Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường vũ khí ở châu Phi như thế nào?

Trung Quốc dường như đang lợi dụng cuộc chiến ở Ukraina để phát triển hoạt động bán vũ khí cho châu Phi. Một xu hướng thể hiện chủ nghĩa cơ hội kinh tế của tổ hợp công nghiệp-quân sự Trung Quốc nhưng cũng cho phép Bắc Kinh sử dụng các phương tiện mới để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình.

Đăng ngày: 30/08/2023

Ảnh tư liệu minh họa: Dàn phóng tên lửa di động của tập đoàn vũ khí Trung Quốc Norinco, trưng bày trong triển lãm quốc phòng quốc tế tại Abu Dhabi, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ngày 17/02/2019.
Ảnh tư liệu minh họa: Dàn phóng tên lửa di động của tập đoàn vũ khí Trung Quốc Norinco, trưng bày trong triển lãm quốc phòng quốc tế tại Abu Dhabi, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ngày 17/02/2019. AP – Jon Gambrell

Anh Vũ

Nhà chế tạo vũ khí lớn nhất Trung Quốc, tập đoàn Norinco từ giờ đã có riêng « cửa hiệu » ở Senegal. Nhật báo South China Mornig Post hôm 21/08 vừa qua xác nhận Norinco đã mở một văn phòng bán hàng tại Dakar. Tập đoàn này đồng thời cũng là nhà sản xuất thiết bị quân sự lớn thứ 7 thế giới.

Trang web Military Africa, một trong những phương tiện truyền thông đầu tiên đưa ra thông tin về kế hoạch mở rộng của Norinco tại Tây Phi hồi đầu tháng 8, khẳng định đây chỉ là bước đi đầu tiên của người khổng lồ Trung Quốc, đang dự tính cắm chân hiện diện lâu dài ở Mali và Bờ Biển Ngà. 

Nhà xuất khẩu vũ khí thứ 2 ở cận Sahara

Sự xuất hiện của nhà cung cấp vũ khí lớn của Trung Quốc tại Senegal cũng đã được một số cơ quan truyền thông phổ cập ở Trung Quốc đưa tin. Cũng như South China Morning Post, các hãng truyền thông này đều nhấn mạnh rằng sự việc này minh họa cho sự thèm muốn ngày càng lớn của tổ hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc đối với lục địa châu Phi và là một ví dụ mới cho thấy Bắc Kinh đang có tham vọng hợp tác an ninh lớn hơn với các nước trong vùng.

Theo Luke Patey, chuyên gia về quan hệ kinh tế của Trung Quốc tại Viện Quan hệ Quốc tế Đan Mạch (Danish Institute for International Studies) thì Trung Quốc « mới chỉ khoảng một chục năm gầnđây khẳng định mình là nhà cung cấp cấp vũ khi lớn cho các nước châu Phi ». Thật đúng là một bước nhảy vọt. Trong một thập kỷ, Bắc Kinh đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 ở lục địa đen, chỉ đứng sau Nga và Hoa Kỳ. Riêng trong châu Phi cận Sahara, Trung Quốc đã vươn lên hàng thứ 2 sau khi vượt Nga năm 2022.

Chuyên gia Luke Patey nhấn mạnh việc thành lập văn phòng tại chỗ ở Senegal “chứng tỏ việc mua bán có tính chất thường xuyên“. Qua đó, Norinco muốn nói với các đối tác của mình rằng “ ý định cắm chân sâu hơn ở Tây Phi của họ là rất nghiêm túc », Earl Conteh-Morgan, chuyên gia về quan hệ Trung-Phi tại Đại học Nam California, cho biết thêm.

François Vreÿ, chuyên gia về các vấn đề an ninh ở châu Phi tại Đại học Stellenbosch (Nam Phi) được South China Moning Post phỏng vấn nhận định, việc tập đoàn Trung Quốc có một bộ phận thường trực tại chỗ giúp họ có thể cung cấp dịch vụ hậu mãi và làm cho quan hệ làm ăn thêm vững chắc. Đồng thời như vậy, Norinco cũng hy vọng nắm bắt thông tin nhanh hơn về những biến động tình hình – dù ở Senegal hay các nước láng giềng. Điều này có thế mang lại cho họ những cơ hội thương mại mới.

Việc lựa chọn Senegal cũng cho thấy sự tự tin lớn hơn của những nhà cung cấp vũ khí Trung Quốc – và nói rộng ra là Bắc Kinh – đối với châu Phi. Quả thực, cho đến nay, Norinco và các tập đoàn Trung Quốc khác chỉ mở văn phòng tại các quốc gia có mối quan hệ truyền thống hoặc thương mại chặt chẽ với Trung Quốc, chẳng hạn như Angola hay Nigeria.

Dẫm chân lên thảm hoa của người Nga ?

Lần này các nước rơi vào tầm ngắm của Trung Quốc là  Senegal, Côte d’Ivoire và Mali, những nước trong lịch sử vẫn thuộc vùng ảnh hưởng của Pháp. Nói một cách khác, Bắc Kinh đang phiêu lưu vào «  phần châu Phi mà từ trước đến giờ họ vẫn tránh chỉ vì rào cản ngôn ngữ », Danilo delle Fave chuyên gia về vấn đề an ninh tại Trung Quốc, thuộc nhóm các nhà nghiên cứu an ninh quốc tế, l’International Team for the Study of Security (ITSS) Verona nhận định. Tại Senegal và Côte d’Ivoire, Pháp từ trước đến giờ là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất.

Ngoài ra, khu vực châu Phi nói tiếng Pháp đang là mục tiêu ưu tiên của Nga. Tại những nơi đó, nhóm lính đánh thuê Wagner, theo lệnh của Matxcơva, đã và đang nỗ lực phát triển hoạt động bán vũ khí, đồng thời đẩy Pháp ra khỏi các nước này. Với việc cắm chân vào khu vực này, dường như Trung Quốc đang dẫm chân lên trên thảm hoa của người « đồng minh » tình thế.

Có gì ngạc nhiên ?  Không đến nỗi như thế, chuyên gia Danilo delle Fave nhận xét : « Thí dụ này nhắc chúng ta không nên nhầm lẫn về bản chất của việc quan hệ Nga-Trung xích lại gần nhau nhờ  cuộc chiến tranh tại Ukraina. Trung Quốc giúp Nga là nhằm tránh không để phương Tây mạnh lên khi Nga bị suy yếu, tuy nhiên Bắc Kinh không phục tùng Nga và sẽ không ngần ngại chiếm thị phần của Nga ».

Sự xuất hiện của Norinco tại Senegal minh họa cho « chủ nghĩa cơ hội của các tập đoàn Trung Quốc và họ có khả năng lấp bất kỳ khoảng trống thương mại nào », ông Luke Patey khẳng định. Quả thực ảnh hương của Pháp tại Tây Phi đang suy yếu và khả năng xuất khẩu vũ khí của Nga gặp khó khăn “vì  bị quốc tế trừng phạt sau khi khởi sự cuộc chiến ở Ukraina“, ông Danilo delle Fave lưu ý.

Theo các nhà phân tích được báo South China Morning Post trích dẫn thì đây mới chỉ là sự khởi đầu. Nhật báo xuất bản tại Hồng Kông khẳng định, do các trừng phạt nói trên, « cuộc chiến tranh ở Ukraina sẽ giúp Trung Quốc giành các thị phần vũ khí ở những nơi Nga đang xuất khẩu vũ khí trên toàn châu Phi».

Luke Paty thừa nhận rằng “ Trung Quốc hoàn toàn có khả năng thay chân Nga ở châu Phi »,nhưng theo ông, vẫn còn hơi sớm để biết điều này có thực sự sẽ diễn ra hay không. Bởi vì Nga trong lúc bị trừng phạt ngặt nghèo trong năm 2022 vẫn tăng được khối lượng xuất khẩu vũ khí sang châu Phi.

Từ súng trường đến drone và chiến đấu cơ

Bắc Kinh cũng trở nên năng động hơn bởi các tập đoàn Trung Quốc có khả năng xuất khẩu các loại vũ khí đa dạng hơn. Theo chuyên gia Luke Patey, «  trong quá khứ, các công ty đó chủ yếu bán các loại vũ khí hạng nhẹ hay đạn dược. Dù chủ yếu xuất khẩu các loại vũ khí như vậy, các nhà chế tạo vũ khí Trung Quốc bắt đầu giới thiệu các loại khí tài hiện đại hơn ».

Cộng Hòa Dân Chủ Congo hồi tháng 2 năm 2023 đã mua drone của Bắc Kinh. « Trung Quốc đã bán nhiều chiến đấu cơ hơn cho châu Phi », Thomas Newdick, chuyên gia về không quân, khẳng định khi trả lời phỏng vấn đài Tiếng nói Hoa Kỳ.

Hệ quả trực tiếp từ cuộc chiến tranh tại Ukraina đã bị lộ rõ.  Là nước cung cấp chiến đấu cơ chủ yếu cho các nước châu Phi, Nga giờ đang gặp khó khăn để đáp nhu cầu của chính họ.

Các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc tỏ ra năng nổ hơn ở châu Phi bởi các mục đích của Bắc Kinh đã có tiến triển. Theo truyền thống, Trung Quốc vẫn bán vũ khí cho một nước mà họ đang thèm muốn nguồn tài nguyên của nước đó. Việc xuất khẩu thiết bị quân sự sang Sudan, Nigeria đã tạo thuận lợi cho Trung Quốc để tiếp cận nguồn dầu lửa của hai nước này. Đây cũng là  là hai đối tác châu Phi chính của tổ hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc.

Từ giờ trở đi, Trung Quốc tính đến chuyện đổi vũ khí lấy ảnh hưởng. « Bắc Kinh đã thành công trong việc mở rộng trường ảnh hưởng ở châu Phi nhờ vào các đầu tư kinh tế. Giờ đây người Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế chủ yếu của lục địa này, họ muốn tiếp tục phát triển các hợp tác quân sự »,  chuyên gia Earl Conteh-Morgan được trích dẫn ở trên phân tích.

Việc Norinco đến Senegal trước tiên có thể là vấn đề cơ hội làm ăn cho tập đoàn, nhưng « nếu như song song đó việc này giúp làm giảm ảnh hưởng của Pháp, đồng thời của phe phương Tây ở châu Phi, thì càng tốt », ông Earl Conteh-Morgan nhận định tiếp.

Tầm mức của cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng trở nên càng quan trọng hơn dưới cái nhìn của Bắc Kinh khi Hoa Kỳ ngày càng nhấn mạnh tính cấp bách phải kiềm chế các tham vọng của Trung Quốc. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai coi Trung Quốc là kẻ thù số 1, nhưng ông ta lại có chính sách đối ngoại rất biệt lập. Joe Biden thì không như vậy. Ông « theo đuổi chiến lược liên minh các nền dân chủ để chống lại các nước như Nga và Trung Quốc », chuyên gia Danilo delle Fave nhấn mạnh. Với bắc Kinh, châu Phi đã trở thành lục địa được lựa chọn để cố gắng ngăn chặn chiến lược đó của Hoa Kỳ bằng cách kết thân với những người bạn mới nhờ vào việc xuất khẩu vũ khí.

(Theo france24.com)

Bài Liên Quan

Leave a Comment