5 tháng 2 2018
Việt Nam vừa chính thức kỷ niệm sự kiện Mậu Thân 1968, biến cố lịch sử cũng được dư luận ở Hoa Kỳ quan tâm nhân 50 năm sự kiện.
Được Việt Nam gọi là “Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968”, trong khi trong tiếng Anh dùng chữ “Tet Offensive”, sự kiện được mọi bên, dù theo quan điểm nào, xem là có ý nghĩa vô cùng lớn trong diễn trình cuộc chiến Việt Nam.
Chủ trương tấn công từ khi nào?
Tài liệu mới nhất, chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam nói Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì các cuộc họp của Bộ Chính trị Bắc Việt trong tháng 5 và 6/1967, xem xét dự thảo kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967 – 1968.
Từ đây, Bộ Chính trị Bắc Việt ra chủ trương “trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn”.
Trong một cuộc họp của Bộ Tổng tham mưu, ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất (tên chức danh tổng bí thư giai đoạn này) đảng Lao Động, đề xuất giải pháp “đánh thẳng vào sào huyệt địch tại các thành phố, thị xã”.
Theo ông Lê Duẩn, đánh thẳng vào các thành phố, thị xã mới có thể tạo nên “làn sóng đấu tranh chính trị mạnh mẽ ở các đô thị miền Nam và nước Mỹ”, theo tài liệu của bộ quốc phòng Việt Nam.
Đề xuất này được Bộ Chính trị thông qua.
Tháng Tám 1967, Bộ Tổng tham mưu xác định cách đánh “tổng tiến công kết hợp với nổi dậy”.
Tháng 10/1967, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Bắc Việt họp mở rộng và quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược vào các đô thị trên toàn miền Nam.
Hai tháng sau, cuối năm 1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 ngày 28/12.
Với mục tiêu nghi binh, Bắc Việt chọn Khe Sanh là một huyện lỵ của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cách Lào chỉ khoảng 20 cây số. Thị trấn nhỏ này nằm trên đường 9, con đường chiến lược dẫn sang Lào, dẫn tới đường mòn huyền thoại Hồ Chí Minh.
Bắc Việt mở chiến dịch đường 9 – Khe Sanh nhằm mục đích đánh lạc hướng chú ý của Mỹ, với việc dồn hàng ngàn quân tạo ra ấn tượng rằng sẽ có cuộc tấn công vào căn cứ Mỹ tại Khe Sanh chứ không phải là kế hoạch tấn công toàn miền Nam. Nổ súng vào Khe Sanh chính thức mở màn ngày 20/1/1968, nhằm lôi kéo quân lực Mỹ giải cứu khu vực này.
Đúng 0 giờ ngày 29/01/1968 (giao thừa theo lịch miền Bắc), xảy ra vụ tấn công sân bay Nha Trang (Khánh Hòa).
Từ 0 giờ 30 phút đến 1 giờ 15 phút ngày 30 tháng 1 năm 1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam), chiến dịch mở màn ở miền Trung với các cuộc tấn công ở các nơi như Kon Tum, Gia Lai, Bình Định, Đà Nẵng.
Mậu Thân gồm mấy đợt?
Trên thực tế, Bắc Việt và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (mà Mỹ khi đó gọi là Việt Cộng) tổ chức ba đợt tấn công: Đợt 1: từ 30/1 đến 28/3; Đợt 2: từ 5/5 đến 15/6; Đợt 3: từ 17/8 đến 30/9/1968.
Với dư luận, đặc biệt tại Mỹ, ấn tượng mạnh mẽ và kinh hoàng nhất là đợt một, với các trận đánh tại Sài Gòn và Huế.
Tại Sài Gòn, trận đánh toà Đại sứ Mỹ kéo dài hơn 6 tiếng đồng hồ.
Trận chiến ở Huế kéo dài 25 ngày đêm, từ 31/1 đến 24/2.
Tổn thất của Bắc Việt và Mặt Trận?
Một nguồn sử liệu chính thức của Việt Nam là Lịch sử Ðảng Cộng sản Việt Nam, tập 2 – 1954-1975, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.
Theo sách này, “111.306 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và chính trị ở miền nam đã hy sinh và bị thương, hàng vạn quần chúng cách mạng đã ngã xuống”.
Còn tài liệu của Cục tác chiến năm 1969 cho biết 44.824 người hy sinh và 61.267 bị thương.
Kỷ niệm 50 năm sự kiện, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam 1997-2006, nói: “Trên toàn miền Nam các đơn vị cũng hy sinh rất nhiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng, kết quả cuối cùng ta thắng lợi. Phải chấp nhận hy sinh, thiệt hại để đi đến chiến thắng về chính trị, kết thúc được chiến tranh.”
Các nguồn nước ngoài?
Các nguồn nước ngoài cũng chỉ nêu ra được con số gần đúng về quân số các bên và thương vong trong trận Mậu Thân:
AFP viết “hơn 80 nghìn quân miền Bắc và Việt Cộng đã tham gia vào các cuộc tấn công có phối hợp tháng 1/1968 vào các đô thị lớn, Huế, Sài Gòn và gần 100 địa điểm”.
Chừng 58 nghìn quân cộng sản đã thiệt mạng trong đợt tấn công, theo AFP.
Sự tàn khốc của các đợt giao tranh được thể hiện ngay sau khi cuộc tấn công nổ ra vài tuần, theo một nhà báo ngoại quốc.
Trong bản tin đánh đi từ Sài Gòn ngày 21/02/1968, phóng viên Peter Arnett của hãng AP nêu ra con số 140 nghìn người bị giết chỉ sau 10 ngày chiến sự.
Phóng viên Arnett viết “con số chính thức, cho thấy vụ đổ máu này phải thuộc tầm tàn sát lớn nhất trong lịch sử vốn đã đau thương 4000 năm của Việt Nam”.
Trang Britannica trong chuyên mục Tet Offensive nêu rằng “đến tháng 2 năm 1968, con số quân Mỹ bị giết tại Việt Nam lên tới hơn 500 một tuần”.
Cũng trang Bách khoa toàn thư này của Anh trích nguồn quân đội Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam khi đó nói có những thời điểm, con số quân đối phương (Bắc Việt và Quân Giải phóng) bị hỏa lực Mỹ tiêu diệt, làm bị thương chỉ là 50 nghìn,