- Tác giả,Song May
- Vai trò,Gửi bài tới Diễn Đàn BBC từ Sài Gòn
- 26 tháng 8 2023
Trong hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 18/8/2023, bà Vũ Thu Hà, phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đã kiến nghị chính phủ cho phép các trường học ở nội đô Hà Nội được phép nâng tầng và xây thêm hầm.
Lý do theo bà Hà là số học sinh ở Hà Nội tăng nhanh, trung bình mỗi niên học tăng 50.000 – 60.000 học sinh các cấp, thay vì phải xây thêm 30 – 40 trường học mới thì cho phép các trường hiện hữu trong nội thành được nâng thêm tầng và xây thêm hầm để có thêm phòng học cho học sinh.
Thực ra, câu chuyện Hà Nội thiếu trường công để phục vụ trẻ em đã được mạng xã hội nêu ra lâu nay. Đề nghị này của bà Vũ Thu Hà nay được truyền thông nhà nước đăng tải ngày 21/8/2023, tiếp tục gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Theo các số liệu chính thống là chỉ trong niên học 2023-2024, gần 30.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (cấp 2) của Hà Nội không có chỗ vào lớp 10 công lập tại các quận trung tâm, phải ghi danh học trường tư, trung tâm giáo dục thường xuyên (nôm na là bổ túc văn hóa) hoặc phải ra ngoại ô cách để học trường công, vì những trường này lấy điểm chuẩn thấp hơn nội đô.
Trung tuần tháng 7/2023, lướt các báo mạng VietnamNet, Tiền Phong đều thấy đề cập việc nhiều phụ huynh Hà Nội phải đăng ký cho con vào lớp 10 trường công ở ngoại ô, cách xa nhà từ 20 – 80km, vì không đủ điểm vào lớp 10 trường công gần nhà (tuyển đầu vào trên 40 điểm các môn), còn trường tư thì học phí cao, không lo nổi.
VietnamNet ngày 17/7/2023 dẫn lời một phụ huynh là bà T.H.H. (quận Hai Bà Trưng) từng vạ vật xếp hàng nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 trường trung học phổ thông (THPT) Hoàng Cầu nhưng không thành, đã phải đăng ký cho con học trường THPT Bắc Lương Sơn (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cách nhà 46km.
Vì trường Bắc Lương Sơn quá xa nhà nên bà phải thuê phòng trọ ở gần trường cho con học. Theo bà tính, chi phí thuê phòng trọ và ăn uống khoảng 3 triệu đồng/tháng (USD126/tháng) vẫn rẻ hơn học trường tư ở trung tâm Hà Nội.
Trước đó, VnExpress ngày 7/7/2023 trong bài viết “Không thể bắt học sinh Hà Nội đi 20km để được học trường công lập”, đã trích nhiều ý kiến độc giả cho thấy sự bất bình của dân Hà Nội trước phát biểu của ông Trần Thế Cương, giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội, là Hà Nội không thiếu chỗ học.
Ý kiến của nhiều độc giả là mạng lưới trường công ở Hà Nội phân bổ không đều: ngoại ô thừa trường, còn nội ô lại thiếu và cho rằng việc quy hoạch trường của Hà Nội có vấn đề. Hầu hết phụ huynh Hà Nội đều lo ngại việc phải cho con đang tuổi thiếu niên ở trọ xa nhà, ngoài tầm kiểm soát và chăm sóc của họ. Điều này có thể gây ra những hệ lụy cho xã hội khó lường trước trong tương lai.
Đúng là nghịch lý, khi sinh viên ở tỉnh vào nội ô Hà Nội thuê phòng trọ để học đại học, còn học sinh trung học (thiếu niên, thiếu nữ, chưa trưởng thành) lại phải khăn gói ra ngoại ô thuê phòng trọ để được học nốt ba năm cuối trung học!
Có thật là Hà Nội thiếu quỹ đất để xây trường học?
Đầu tháng 7 vừa qua, Hà Nội vừa khánh thành một nhà hát nguy nga lộng lẫy có 900 ghế ngồi, diện tích 5.000m2, mang tên nhà hát Hồ Gươm, chủ đầu tư là Bộ Công An và UBND thành phố Hà Nội, tọa lạc tại số 40-40A Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ngay trung tâm thủ đô.
Điều đáng nói là Hà Nội vốn đã có sẵn gần 20 nhà hát, quy mô từ 200- 1.000 chỗ ngồi được phân bổ khắp thành phố. Tuy nhiên nhiều nhà hát đìu hiu, rơi vào trạng thái hoạt động cầm chừng, không có khán giả, gây lãng phí.
Ngày 9/7/2023, thủ tướng Phạm Minh Chính, đại tướng Tô Lâm, đại tướng Phan Văn Giang cùng lãnh đạo UBND TP.Hà Nội, các bộ ban ngành và các nghệ sĩ đã dự khánh thành nhà hát Hồ Gươm “là nỗ lực đầu tư cho văn hóa”, theo báo Tuổi Trẻ.
Không thấy báo nói khi xây dựng nhà hát này, có ai hỏi ý kiến dân thủ đô xem họ có cần không, và cơ sở này sẽ kinh doanh thế nào khi “nhiều nhà hát ở Hà Nội hoạt động cầm chừng”, như truyền thông VN nói.
Phải thừa nhận rằng các nhà hát ở Hà Nội đa số nằm ở vị trí đẹp (toàn quận trung tâm như Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân)… mà vẫn vắng khán giả, phải cho thuê tổ chức sự kiện hoặc sống nhờ nguồn tiền từ ngân sách.
Tôi thấy kể cả là Nhà hát Lớn Hà Nội, đã 112 năm tuổi, do người Pháp xây, có 870 ghế ngồi, mỗi tháng chỉ có 8 chương trình, chủ yếu cho thuê rạp để trình diễn, phải mở bán vé tham quan nhà hát vào thứ hai – chủ nhật (trừ thứ sáu) với giá vé 120.000 đồng/người (70 phút/lượt).
Nhà hát Hồ Gươm là cái thứ 9 được xây dựng tại quận Hoàn Kiếm. Đây là quận nhỏ nhất Hà Nội, chỉ có diện tích 5,29km2, mà phải “cõng” trên lưng 9 nhà hát, có tổng cộng 3.342 chỗ ngồi (chưa tính nhà hát ca múa nhạc Thăng Long vì không có số liệu). Tức là chỉ một quận mà đã có Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà hát Kịch Việt Nam, nhà hát Kịch Hà Nội, nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, nhà hát múa rối Thăng Long, nhà hát Tuồng Việt Nam, nhà hát Cải Lương Hà Nội, nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam và mới nhất là nhà hát Hồ Gươm của Bộ Công an.
Đối lập với số nhà hát thuộc hàng kỷ lục, Hoàn Kiếm có bao nhiêu trường Trung học phổ thông công lập?
Xin thưa chỉ có hai trường là THPT Trần Phú và Việt Đức. Cả hai trường này đều được xây dựng từ thời Pháp. Trường Trần Phú gốc là hai trường trung học Grand Lycée và Petit Lycée, xây dựng 1919; còn Việt Đức vốn là trường dòng Puginier của đạo Công giáo, xây dựng từ 1897. Cả hai trường này mỗi năm chỉ nhận tổng cộng 1.200 em học sinh vào lớp 10.
Thiết nghĩ, thay vì xây nhà hát Hồ Gươm để kinh doanh, người ta nên trả 5.000 m2 đất này cho Hà Nội để xây thêm một trường trung học phổ thông thì học sinh Hà Nội có lẽ không phải ngậm ngùi xách valy đi ở phòng trọ cách nhà 20km – 80km để học trường công, hoặc trong tương lai, không cần phải chui xuống tầng hầm để học.
Bài thể hiện quan điểm riêng của cây bút Song May, hiện sống tại TP Sài Gòn.