Đăng ngày: 05/09/2023
Tăng trưởng liên tục phát đi những « báo động đỏ », Trung Quốc trở nên « hung hăng » đối với Đông Nam Á để chinh phục những thị trường mới ? ASEAN, đối tác thương mại quan trọng nhất của Hoa Lục, là mục tiêu lý tưởng cho phép Bắc Kinh đảo ngược tình thế khi mà 11 tỷ đô la vốn đầu tư rời khỏi Hoa Lục trong tháng 8/2023 và chính quyền đã phải ngừng công bố chỉ số thất nghiệp tránh gây hoang mang trong công luận ?
Vào lúc Hội Nghị Cấp Cao ASEAN lần thứ 43 khai mạc, lãnh đạo 10 nước thành viên chuẩn bị một loạt các cuộc họp mở rộng với các đối tác chính mà đứng đầu là Trung Quốc và Hoa Kỳ, trên đài RFI tiếng Việt, chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược FRS, không loại trừ khả năng bế tắc kinh tế khiến Trung Quốc trở thành nguy hiểm hơn đối với ASEAN.
Mùa hè 2023, hàng loạt tin xấu dồn dập ập đến : tăng trưởng 0,8 % trong quý 2 thấp hơn rất nhiều so với dự báo. Chỉ tiêu GDP tăng 5 % cho cả năm gần như « hoàn toàn ngoài tầm tay ». Chỉ riêng trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu giảm 14,5 %, « rơi » mạnh nhất trong 4 tháng trở lại đây. Đồng nhân dân tệ liên tục mất giá so với đô la (-5 % từ đầu năm tới nay), euro (-6 %) và nhất là so với đồng bảng Anh (-9%). Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc huy động quỹ dự trữ ngoại tệ để giữ giá cho đơn vị tiền tệ quốc gia. Tiêu thụ nội địa từ sau khi Bắc Kinh chấm dứt chính sách zero Covid không có dấu hiệu phục hồi. Khu vực địa ốc – giao dịch bất động sản và ngành xây dựng chiếm gần 30 % GDP của Trung Quốc, thua lỗ nặng nề. Hai ông khổng lồ trong ngành Evergrande và Country Garden đang bên bờ vực thẳm, đe dọa luôn cả hệ thống tài chính và ngân hàng. Các biện pháp « bơm tiền » để kích thích tiêu thụ và đầu tư dường như không còn hiệu quả. Tỷ lệ tiết kiệm của người dân tăng 14 % trong một tháng chứng tỏ công luận bất an.
Trong bối cảnh đó liệu chính quyền Bắc Kinh có khai thác tinh thần dân tộc của gần 1,5 tỷ dân để bảo vệ tính chính đáng và sự tồn tại của Đảng Cộng Sản, khi biết rằng « khế ước ngầm » giữa Đảng với nhân dân đổi thịnh vượng lấy ổn định chính trị, xã hội đang bị sói mòn ? Trả lời RFI Việt ngữ Antoine Bondaz nêu bật hai tác động mà sự đình trệ về kinh tế của Trung Quốc có thể mang lại.
Đảng Cộng Sản Trung Quốc mất công cụ bảo đảm cho sự tồn tại
Antoine Bondaz : « Thứ nhất là Đảng Cộng Sản Trung Quốc giờ đây phải đi tìm một lý do chính đáng để tồn tại, bởi về lâu dài không thể trông cậy vào phát triển kinh tế như trong những thập niên vừa qua nữa. Điều đó có nghĩa là Bắc Kinh có nguy cơ gia tăng các biện pháp kiểm soát dân chúng, khai thác tinh thần dân tộc của người dân. Chính quyền có thể sẽ có những hành động táo bạo, đặc biệt là trên vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải, trong đó có Biển Đông và vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp đến một số thành viên Hiệp Hội Đông Nam Á. Hậu quả thứ nhì là Trung Quốc sẽ hung hăng hơn trong việc săn lùng những thị trường mới ở hải ngoại. ASEAN hiện nay là đối tác thương mại quan trọng nhất của Bắc Kinh do vậy dễ hình dung ra kịch bản Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Đông Nam Á và lại càng dùng kinh tế, thương mại để lôi kéo khối này về phía mình. Ai cũng biết ASEAN hiện là một đầu tàu tăng trưởng ».
Theo báo cáo mới nhất của ngân hàng HSBC, từ đầu năm 2023, ASEAN đã qua mặt Liên Hiệp Châu Âu trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc. Gần 15 % xuất khẩu của Trung Quốc hướng về 10 nước ASEAN. Đầu tư Trung Quốc vào khu vực này cũng đã tăng rất mạnh, chủ yếu là trong khuôn khổ dự án Một Vành Đai Một Con Đường -BRI.
Cả Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế lẫn Ngân Hàng Thế Giới cùng xem ASEAN, với hơn 600 triệu dân, hiện là khu vực « tiềm năng nhất, năng động nhất » thế giới, với tỷ lệ tăng trưởng trên 5 %.
Trung Quốc muốn khai thác những lợi thế của ASEAN
Hơn nữa Trung Quốc đang trông thấy nhiều lợi thế của ASEAN. Vẫn theo HSBC, nhân công tại Việt Nam, Indonesia hay Philippines rẻ hơn so với ở Hoa Lục ; Hiệp Hội Đông Nam Á đã ký kết nhiều thỏa thuận tự do mậu dịch với một số quốc gia từ Úc đến Ấn Độ hay Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand … Đó là những « cánh cổng » hữu ích đưa hàng hóa và đầu tư củaTrung Quốc đi xa hơn, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang lao vào một cuộc tranh hùng và trong giai đoạn xung khắc về thương mại.
Antoine Bondaz : « Phương Tây muốn giảm rủi ro Trung Quốc, tức là đa dạng hóa các đối tác thương mại để bớt phụ thuộc vào Bắc Kinh, cho nên đã đầu tư khá nhiều vào Đông Nam Á. Nhật Bản và Hàn Quốc đã đi tiên phong, mở cơ sở tại nhiều nơi trong khối ASEAN. Gần đây hơn, đến lượt Mỹ cũng như Liên Âu cũng đã có chiến lược tương tự. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh muốn bằng mọi giá không để bị gạt ra ngoài chuỗi cung ứng của toàn cầu. Do vậy, một các kín đáo, Trung Quốc tăng cường hiện diện qua trung gian các doanh nghiệp đang hoạt động tại các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, ASEAN không phải là một thị trường chung, như thị trường của Liên Âu và cũng không là một định chế như Liên Hiệp Châu Âu, cho nên Trung Quốc không thể gây sức ép với toàn khối, mà chỉ có thể can thiệp, hay gây áp lực với từng quốc gia mà thôi, đặc biệt là trên vấn đề kinh tế ».
Hồ sơ Biển Đông
Không thể phủ nhận ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nhiều thành viên ASEAN cả về kinh tế lẫn an ninh, đặc biệt là trong trường hợp của Cam Bốt hay Miến Điện… Tuy nhiên, bên cạnh đó, như ông Bondaz vừa lưu ý, Trung Quốc trực tiếp có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với một số quốc gia Đông Nam Á như Philippines hay Việt Nam.
Antoine Bondaz : « Liên quan đến Biển Đông, hiển nhiên là từ lâu nay Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền với vùng biển này. Không ai ngạc nhiên về điều đó cả. Có chăng thay đổi ở đây là thứ nhất, khả năng của Bắc Kinh ngày càng lớn và sức mạnh càng lúc càng có lợi cho Trung Quốc so với các thành viên khác của ASEAN. Thêm vào đó, Bắc Kinh càng lúc càng sử dụng những phương tiện và chiến thuật cực đoan hơn để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, với một lực lượng dân quân biển rất hùng hậu để lấn át Philippines chẳng hạn. Đồng thời, vào lúcTrung Quốc trở nên hung hãn hơn thì ASEAN cũng đã mạnh dạn đáp trả để bảo vệ lợi ích của mình.
Từ khi Bắc Kinh công bố “bản đồ tiêu chuẩn 2023”, ít nhất 5 thành viên ASEAN đã phản đối và lập trường này của các nước Đông Nam Á đã được phương Tây ủng hộ. Bắc Kinh liên tục mạnh mẽ gây sức ép với các đối tác Đông Nam Á cả bằng kênh kinh tế lẫn an ninh, thí dụ như là đối với các quốc gia trong vùng sông Mekong, nhưng đôi khi hành động đó lại phản tác dụng. Tiêu biểu hơn cả là các chính sách Ấn Độ -Thái Bình Dương của Âu, Mỹ. Không trực tiếp nói ra, nhưng rõ ràng mục tiêu chính là nhằm làm đối trọng với sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực này. Cũng chính sách Ấn Độ-Thái Bình Dương đó cho phép phương Tây tăng cường hiện diện tại Đông Nam Á và thắt chặt thêm quan hệ với các đối tác của ASEAN ».
Về phía Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, đến nay khối này cố gắng tránh để rơi vào thế phải chọn phe trong cuộc đối đầu Mỹ-Trụng, nhưng liệu ASEAN sẽ giữ được thế cân bằng đó nữa hay không trước những tham vọng chủ quyền càng lớn của Bắc Kinh ? Liệu ASEAN có nguy cơ rơi vào cái « bẫy địa chính trị »giữa hai siêu cường kinh tế thế giới là Mỹ và Trung Quốc ?
Antoine Bondaz : « Hiển nhiên là ASEAN không thể liên kết, không đứng hẳn về phía Trung Quốc hay Hoa Kỳ và không ai bắt buộc họ phải làm như vậy, bởi vì thế giới không trong giai đoạn Chiến tranh lạnh của thời kỳ 1960-1970. Giờ đây các nước Đông Nam Á hoàn toàn có thể mở rộng bang giao với cả Washington lẫn Bắc Kinh. Điểm quan trọng nhất đối với ASEAN là đa dạng hóa các đối tác để những đối tác đó bổ sung cho lẫn nhau. Đó có thể là Ấn Độ, Nhật Bản hay Liên Hiệp Châu Âu. Dù vậy, rõ ràng là ASEAN càng lúc càng khó tránh khỏi cái bẫy địa chính trị, song tôi tin rằng với nhiều đối tác khác nhau, Đông Nam Á hoàn toàn có thể tránh lâm vào thế kẹt và họ có thể giảm thiểu áp lực của Trung Quốc cũng như của Hoa Kỳ ».
Tăng trưởng là công cụ phục vụ mục tiêu chính trị
Vào lúc bốn chìa khóa tăng trưởng (xuất khẩu, địa ốc, tiêu thụ nội địa, đầu tư nước ngoài) bị tê liệt, bang giao giữa Bắc Kinh với nhiều nước phương Tây gặp nhiều trắc trở, Trung Quốc bắt buộc phải đi tìm những giải pháp mới để tiếp tục đem lại cơm no áo ấm cho gần 1,5 tỷ dân. Bản thân thủ tướng Lý Cường, đại diện cho Trung Quốc dự Hội Nghị Cấp Cao ASEAN mở rộng tại Indonesia lần này, đã nhìn nhận tình hình kinh tế đang « phức tạp và nghiêm trọng ». Dù vậy, theo lời một chuyên gia về Trung Quốc, thuộc nhóm nghiên cứu của Anh Chatham House, được báo Financial Times trích dẫn, mặc dù ở cấp cao nhất, giới lãnh đạo Bắc Kinh « hoàn toàn sáng suốt » về những thách thức đang đặt ra, nhưng « an ninh mới là ưu tiên quan trọng hơn cả những vấn đề kinh tế ».
Tăng trưởng chỉ là một công cụ bảo đảm ổn định trong xã hội và điều đó giải thích phần nào lần này chính quyền đã chậm trễ ban hành các biện pháp kích cầu và đó cũng chỉ là những gói kích cầu khiêm tốn. Mục tiêu quan trọng nhất đối với ông Tập Cận Bình hiện tại là đưa Trung Quốc trở thành một nền kinh tế tự chủ về mặt công nghệ, kỹ thuật, bởi đó sẽ là sức mạnh của kinh tế Trung Quốc sau này.
Có điều, trước mắt, như Andy Rothman, thuộc quỹ đầu tư Matthews Asia, ghi nhận : Thách thức kinh tế lớn nhất đối với chính quyền của ông Tập Cận Bình hiện nay là chính các doanh nhân Trung Quốc đang mất niềm tin khi họ thấy nhiều nhà tỷ phú hàng đầu đã bị « việt vị ».
Theo Lance Gore, chuyên gia về chính trị kinh doanh đại học Singpore, được báo Financial Times trích dẫn, 24 thành viên Bộ Chính trị chủ yếu là những người thân tín nhất với Tập Cận Bình, cho nên kinh tế có sa sút thêm đi chăng nữa thì chưa chắc là ông Tập sẽ phải lo lắng, bởi « sẽ không một ai dám nghi ngờ về sự sáng suốt » của nhà lãnh đạoTrung Quốc đầy quyền lực này.