Vì sao Phạm Nhật Vượng rớt khỏi bảng 500 tỷ phú của Bloomberg?

August 29, 2023

Phạm Nhật Vượng và vợ tại một sự kiện của Vinfast

“Khi mà tổ chức uy tín như Bloomberg nghi ngờ cổ phiếu không minh bạch, người ta thấy không đáng tin cậy người ta bỏ ra, bởi vì người ta không muốn bị lợi dụng uy tín của họ vào việc thao túng cổ phiếu”.

Phạm Nhật Vượng, doanh nhân giàu nhất Việt Nam, không còn nằm trong danh sách 500 tỷ phú trên thế giới của hãng tin tài chính-kinh tế Bloomberg đầy danh tiếng kể từ 24/8 cho tới ít nhất là 28/8.

Sự việc này dẫn đến nhiều bàn luận nhất là sau khi giá cổ phiếu của hãng xe hơi điện Vinfast thuộc sở hữu của Vượng tăng vọt gấp 8 lần sau gần 10 ngày lên sàn ở Mỹ, đưa giá trị vốn hóa của hãng đạt hơn 160 tỷ đô la, theo tính toán về lý thuyết.

Trong khi giá trị Vinfast cất cánh – về mặt lý thuyết – tên của Phạm Nhật Vượng đột ngột không còn xuất hiện trong danh sách của Bloomberg về 500 tỷ phú trên thế giới từ hôm 24/7. Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Sơn Hải bình luận:

“Khi mà tổ chức uy tín như Bloomberg nghi ngờ cổ phiếu không minh bạch, người ta thấy không đáng tin cậy người ta bỏ ra, bởi vì người ta không muốn bị lợi dụng uy tín của họ vào việc thao túng cổ phiếu”.

Ông Hải là tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Hải Phòng. Ông cũng có kinh nghiệm giao dịch chứng khoán ở New York kể từ năm 1995.

Lưu ý về thực tế là Vinfast bị lỗ lũy kế là 4,8 tỷ đô la tính từ năm 2020 đến hết quý 1/2023, đồng nghĩa là lỗ hết vốn chủ sở hữu và đang hoạt động bằng vốn vay, ông Hải khẳng định hãng đã không thể tự IPO do không đáp ứng các tiêu chí của nhà chức trách Mỹ và phải lên sàn theo cách mà ông gọi là “đi cửa sau, không đàng hoàng”.

Sau khi niêm yết thông qua hợp nhất với một “công ty mua lại có mục đích đặc biệt” (SPAC), còn gọi là công ty rỗng hay công ty séc khống, theo luật Mỹ, hơn 99% cổ phiếu VinFast do Phạm Nhật Vượng nắm giữ trực tiếp và gián tiếp không được giao dịch rộng rãi trong 1 năm, chuyên gia Nguyễn Sơn Hải nói.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với CNN hôm 24/8, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng giám đốc điều hành (CEO) của Vinfast ở Bắc Mỹ, xác nhận rằng phải từ 6 tháng đến 1 năm nữa mới có nhiều cổ phiếu của Vinfast được giao dịch tự do.

Vì sự hạn chế nêu trên, ông Hải chỉ ra rằng số lượng chưa đến 1% cổ phiếu Vinfast đã được giao dịch là thuộc sở hữu của các vị chủ sòng bạc, cũng là những cổ đông trong Black Spade, đối tác hợp nhất với Vinfast, nên việc thao túng cổ phiếu “hoàn toàn có thể xảy ra”.

Chuyên gia tài chính-ngân hàng người Mỹ gốc Việt có hàng chục năm kinh nghiệm Nguyễn Trí Hiếu đưa ra quan sát:

“Có những market maker, dịch là những người làm giá, có những kỹ thuật làm tăng giá mạnh mẽ, như là mua đi bán lại hoặc qua bên thứ ba làm giá tăng lên. Với những cổ phiếu mới lên sàn như Vinfast, chúng ta cần một vài tháng, thậm chí là cả 1 năm để định giá trị thực của cổ phiếu”.

Mặc dù công nhận giá cổ phiếu VFS đạt mốc 70, 80 đô la gần đây, nhưng tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh rằng đó chỉ là giá của một lượng cổ phiếu rất nhỏ ở trên thị trường và không thể lấy nó để tính ra “giá trị thực” của toàn bộ công ty.

“Dùng giá đó để nhân với tất cả các cổ phiếu của Vinfast là một điều tôi thấy vô lý. Nếu lấy cổ phiếu của toàn bộ VinFast nhân với giá trị cổ phiếu tại một thị trường nào đó thì tôi e rằng điều đó không hoàn toàn chính xác”.

(Theo VOA)

Bài Liên Quan

Leave a Comment