Một năm rưỡi kể từ khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, Nga đã tăng cường kiểm duyệt trên mạng xã hội và Internet. Gần đây, tổng thống Vladimir Putin càng siết chặt kiểm soát, một năm trước cuộc bầu cử tổng thống 2024, ngăn chận việc truy cập vào các trang web bị cấm thông qua mạng ảo VPN và tìm cách quốc hữu hoá công ty sáng lập công cụ tìm kiếm Yandex, được ví như Google của Nga.
Đăng ngày: 05/09/2023
Gần một năm trước cuộc bầu cử thổng thống Nga, người phát ngôn của điện Kremlin Dmitri Peskov đã xác nhận rằng Vladimir Putin sẽ dễ dàng tái đắc cử. Tuy nhiên, gần một năm trước cuộc bầu cử, các biện pháp được đưa ra để gia hạn hiệu lực của các luật từ 2016 đến 2019 được ban hành nhằm tăng cường sự kiểm soát của chính quyền trên mạng Internet Nga.
Kể từ khi lên nắm quyền vào đầu năm 2000, tổng thống Nga Vladimir Putin luôn đề phòng với Internet, nhất là kể từ khi ông quay trở lại điện Kremlin vào năm 2012, sau khi nhường vị trí lãnh đạo cho Dmitri Medvedev từ 2008 đến 2012. Lúc đó, sự đề phòng của Putin đã bắt đầu được thể hiện bằng những điều luật cụ thể.
Ngay từ năm 2012, Nga và Trung Quốc đã cùng đề xuất thiết lập một “quyền kiểm soát của quốc gia” trên Internet. Sự kiểm soát này sẽ được thực hiện thông qua một hệ thống quản trị dựa theo hệ thống của Liên Hiệp Quốc.
Sau đó, vào năm 2014, Quốc Hội Nga đã thông qua luật buộc các trang mạng và các nhà khai thác mạng phải lưu trữ tất cả các dữ liệu liên quan đến các cá nhân hoặc pháp nhân Nga trên lãnh thổ quốc gia.
Vẫn theo hướng tăng cường kiểm soát, Quốc Hội Nga đã thông qua thêm hai luật liên bang vào năm 2016 buộc các trang mạng phải cài đặt quyền truy cập bí mật – cửa hậu (backdoor, trong các phần mềm, và phải cung cấp cho cơ quan an ninh các khóa giải mã, cũng như lưu trữ các dữ liệu trong vòng ba năm.
Sau đó, Nga đã ra một luật liên quan đến Runet, tức mạng Internet Nga, củng cố quyền kiểm soát của nhà nước Nga, cho phép kiểm soát các dữ liệu ra-vào nước Nga, đồng thời, cho phép cách ly Internet Nga khỏi mạng lưới Internet toàn cầu trong trường hợp có những đe dọa từ bên ngoài, mà những đe dọa này không được xác định cụ thể. Tuy nhiên, việc thực thi các luật đó dường như đã gặp những khó khăn về kỹ thuật.
Ngăn chặn sử dụng mạng ảo VPN
Sau khi phát động cuộc chiến xâm lược Ukraina vào tháng Hai năm 2022, điện Kremlin đã tăng cường giám sát lĩnh vực thông tin với nhiều sáng kiến, nhằm trước tiên kiểm soát các từ được sử dụng, sau đó là cấm một số trang mạng bị cho là có nội dung ngược lại với đường lối của chính phủ.
Mặc dù các biện pháp này đã được đưa ra, nhưng nhờ sử dụng mạng ảo VPN, cho phép ẩn vị trí thực của người sử dụng Internet, dân Nga vẫn có thể truy cập được vào các trang mạng bị cấm. Trên thực tế, VPN định tuyến lại kết nối thông qua các máy chủ nằm ở những nước khác, cho phép những ai có đủ trình độ kỹ thuật số có thể truy cập tự do vào những trang web mà họ muốn và lách những lệnh cấm của chính phủ.
Ngoài ra, nhiều trang web cấm đã được phát triển một phiên bản của nền tảng có thể truy cập được nhờ mạng TOR. Trong mạng TOR, “nút kết nối liên tiếp”, ám chỉ các máy chủ trung gian mà dữ liệu được truyền qua trước khi đến điểm đích cuối cùng. Khi dữ liệu đi qua mỗi nút, địa chỉ IP và thông tin gốc của nó được mã hóa và ẩn đi, giúp việc xác định nguồn gốc và điểm đích của dữ liệu trở nên khó khăn, đảm bảo tính ẩn danh và bảo mật cho người dùng.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Nga trong hai ngày 17/03 và 07/04/2024, điện Kremlin đã tăng cường hơn nữa sự kiểm soát của chính quyền đối với lĩnh vực thông tin, đặc biệt hai qua hai trục chính.
Trục đầu tiên nhắm vào mạng ảo VPN, vốn được sử dụng ngày càng nhiều từ khi hai văn bản luật được thông qua vào năm 2022. Nếu như vào mùa xuân năm ngoái, cảnh sát Internet Nga đã bắt đầu chống lại các dịch vụ cá nhân, đồng thời cố gắng cấm các giao thức mạng – cách thức trao đổi dữ liệu (protocol) của VPN. Phong trào kiểm soát này đã gia tăng đáng kể từ mùa này năm nay.
Vào đầu tháng 08/2023, các vấn đề nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến các giao thức mạng VPN của nhiều nhà cung cấp.
Cho dù nhiều chuyên gia tìm các cách thức để lách luật, nhất là cố gắng ngụy trang VPN, trong cách truyền dữ liệu thông thường, để có thể thoát khỏi sự cảnh giác của cảnh sát Internet Nga, việc tăng cường kiểm duyệt này vẫn đặc biệt gây lo ngại.
Quốc hữu hóa Yandex
Trục kiểm soát thứ hai, không kém phần nhạy cảm, liên quan đến cổng thông tin và công cụ tìm kiếm Yandex, được xem là Google của Nga.
Cho đến nay, Yandex, một công ty nặng ký trong lĩnh vực công nghệ thông tin Nga, đã thành công duy trì sự cân bằng giữa nhu cầu kiểm soát của chính quyền và sự phát triển ra nước ngoài, thông qua việc mở các công ty con. Sự cân bằng này phần lớn đã bị phá vỡ kể từ đầu cuộc chiến xâm lược Ukraina, do chế độ Nga siết chặt kiểm soát và do các trừng phạt của phương Tây nhắm vào lĩnh vực công nghệ thông tin. Hiện nay, có vẻ như điện Kremlin đang tính đến việc quốc hữu hoá Yandex, doanh nghiệp tư nhân được thành lập vào năm 1997.
Dựa vào các văn bản luật nói trên, chính quyền Nga ép Yandex từ bỏ các chi nhánh ở quốc tế để có thể tuân theo luật pháp hiện hành. Nếu không tuân thủ khuôn khổ pháp lý này Yandex có thể phải chịu phạt nặng. Không những thế, luật mới buộc Yandex phải gửi cho cơ quan an ninh Nga toàn bộ cơ sở dữ liệu liên quan đến người sử dụng. Nhưng làm như vậy là có thể bị xem là vi phạm luật của các quốc gia mà Yandex hoạt động, như ở Na Uy hay Phần Lan, thậm chí là ở Israel. Do đó, Yandex có thể buộc phải bán các công ty con hoạt động ngoài lãnh thổ Nga.
Nhà sáng lập của Yandex, ông Arkadi Voloj, hiện đã là công dân đảo quốc Malta và đã ở Israel từ nhiều năm qua. Gần đây, ông Voloj đã lên án cuộc xâm lược Ukraina, giống như là kêu gọi phương Tây giúp đỡ, và điều này cũng khó mà làm chậm lại tiến trình mà điện Kremlin khởi xướng.
Trên thực tế, các nhà đầu tư có mối liên hệ với các quan chức nhà Nước Nga thân cận với tổng thống Putin đã đề nghị mua lại Yandex.
Nhân vật số hai trong chính quyền của tổng thống Nga, Sergei Kiriyenko, phụ trách chính sách đối nội, sẽ thúc đẩy thành lập một tổ hợp mà trong đó nhà tài phiệt Iouri Kovaltchouk đóng vai trò chủ chốt. Nhân vật này được biết là một chủ ngân hàng riêng của Vladimir Putin. Tuy nhiên, ông Kovaltchouk sẽ không giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của Yandex, mà vị trí này phải được giao cho một người không bị các lệnh trừng phạt nhắm đến.
Dù cuối cùng ai là người sở hữu Yandex, có nhiều khả năng tập đoàn công nghệ thông tin của Nga trở thành một công cụ của chính quyền để bảo đảm sự kiểm soát của điện Kremlin trong lĩnh vực thông tin, nhất là nếu công cụ này giúp chống lại việc sử dụng VPN một cách hiệu quả hơn. Như vậy thì, không nghi ngờ gì nữa, hậu quả sẽ rất lớn.
Việc siết chặt kiểm soát mạng xảy ra một năm rưỡi sau khi xung đột ở Ukraina nổ ra và một năm trước cuộc bầu cử tổng thống Nga. Chắc chắn rằng không có gì là ngẫu nhiên nếu nhà nước Nga tăng cường hơn nữa việc kiểm soát thông tin.