Trong hai ngày liên tiếp, tòa án tại Việt Nam có lịch xét xử hai nhà hoạt động nổi tiếng là Trần Văn Bang hay còn gọi là Trần Bang (29/8) và Bùi Tuấn Lâm – người được mệnh danh là ‘Thánh rắc hành’ (30/8).
Trong phiên xét xử hôm nay 29/8, tòa tuyên y án đối với ông Trần Bang, tám năm tù giam và ba năm quản chế.
Công an bắt giữ ông Trần Văn Bang vào tháng Ba và Bùi Tuấn Lâm vào tháng Chín năm 2022 và cáo buộc họ tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 Bộ luật Hình sự.
Phiên tòa xét xử ông Trần Bang
Với kỹ sư Trần Bang, theo quan điểm cơ quan điều tra, ông phải chịu trách nhiệm về nhiều bài viết đăng tải trên ba tài khoản mạng xã hội Facebook, gồm : Trần Bang, Bang Trần và Tran Josh, cùng một số sách in, tài liệu bị cho là hành vi tuyên truyền, tàng trữ nội dung chống chính quyền.
Tại phiên phúc thẩm hôm 29/8, được biết mẹ già và các anh chị em của ông Bang ban đầu phải ngồi ngoài cửa phiên toà nhưng sau một hồi đấu tranh đã được vào phòng quan sát để theo dõi phiên tòa.
Tuy nhiên không ai trong gia đình được tiếp cận hoặc nhìn thấy ông Trần Bang. Ông Trần Bang cũng không được biết sự có mặt của gia đình.
Tại phiên sơ thẩm ngày 12/05/2023, ông Trần Bang đã bị toà án sơ thẩm tuyên án tám năm tù giam và ba năm quản chế. Cáo trạng nói ông Bang đã dùng ba tài khoản Facebook để đăng 39 bài viết và tàng trữ bốn tài liệu “tuyên truyền chống nhà nước”. Nhưng tại tòa, ông Bang nói ông không chống phá nhà nước mà chỉ muốn thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Sức khỏe của ông Trần Bang vốn đã xấu đi trong những tháng trước khi bị bắt, lại càng trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây do không được chăm sóc y tế phù hợp trong trại giam của công an, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).
Phiên tòa xét xử ‘Thánh rắc hành’ Bùi Tuấn Lâm
Phiên tòa phúc thẩm xét xử ‘Thánh rắc hành” Bùi Tuấn Lâm sẽ diễn ra vào ngày 30/8.
Bà Lê Thanh Lâm, vợ ông Bùi Tuấn Lâm cho hay công an đã canh nhà từ 6h từ hôm 28/8, hôm sau đông hơn hôm trước, và ‘nhất cử nhất động đều bị công an quay phim, chụp ảnh’.
Trong phiên sơ thẩm hôm 25/5, tòa tuyên phạt ông Bùi Tuấn Lâm 5,5 năm tù giam và bốn năm quản chế.
Người nhà của ông Bùi Tuấn Lâm cũng không được phép tham dự phiên tòa xét xử ông vào tháng Năm. Khi vợ ông, Lê Thanh Lâm, có mặt gần tòa án vào buổi sáng xét xử ông, công an đã bắt giữ và kéo lê bà trên đường và giam giữ bà trong nhiều giờ. Bên trong phòng xử án, luật sư bào chữa cho Bùi Tuấn Lâm là Ngô Anh Tuấn được lệnh rời khỏi phòng xử án trước khi kết thúc phần tranh luận bào chữa.
Kêu gọi trả tự do cho hai nhà hoạt động
Trước phiên tòa phúc thẩm, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho cả hai nhà hoạt động.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Trần Văn Bang và Bùi Tuấn Lâm đã công khai chỉ trích cách Đảng Cộng sản Việt Nam cai trị đất nước. Việc thực hiện bất đồng chính kiến một cách ôn hòa không phải là một tội ác và các phiên tòa chống lại họ nên được bãi bỏ.”
Ông Trần Văn Bang, 62 tuổi, nguyên là quân nhân, kỹ sư và là nhà hoạt động nhân quyền.
Ông Bùi Tuấn Lâm, còn được gọi là Peter Lam Bui hay Onion Bae, 39 tuổi, là một nhà hoạt động và từng mở quán mì tại nhà ở Sài Gòn. Ông trở nên nổi tiếng vào năm 2021 vì bắt chước đầu bếp nổi tiếng Salt Bae, người được nhìn thấy rảc muối lên miếng bít tết trị giá 2.000 USD- và đút cho ông Bộ trưởng Công an Việt Nam, Tô Lâm.
Trong thập kỷ qua, ông Trần Văn Bang và Bùi Tuấn Lâm đã vận động cho các quyền dân sự và chính trị ở Việt Nam. Cả hai đều tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và biểu tình về vấn đề môi trường và nhân quyền. Cả hai đều công khai lên tiếng ủng hộ các tù nhân, người bị tạm giam chính trị và tham gia các hoạt động hỗ trợ tài chính cũng như hỗ trợ tinh thần cho các nhà hoạt động chính trị và gia đình họ.
Việt Nam đang giam giữ ít nhất 159 tù nhân chính trị. 23 người khác đang bị tạm giam trước khi xét xử với các cáo buộc có động cơ chính trị.
Ông Robertson nói: “Những hành vi vi phạm trắng trợn các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của chính phủ Việt Nam thậm chí còn nghiêm trọng hơn vì họ hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế nên thúc ép chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến và những người khác đang bị cầm tù vì thực thi các quyền dân sự và chính trị của họ.”
https://www.bbc.com/ws/av-embeds/cps/vietnamese/vietnam-66643778/p0b49brv/viChụp lại video,
Bộ trưởng Tô Lâm và tiệc steak dát vàng ‘vang danh’ thế giới