- BBC News tiếng Miến Điện & Kelly Ng
- từ Yangon và Singapore
Cựu lãnh đạo hiện đang bị giam giữ của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đang không được chăm sóc y tế dù sức khỏe không tốt, con trai bà nói.
Kim Aris cho biết chính quyền quân sự đang cầm quyền đã chặn yêu cầu của giới chức nhà tù về việc “chăm sóc khẩn cấp” mẹ ông.
Các nguồn thạo tin nói với Ban BBC tiếng Miến Điện rằng bà Aung San Suu Kyi, năm nay 78 tuổi, đang bị đau răng nghiêm trọng khiến bà không thể ăn uống được.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của chính quyền quân nhân cho biết bà Suu Kyi đang trong tình trạng sức khỏe tốt, và đang được các bác sĩ quân y và bác sĩ dân sự kiểm tra.
Bà Suu Kyi bị giam giữ từ tháng 2/2021, sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Vào tháng 7, bà được chuyển từ nhà tù sang quản thúc tại gia ở thủ đô Nay Pyi Taw của Miến Điện, nhưng không rõ ở địa điểm nào trong thành phố.
“Việc không cho một tù nhân ốm bệnh được chăm sóc y tế theo khuyến nghị là nhẫn tâm và tàn ác,” ông Aris nói trong một tin nhắn gửi tới ban BBC tiếng Miến Điện.
Người đàn ông 46 tuổi sống ở Anh cho biết mẹ ông đã bị nôn ói và bị “chóng mặt nghiêm trọng” do sức khỏe kém.
“Bất kỳ ai bị bệnh viêm nướu đau đớn đến mức không thể ăn uống sẽ đều gặp nguy hiểm cho sức khỏe tổng thể, nếu không được điều trị thích hợp.”
Những người quen lâu năm với gương mặt đoạt giải Nobel nói với BBC Miến Điện rằng bà Suu Kyi mắc bệnh nướu răng mãn tính và bị huyết áp thấp, trong khi một nguồn thạo tin nói thêm rằng tình trạng viêm lợi của bà đã “trở nên tồi tệ hơn”.
Nguồn tin này ghi nhận rằng bà đã được phục vụ đồ ăn mềm và thuốc dạng thạch dẻo nhằm giảm nhẹ mức đau răng.
Chính phủ Thống nhất Quốc gia lưu vong của Myanmar – liên minh của tất cả các đảng phái chính trị trong nước – đã kêu gọi cộng đồng quốc tế “gây áp lực lên chính quyền quân sự” để đưa ra cách đối xử thích hợp cho những người bị giam giữ chính trị như bà Suu Kyi.
Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho bà Suu Kyi và hàng nghìn người khác bị giam giữ trong cuộc đàn áp của chính quyền quân sự đối với người biểu tình phản đối đảo chính.
Sau cuộc đảo chính, Myanmar rơi vào cuộc nội chiến gần như toàn diện, khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Quân đội đã đàn áp một cách tàn nhẫn phe đối lập, sử dụng các chiến thuật như không kích gây thương vong cao cho dân thường. Các nhà lãnh đạo quân sự của nước này cũng bị các nhóm nhân quyền cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
Các nhà lãnh đạo thế giới đã lên án cuộc đảo chính và áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh và công ty thuộc sở hữu của quân đội Myanmar.
Từng được coi là biểu tượng của nền dân chủ, bà Suu Kyi đã bị giam giữ nhiều lần trong suốt sự nghiệp chính trị của mình.
Tuy nhiên, hình ảnh của bà đã bị ảnh hưởng trên trường quốc tế trong thời gian bà lãnh đạo đất nước trên thực tế, giữa những cáo buộc theo đó nói bà phớt lờ tình trạng bạo lực chống lại người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Cuộc khủng hoảng đảo chính ở Myanmar cũng đã chi phối các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN đang diễn ra ở Indonesia. Các nhà lãnh đạo khối Đông Nam Á đã lên án chính quyền quân sự vì tình trạng bạo lực tiếp diễn ở nước này.
Đây là năm thứ hai liên tiếp Myanmar không được mời tham dự cuộc họp khu vực kể từ cuộc đảo chính.