa ra một quyết định nào cả. Lịch sử vẫn tiếp diễn.
NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 24.08.2023)