Bình luậnAndrew Thornebrooke • 30/08/23
Lầu Năm Góc đang đẩy mạnh sản xuất hàng nghìn hệ thống tự hành để cạnh tranh với quân đội Trung Quốc. Lực lượng quốc phòng Hoa Kỳ hiện ít hơn Trung Quốc về nhân sự, tàu, pháo binh và tên lửa trên đất liền.
Dự án có tên “Sáng kiến Replicator” (Replicator Initiative) đã được Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Kathleen Hicks công bố tại hội nghị của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Quốc gia tổ chức vào ngày 28/8 vừa qua.
Bà Hicks nói: “Replicator sẽ giúp chúng ta vượt qua lợi thế lớn nhất của [Trung Quốc], đó là số lượng lớn. Nhiều tàu hơn. Nhiều tên lửa hơn. Nhiều người hơn.
“Với những con người thông minh, các khái niệm thông minh và công nghệ thông minh, quân đội của chúng ta sẽ nhanh nhẹn hơn, cùng với sự nâng cao và tính cấp bách trong lĩnh vực thương mại”.
Bà Hicks cho biết Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ sử dụng Replicator để triển khai hàng nghìn hệ thống tự hành trên nhiều lĩnh vực trong vòng 18 đến 24 tháng tới.
Thiết bị bay không người lái giúp Mỹ tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Bà Hicks tin rằng sự phát triển mạnh mẽ của các hệ thống tự hành là rất quan trọng; nó giúp quân đội Hoa Kỳ sở hữu nhiều năng lực hơn. Các nền tảng không người lái có giá cả phải chăng sẽ cho phép người chỉ huy chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn mà không phải chịu áp lực trả giá quá lớn về kinh tế hoặc con người.
Trong quân đội, quá trình tăng cường khả năng không dùng đến người là điều tối quan trọng để giữ lợi thế cạnh tranh trước Trung Quốc – quốc gia sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất và lực lượng tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất thế giới.
Vì vậy, để chống lại mối đe dọa từ Bắc Kinh và ngăn chặn một cuộc chiến xâm lược Đài Loan, bà Hicks cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tăng cường các năng lực liên quan đến thiết bị bay không người lái trong toàn quân đội.
Bà Hicks nói, bằng cách đẩy mạnh năng lực sản xuất và triển khai quân sự, Hoa Kỳ sẽ “vượt trội đối thủ với việc có tư duy tốt hơn, có chiến lược tốt hơn và khả năng điều động tốt hơn họ”.
Trung Quốc đầu tư mạnh vào thiết bị bay không người lái
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang chuẩn bị cho chiến tranh với một chương trình hiện đại hóa quân sự quy mô lớn. Như một phần trong nỗ lực này, Bắc Kinh đang đầu tư mạnh vào chiến tranh không người lái.
ĐCSTQ đã rót nhiều tiền vào một loạt công nghệ thiết bị bay không người lái, từ máy bay bốn cánh thương mại giá rẻ cho đến máy bay không người lái tầm cao có độ bền cao. Tàu sân bay thứ ba và mới nhất của nước này mang tên Phúc Kiến dự kiến sẽ được trang bị nhiều loại thiết bị bay không người lái.
Tàu sân bay Phúc Kiến sẽ được trang bị dựa trên bài học kinh nghiệm có được từ việc vận hành tàu sân bay thứ hai có tên Sơn Đông. Sơn Đông sở hữu một đội nhỏ máy bay không người lái thương mại.
ĐCSTQ cũng đã hạ thủy Chu Hải Vân (Zhu Hai Yun) – con tàu nghiên cứu đại dương dài 290 feet được thiết kế để triển khai thiết bị bay không người lái dưới nước và trên không cho nhiều mục đích khác nhau. Bản thân con tàu này là một thiết bị bay không người lái, có thể được điều khiển từ xa hoặc có thể tự động điều hướng trên biển bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo lời của nhà sản xuất, đây là “tàu mẹ có hệ thống không người lái thông minh đầu tiên trên thế giới”.
Đáng chú ý, tờ South China Morning Post đưa tin rằng con tàu này có khả năng quân sự gồm “đánh chặn, bao vây và đuổi các mục tiêu có tính xâm phạm”.
Mỹ xây dựng đội quân robot
Hoa Kỳ không phải là không có tham vọng riêng về tương lai của những cỗ máy giết người tự động.
Đầu năm nay, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley, nói rằng trong thập kỷ tới, các quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới sẽ dựa vào quân đội chủ yếu là robot.
Tướng Milley cho biết trong cuộc thảo luận ngày 31/3 với Defense One như sau: “Trong vòng 10 đến 15 năm tới, quý vị sẽ thấy phần lớn quân đội của các nước tiên tiến là robot. Nếu quý vị trang bị cho robot trí tuệ nhân tạo, đạn chính xác và khả năng nhìn xa – gần, quý vị sẽ có được sự thay đổi cơ bản thực sự”.
“Điều đó đang đến. Những thay đổi đó, công nghệ đó… chúng tôi đang hướng đến đó trong vòng 10 năm tới”.
Để đạt được mục tiêu như vậy, Tướng Milley cho biết Hoa Kỳ có “5 đến 7 năm để thực hiện một số sửa đổi cơ bản cho quân đội của mình” vì các đối thủ của quốc gia này, bao gồm ĐCSTQ, đang tìm cách phát triển robot và AI theo cách tương tự.
Như vậy, quốc gia đầu tiên triển khai robot và AI cùng với nhau một cách gắn kết sẽ có khả năng thống trị cuộc chiến tiếp theo. Sáng kiến Replicator dường như là một cú hích lớn giúp Mỹ đạt được sự thống trị đó.
Tướng Milley nói: “Tôi cho rằng quốc gia, quốc gia mà sử dụng những công nghệ đó và điều chỉnh chúng một cách hiệu quả nhất, cũng như tối ưu hóa chúng cho các hoạt động quân sự, đất nước đó có thể sẽ nắm giữ lợi thế quyết định khi cuộc xung đột tiếp theo bắt đầu xảy ra”.
Theo The Epoch Times
Xuân Hoa biên dịch