Có diện tích lớn gấp 3 lần nước Pháp, nhưng Mông Cổ lại chỉ có 3 triệu dân, bị nằm kẹp giữa hai nước láng giềng khổng lồ đông dân sát cạnh là Nga (phía bắc) và Trung Quốc (phía nam), hai cường quốc hạt nhân, thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An. Không chỉ mắc kẹt về địa lý, Mông Cổ cũng lệ thuộc về kinh tế vào cả hai chế độ chuyên quyền Nga – Trung ngay sát cạnh, hai nước láng giềng trực tiếp duy nhất.
Đăng ngày: 28/08/2023
Chính vì thế, giữ được quan hệ tốt đẹp và cân bằng với cả hai hàng xóm đồng thời duy trì độc lập trước sức ép từ hai phía là thách thức chính của chính quyền Oulan Bator.
Sức ép từ hai láng giềng khổng lồ
Xét về lịch sử, Mông Cổ cũng có nhiều ràng buộc với hai láng giềng Nga – Trung. Theo bài viết « Mông Cổ/Nga/Trung Quốc : Một con ngựa nhỏ, nằm giữa gấu và rồng » đăng tải trên tạp chí Pháp ngữ trực tuyến « Regard sur l’est » – Nhìn về phía đông, chuyên về Đông-Trung Âu, vùng Balkan, các nước vùng Baltic, Nga, vùng Kavkaz và Trung Á, ngày 20/02/2023, mối quan hệ ba bên bất cân xứng này được kế thừa từ lịch sử.
Mông Cổ đã phải chịu sự cai trị của triều đại Nhà Thanh Mãn Châu từ năm 1611 đến năm 1911. Sau đó, Nga đóng vai trò quyết định trong việc giúp Mông Cổ độc lập : với sự trợ giúp của Nga, quân Trung Quốc bị đuổi ra khỏi lãnh thổ Mông Cổ. Và chính quyền Mông Cổ cũng đã lợi dụng sự sụp đổ của triều Thanh để xích lại gần Nga hơn.
Mông Cổ trở thành nước Cộng hòa Nhân dân vào năm 1924, và mặc dù chưa bao giờ chính thức là một phần của Liên Xô, nhưng Mông Cổ vẫn thường được xem là nước Cộng hòa thứ 16, hoặc nước vệ tinh của Liên Xô. Trong nhiều năm, Liên Xô là nước duy nhất công nhận nền độc lập của Mông Cổ. Dưới áp lực của Liên Xô, Trung Quốc cuối cùng đã quyết định làm như vậy và Ulan Bator dần dần thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước khác. Ảnh hưởng của Nga ở Mông Cổ bắt đầu suy yếu từ Cách mạng dân chủ Mông Cổ 1989-1990, khi lần đầu Mông Cổ có bầu cử tự do và chọn đi theo con đường dân chủ.
Kể từ đó, Mông Cổ luôn phải « chơi trò thăng bằng » trước sức ép từ cả hai phía Nga – Trung để bảo vệ các thành quả độc lập, trong khi 80% xuất khẩu than của Mông Cổ là sang Trung Quốc còn toàn bộ khí đốt và dầu lửa phải nhập từ Nga.
Rồng Trung Quốc phía nam
Trên tuần báo Le Point ngày 08/12/2022, chuyên gia Antoine Maire của Quỹ Nghiên cứu Chiến Lược FRS của Pháp, đã lưu ý là vì lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc nên Mông Cổ cũng rất nhạy cảm và phải hứng chịu những hệ quả nghiêm trọng nếu kinh tế nước láng giềng khổng lồ phía nam gặp vấn đề, chẳng hạn khủng hoảng kinh tế do Covid-19 tại Trung Quốc.
Đó là chưa kể, theo Le Point ngày 18/08, Trung Quốc rất biết gây những áp lực vô cùng « đáng sợ » đối với nước láng. Nhà khoa học chính trị Luvsandendev Sumati nhấn mạnh Bắc Kinh đã thâm nhập vào chính trường Mông Cổ bằng cách đặt các cố vấn không chính thức của Trung Quốc ở cấp cao nhất của nhà nước Mông Cổ. Và để gây sức ép hay trừng phạt Ulan Bator, đơn giản Trung Quốc chỉ cần đóng cửa biên giới, ngăn chặn hàng xuất khẩu của Mông Cổ, như Bắc Kinh đã từng làm hồi năm 2016, khi nổi giận về chuyện Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng, đến Ulan Bator.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng biết cách khai thác lòng tham của giới quan chức địa phương. Bắc Kinh từng đứng đằng sau vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử Mông Cổ, bị khui ra hồi tháng 12/2022, liên quan đến vụ chuyển lậu 385.000 tấn than sang Trung Quốc giai đoạn 2013 – 2019, khiến Mông Cổ thất thu 2,6 tỷ đô la thuế.
Gấu Nga phía bắc
Nga cũng có thứ vũ khí riêng để có thể kiềm tỏa Mông Cổ ở mức tối đa. Erdene Sodnomzundui, cựu ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, than phiền với Le Point : « Họ (nước Nga) muốn chúng tôi tiếp tục là thuộc địa của họ trong lĩnh vực năng lượng » bằng cách phủ quyết các dự án hạ tầng năng lượng của Ulan Bator, chẳng hạn dự án về một nhà máy thủy điện ở miền bắc Mông Cổ hiện vẫn còn đang dang dở. Thứ trưởng Kinh tế Tuvdendorj Gantumur than phiền : « Họ cho rằng nó sẽ gây ô nhiễm một nhánh của Hồ Baikal, nên thậm chí đã đệ đơn kiện lên UNESCO. Tất nhiên, đây là một cái cớ ».
Một ví dụ khác về điều mà Le Point gọi là « thói đạo đức giả » của Nga, liên quan đến 7 trạm nhiệt điện của Mông Cổ được xây dựng từ thời Liên Xô trong những năm 1960 và hiện giờ vẫn đang phải hoạt động hết công suất. Vấn đề là Nga, bên phụ trách bảo trì, thường làm ngơ công tác này hoặc yêu cầu những chi phí cao đáng kinh ngạc. Mông Cổ không thể làm gì mà không có « đèn xanh » của phía Nga. Nghị sĩ đảng đối lập Togmidyn Dorjkhand nhận định : « Đó là một nguy cơ lớn. Chỉ cần không cung cấp xăng là họ có thể làm tê liệt đất nước Mông Cổ chỉ sau một đêm, mà không cần phải xâm lược chúng tôi! ».
Ba cột trụ để giữ cân bằng
Trước những áp lực lớn đến như vậy từ Nga – Trung, để có thể duy trì nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, theo chuyên gia Antoine Maire của Quỹ Nghiên cứu Chiến Lược FRS của Pháp, Mông Cổ đã chọn chiến lược « giữ cân bằng » dựa trên 3 cột trụ.
Cột trụ đầu tiên, cơ bản nhất, là duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Trung Quốc, bởi Ulan Bator không thể chống chọi được với sức ép vô cùng lớn, dù từ Bắc Kinh hay Matxcơva. Để duy trì quan hệ tốt đẹp đó, Ulan Bator cấm đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ hoặc để các đội quân nước ngoài đi qua Mông Cổ. Đồng thời, Ulan Bator thương lượng riêng rẽ với Bắc Kinh và Matxcơva để thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với từng nước Nga và Trung Quốc. Nhìn tổng thế, nếu Mông Cổ ký một thỏa thuận với Trung Quốc thì một văn bản tương tự cũng được ký với Nga để « giữ cân bằng ».
Cột trụ thứ hai của Mông Cổ để thoát khỏi thế bị Nga – Trung kìm kẹp là đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Ulan Bator tìm kiếm các đối tác khác để mở rộng khả năng đối phó trong trường hợp bị hai nước lớn Nga – Trung gây áp lực. Ulan Bator gọi đó là chính sách « láng giềng thứ ba », dựa vào việc hướng đến các cường quốc phát triển và dân chủ có thể hỗ trợ Mông Cổ bảo vệ độc lập. Nhật, Mỹ, Ấn Độ và Liên Âu đặc biệt được Ulan Balor xem là « các láng giềng thứ ba ».
Cột trụ thứ ba là gia nhập cộng đồng quốc tế. Theo nhà nghiên cứu Antoine Maire, Mông Cổ rất tích cực tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình và nỗ lực, chẳng hạn làm trung gian trong hồ sơ Triều Tiên. Mục đích của Ulan Bator là được công nhận như một nước tích cực trên trường quốc tế và có tính chính đáng để được bảo vệ trong trường hợp nghiêm trọng cần sự can thiệp của quốc tế.
Thế nhưng, đương nhiên là mong muốn nói trên của Ulan Bator vấp phải sự cảnh giác, đề phòng của « các láng giềng trực tiếp » là Nga và Trung Quốc. Trong thời gian rất dài, Bắc Kinh và Matxcơva từng lo ngại Mông Cổ sẽ biến thành một Ukraina mới ở không gian vùng đệm giữa hai nước Nga – Trung. Quả thực, Mông Cổ rất muốn được xem như một không gian trao đổi giao thương mại giữa Nga và Trung, nhưng vẫn không thực sự tham gia chính sách trong khu vực của hai láng giềng trực tiếp : Mông Cổ không phải là thành viên Tổ Chức hợp tác Thượng Hải, cũng không tham gia dự án Những con đường tơ lụa mới do Trung Quốc khởi xướng.